07:07 30/07/2014

Chuyến thăm của Kerry và quan hệ chiến lược Ấn-Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8/2014 và sẽ cùng người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj đồng chủ trì vòng Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 5.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thăm Ấn Độ từ ngày 30/7-1/8/2014. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 31/7, Ngoại trưởng John Kerry sẽ cùng người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj đồng chủ trì vòng Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 5. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Ngoại trưởng Kerry kể từ khi chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đưng đầu chính thức lên nắm quyền ngày 26/5 vừa qua.


Theo lịch trình, ông Kerry sẽ tới chào Thủ tướng Modi và dự kiến tới thăm thành phố Bangalore - trung tâm công nghệ của Ấn Độ. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker sẽ tới thăm thành phố Mumbai-trung tâm tài chính Ấn Độ-trước khi cùng phái đoàn Mỹ tham dự cuộc đối thoại chiến lược tại New Delhi.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự cuộc đối thoại chiến lược tại New Delhi năm 2013.


Mỹ và Ấn Độ triển khai cuộc Đối thoại chiến lược cấp bộ trưởng hồi tháng 7/2009, trong đó tập trung vào 5 trụ cột mà hai bên cùng quan tâm, gồm: Hợp tác chiến lược; năng lượng và biến đổi khí hậu; giáo dục và phát triển; kinh tế, thương mại và nông nghiệp; khoa học và công nghệ; y tế và sáng tạo. Cuộc Đối thoại chiến lược đầu tiên được tiến hành tại thủ đô Washington tháng 6/ 2010; các vòng đối thoại tiếp theo được lần lượt tổ chức tại New Delhi vào tháng 7/ 2011; tại Washington DC tháng 6/ 2012; tại New Delhi vào tháng 6/ 2013.


Vòng đối thoại năm nay đáng lẽ theo lịch trình sẽ tổ chức tại Washington, song hai bên thỏa thuận tiến hành tại New Delhi để Ngoại trưởng Kerry có cơ hội tiếp xúc với ban lãnh đạo mới tại Ấn Độ, đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Modi, dự kiến vào tháng 9 tới.


Theo đánh giá của báo chí Ấn Độ, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Kerry và cuộc Đối thoại chiến lược lần thứ 5, Mỹ và Ấn Độ mong muốn “tái tiếp sinh lực” cho quan hệ song phương. Bốn năm sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố coi quan hệ Ấn-Mỹ như một trong những “đối tác được xác định của thế kỷ 21”, quan hệ giữa hai nước vẫn chưa được như kỳ vọng và còn nhiều vấn đề khiến quan hệ song phương không phát triển trong những năm cuối nhiệm kỳ thứ hai của Chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA-II).


Trong khi nhiều hy vọng về những cơ hội mới trong quan hệ Mỹ-Ấn, hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó cần giải quyết bất đồng về luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ, cũng như lập trường của Mỹ về vấn đề quyền tài sản trí tuệ. Mỹ vẫn chưa nhất trí với Ấn Độ về luật trách nhiệm hạt nhân dân sự, vốn có điều khoản ràng buộc trách nhiệm nghiêm ngặt đối với bên cung cấp. Bên cạnh đó, còn có những bất đồng lớn giữa Ấn Độ và Mỹ về vấn đề quyền tài sản trí tuệ và “chủ nghĩa bảo hộ”. Mỹ cho rằng Ấn Độ thiếu sót trong việc bảo vệ các phát minh, bản quyền và các quyền tài sản trí tuệ khác của Mỹ.


Mỹ đã có quan hệ quốc phòng mạnh hơn với Ấn Độ. Với quyết định của chính phủ Ấn Độ nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất thiết bị quốc phòng lên 49% so với 26% hiện nay, hai nước dự định sẽ triển khai những bước tiếp theo trong chiến lược “cùng sản xuất và cùng phát triển”. Mặc dù Mỹ muốn các công ty của họ vẫn kiểm soát cổ phần trong các liên doanh, trong chương trình nghị sự của vòng Đối thoại chiến lược lần này sẽ đề cập đến việc hợp tác sản xuất tên lửa javelin thế hệ mới, cũng như một chương trình phát triển máy bay không người lái. Ấn Độ cũng mong muốn hợp tác lớn hơn với Mỹ trong khai thác khí từ đá phiến, trong khi Mỹ mong muốn mở rộng xuất khẩu và đầu tư tới Ấn Độ, với hy vọng nền kinh tế nước này sẽ phục hồi dưới thời chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu.


Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Kerry khẳng định quan hệ hữu nghị gần gũi với Ấn Độ là một trong những ưu tiên chiến lược dài hạn của Mỹ. Ông cho rằng hiện là “thời điểm chuyển đổi tiềm năng” trong quan hệ đối tác Mỹ - Ấn khi hai nước đã quyết tâm thực hiện những “cơ hội chiến lược và lịch sử” mà họ có thể cùng nhau tạo ra. Ấn Độ đã có chính phủ mới, với những ưu tiên mới và khả năng mới. Ngoại trưởng Kerry bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn và các kế hoạch phát triển của Thủ tướng Modi vì đất nước Ấn Độ. Ông nói “Mỹ và Ấn Độ có thể và phải là những đối tác không thể thiếu của nhau trong thế kỷ 21.


Quyết tâm và tinh thần phối hợp giữa hai nước là cần thiết để giải quyết một số thách thức lớn của thế giới. Hai nước có thể làm việc cùng nhau để đối phó với những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến năng lượng sạch và các lĩnh vực khác”. Ngoại trưởng Kerry cũng nêu một số lo ngại hiện nay của Mỹ. Ông nói “Nếu Chính phủ Ấn Độ thực hiện các kế hoạch hỗ trợ lớn hơn đối với sáng kiến tư nhân, nếu họ mở cửa hơn cho các luồng vốn từ bên ngoài, nếu họ hạn chế trợ cấp trong nước và cố gắng cạnh tranh, bảo vệ mạnh mẽ quyền tài sản trí tuệ, thì chắc chắn các công ty Mỹ sẽ đến Ấn Độ nhiều hơn”.


Ông Milan Vaishnav, chuyên gia Ấn Độ tại viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho rằng trong vài năm qua cả Mỹ và Ấn Độ thường tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi, vốn có thể làm trệch hướng quan hệ. Một bài phát biểu chưa đủ, chính phủ hai nước sẽ phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương.


Ông Manish Chand, Tổng biên tập trang tin điện tử “India Writes” nhận định “đối tác được xác định của thế kỷ 21” có thể là sự khởi đầu mới khi Ấn Độ và Mỹ tiến hành cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên sau khi Ấn Độ có chính phủ mới. Washington đã phát đi những thông điệp thực dụng và quả quyết kể từ khi Chính phủ mới lên cầm quyền tại Ấn Độ. Chỉ vài giờ sau khi kết quả cuộc bầu cử Hạ nghị viện Ấn Độ được công bố ngày 16/5, Tổng thống Barack Obama đã chúc mừng “thắng lợi lịch sử” ông Modi và đảng nhân dân Ấn Độ (BJP), đồng thời bày tỏ mong muốn làm việc chặt chẽ với ông để “thực hiện cam kết đặc biệt về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn”.


Ngày 28/5, vài ngày sau khi Chính phủ mới tại Ấn Độ tuyên thệ nhậm chức, ông Kerry là Ngoại trưởng đầu tiên gọi điện chúc mừng bà Swaraj. Ông Kerry đã nhiệt tình nói đến việc “tái tiếp sinh lực” cho quan hệ Mỹ-Ấn và bày tỏ hy vọng hai nước sẽ tăng kim ngạch thương mại song phương gấp 5 lần, lên mức 500 tỷ USD so với mức 100 tỷ USD hiện nay. Mở rộng quan hệ kinh tế chắc chắn sẽ là chủ đề chính trong vòng đối thoại chiến lược lần thứ 5 tại New Delhi, chuẩn bị nền móng cho cuộc cặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama tại Washington vào tháng 9 tới.


Về sự liên kết chiến lược, theo ông Manish Chand, với một thế giới đầy bất ổn, từ châu Phi tới Afghanistan, vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 5 sẽ phải vận dụng trí não mạnh mẽ trong khi thảo luận những điểm nóng khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề Afghanistan, Syria, Iraq và tình hình biến động tại Trung Đông. Bảo đảm sự chuyển giao hòa bình tại Afghanistan sau năm 2014 và loại bỏ sào huyệt của bọn khủng bố tại khu vực Afghanistan-Pakistan sẽ cần đến sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Ấn Độ để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại đất nước có nguy cơ bạo lực này.


Mối đe dọa do các mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia, chẳng hạn như phong trào ISIS tại Iraq cũng cần Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Hai bền dân chủ này còn cần hợp tác tích cực trong việc định hình một cấu trúc Đông Á và thúc đẩy an ninh hàng hải trong khu vực.



Minh Lý (p/v TTXVN tại New Delhi)