11:15 11/11/2012

Chuyện phụ nữ bỏ nhà ở Khun Há

Xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) có hai dân tộc Thái và Mông sinh sống, trong đó 99% dân số là dân tộc Mông. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 6 phụ nữ người Mông nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu bỏ nhà đi...

Xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) có hai dân tộc Thái và Mông sinh sống, trong đó 99% dân số là dân tộc Mông. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 6 phụ nữ người Mông nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu bỏ nhà đi, cả 6 trường hợp này đều đã có chồng con.


Trong đó, có hai gia đình khi vợ bỏ đi không có tin tức gì, người chồng đã lấy vợ khác và dọn ra ở riêng. Những đứa trẻ có cha, có mẹ bỗng dưng thành mồ côi, phải bươn chải, đùm bọc nhau để sống qua ngày.


Những đứa trẻ mồ côi…


Gặp chúng tôi, khi nói về mẹ, Cứ A Dê, 12 tuổi cùng em gái Cứ Thị Sau, 9 tuổi ở bản Ngài Thầu Thấp bưng bát cơm rưng rưng nước mắt. Mẹ em là Lù Thị Sua, 27 tuổi bỏ đi từ tháng 8/2012, cho đến nay không có tin tức, bố thì lấy vợ hai và ở dưới lán ruộng, vài tuần mới về nhà thăm con một lần. Cứ A Dê học lớp 7, nhưng không ở bán trú mà về nhà để còn chăm sóc em gái.


Ông bà nội đã già, không giúp gì được, thương cháu thì chỉ biết đến động viên. Ông Cứ A Lứ, 82 tuổi tâm sự: Ông bà nhìn các cháu như vậy thì thương lắm, nhưng mình đã già biết làm thế nào được, ai có miếng gì ăn thì giúp cháu. Tôi mong sao con dâu trở về để các cháu đỡ khổ, để thế này thì tương lai của bọn trẻ sẽ ra sao?...


Chị em Cứ A Mẩy sàng mèn mén để chuẩn bị bữa ăn chiều.


Cùng hoàn cảnh là em Cứ A Mẩy, 14 tuổi có mẹ là Lù Thị Pằng, 54 tuổi bỏ sang bên kia biên giới lấy chồng, bố đi lấy vợ hai và xuống lán ruộng ở. Cứ A Mẩy kể, mẹ chỉ điện thoại bảo không về được nữa, các con làm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, rồi tắt điện thoại. Bố ở với mẹ kế, để chị em tự nuôi nhau. Hai em gái mới mười hai, mười ba tuổi cũng bỏ học để đi làm cùng với chị nuôi em ăn học.


Em Cứ A Dê mới 12 tuổi đã phải gánh vác công việc của người lớn, lo cho em gái khi mẹ bỏ đi.


Khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện, cậu bé quần đùi ướt sũng, tay xách dây có mấy con cá suối nhỏ chạy về khoe với các chị. Cậu bé này tên là Cứ A Tô, là em trai út trong nhà. Thấy người lạ, Cứ A Tô liền chạy vào bếp thay quần áo và nhóm bếp chuẩn bị nấu cơm chiều.


Khun Há trời sẩm tối, các gia đình xum vầy, vui vẻ bên nhau. Tại trường dân tộc bán trú THCS rộn rã tiếng cười nói, các em học sinh chuẩn bị lên lớp ôn bài. Trường có 309 em học sinh, trong đó học sinh người Mông chiếm 99%, học sinh nữ chỉ có 31 em. Thực trạng học sinh nữ ít như vậy là vì các em học hết lớp 5 là bỏ học ở nhà làm việc và lấy chồng.


Tuy thầy cô thường xuyên về bản để vận động phụ huynh cho các em được tới trường nhưng cũng không có kết quả. Khi chúng tôi nói về những em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như Cứ A Dê và Cứ A Tô thì thầy giáo Nguyễn Hợi, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mẹ không hiểu biết nên nghe lời kẻ xấu bỏ nhà đi, bố thì bỏ mặc con cái đi lấy vợ, chị em phải đùm bọc nhau để sống. Thầy cô gần gũi động viên ở lại trường sẽ có điều kiện học hơn nhưng các em không chịu. Dù không ở lại trường, các em vẫn được hưởng chế độ bán trú theo quy định của Nhà nước. Ban giám hiệu cũng giao cho giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên động viên các em hơn. Nhà trường nhận được hỗ trợ tiền, quần áo, sách vở của các tổ chức, cá nhân thì cũng ưu tiên cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tâm niệm của mỗi thầy cô chỉ mong sao các em được tới trường học chữ, rất thương các em có cha, có mẹ mà như trẻ mồ côi…


Lưu lạc nơi xứ người…


Chị Hàng Thị Mai, 30 tuổi ở bản Ngài Thầu Thấp (xã Khun Há) là một trong những người bỏ nhà sang bên kia biên giới lấy chồng với mơ ước được được sung sướng, không phải lao động mệt nhọc như ở quê. Nhưng thực tế chị Mai bị bán làm vợ, bị gia đình chồng giam cầm, hành hạ, chị không chịu được nên bỏ trốn. Trong thời gian lưu lạc, nơi đất khách, chị phải sống cảnh bơ vơ, rồi ở đợ cho người ta.


Về lại quê hương năm 2009, chị Mai hiện đã lấy chồng và có cuộc sống ổn định. Gặp chúng tôi, chị kể: Nghe người xấu rủ rê rồi bỏ đi, qua biên giới bị bán cho một ông già gấp đôi tuổi mình, sống khổ quá nên bỏ trốn, lưu lạc một thời gian dài mới quay trở lại được quê hương.


Cán bộ xã xuống thăm hỏi và động viên các gia đình có người bỏ đi.


Ông Đào Xuân Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há cho biết: Những người lười lao động đã nghe người xấu lừa gạt để bỏ gia đình, kể cả chồng và con nhỏ. Đêm khuya, họ bỏ nhà đi không ai biết. Có trường hợp gặp may thì lấy được người tử tế, nhưng nhiều trường hợp thì bị ruồng bỏ, bơ vơ nơi xứ người. Đảng ủy, các đoàn thể Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đã về bản tuyên truyền, vận động chị em không nghe lời người xấu xúi giục bỏ nhà đi, chịu khó làm kinh tế xây dựng gia đình. Dù vậy, nhưng một số người vẫn bỏ đi…


Lù Thị Dinh, 25 tuổi ở bản Ngài Thầu Thấp sau mấy năm bỏ nhà ra đi, đầu năm 2012 đã dẫn con về thăm gia đình. Lù Thị Dinh kể với mọi người, qua cửa khẩu thì có người đón dẫn đi. Sau sáu ngày, sáu đêm mới đến nơi. Khi đến mới biết mình bị bán làm vợ một ông già 60 tuổi. Người chồng này nhốt Lù Thị Dinh không cho tiếp xúc với bên ngoài. Khi sinh được một bé trai thì chồng mới giam lỏng và Lù Thị Dinh tìm cách trốn. Trốn được, Lù Thị Dinh lại gặp và lấy một người đàn ông 45 tuổi, khi sinh con thì nhà chồng cho về Việt Nam thăm gia đình.


Xã Khun Há những năm gần đây nhiều gia đình làm kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Có gia đình mỗi mùa vụ thu trăm bao thóc, có gia đình nuôi cả chục con trâu, mấy chục con lợn... Đặc biệt, cây thảo quả cho thu nhập cao được nhân rộng trên mảnh đất này và đã cho thu hoạch. Nhiều gia đình mỗi năm thu trên trăm triệu đồng từ cây thảo quả nên đời sống của nhiều gia đình đã khấm khá lên rất nhiều. Đây chính là cơ hội để người dân chịu thương, chịu khó vun vén xây dựng kinh tế làm giàu chính đáng trên quê hương mình.


Không chỉ riêng xã Khun Há, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay rất nhiều phụ nữ bỏ nhà đi không có tin tức như: xã Tà Mùng (Than Uyên) từ đầu năm đến nay có 25 phụ nữ bỏ đi; xã Trung Đồng (Tân Uyên) có 10 phụ nữ vắng mặt không rõ lý do; xã Hô Mít (Tân Uyên) có 3 cô gái chưa chồng bỏ sang Trung Quốc…


Mới nhất, vào chiều ngày 30/9 ở bản Pá Bon, xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) có 3 cô gái trẻ người Mảng bỏ đi, trong đó có em Lò Thị Dung hiện đang là học sinh lớp 8. Với tình hình phức tạp như vậy, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần nhanh chóng phối hợp vào cuộc để tuyên truyền vận động chị em phụ nữ không nghe lời kẻ xấu bỏ nhà đi; đồng thời, cần có kế hoạch, phương án để triệt phá những đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới nhằm giữ an ninh trật tự trên địa bàn, để cha mẹ không phải mất con, chồng không mất vợ, những đứa trẻ không phải mồ côi...



Bài và ảnh:Việt Hoàng