09:11 02/09/2011

Chuyện ở những buôn làng Nam Tây Nguyên

Chuyện anh du kích K’Vét ở xã Lộc Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường làm chết nhiều sĩ quan cao cấp của Mỹ... Đó là chuyện mà các già làng Nam Tây Nguyên vẫn tự hào kể lại cho lũ trẻ nghe. Và giờ đây còn có cả làng dân tộc được mệnh danh là “làng cử nhân”...

Chuyện xưa buôn làng đói cơm thiếu áo, nhưng cả buôn vẫn cùng thức trắng đêm, lo cho bộ đội từng hạt muối và vẫn bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. Chuyện anh du kích K’Vét ở xã Lộc Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường làm chết nhiều sĩ quan cao cấp của Mỹ... Đó là chuyện mà các già làng Nam Tây Nguyên vẫn tự hào kể lại cho lũ trẻ nghe. Và giờ đây còn có cả những câu chuyện, rằng đã có làng dân tộc được mệnh danh là “làng cử nhân”, ở nhiều buôn làng, đồng bào xây biệt thự, mua xe ô tô...

Một lòng đi theo cách mạng

Về Cao nguyên Di Linh trong những ngày này, hỏi chuyện phong trào Mộ Cộ thời những năm 30 của thế kỷ trước, hầu như ai cũng biết. Đó là phong trào chống Pháp nổi tiếng ở vùng đất Lâm Đồng do hai bà Ka Nhòi và Ka Voai (quen gọi là Mộ Cộ) lãnh đạo, tập hợp hơn 10.000 đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Tây Nguyên, làm cho giặc Pháp mất ăn mất ngủ.

Trước đó là phong trào chống sưu thuế, chống bắt phu, bắt lính của đồng bào K’Ho, Châu Mạ, do ông K’Dúi lãnh đạo. Sau đó các cuộc đấu tranh, các phong trào chống Pháp, xây dựng căn cứ, nuôi cách mạng... như cuộc đấu tranh do ông K’Kíu người K’Ho) ở buôn B’Lao Srê lãnh đạo, cuộc kháng chiến do ông Tou Tiang Đôn (dân tộc Chu Ru) chỉ huy...

Trong thời kỳ chống Mỹ, rất nhiều buôn làng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành căn cứ vững chắc cho cách mạng như: Sơn Điền, Kom Rum ở Di Linh, Đạ Chais (Lạc Dương), Lộc Bắc (Bảo Lâm), Bà Gia (Đạ Huoai)... Bà con một lòng theo cách mạng, chống dồn dân lập ấp, không đi lính cho giặc, tham gia lực lượng cách mạng. Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều cái tên đã gắn liền với những chiến công hiển hách như: Đội vận tải C2 của chị em phụ nữ dân tộc, đội nữ pháp binh 8/3 với các chị Ka Hường, Ka Mịp, Ka Rim, Ka Hiên... Nhiều chiến sĩ đã trở thành những cán bộ cốt cán trong kháng chiến, cũng như trong xây dựng đất nước sau này như: Mang Sang, K’Dòn, K’1 Tuất, K’Long, Hà Giang Dẻ, bà Điểu Thị Năm Lôi...

Đường vào xã vùng sâu Đạ Sar - một xã đồng bào dân tộc K’Ho ở Lạc Dương.


Ông K’ Hành – một cán bộ người K’Ho đã ngoài tuổi thất thập, với hơn 50 năm tham gia cách mạng, tự hào nói: “Cách mạng đã làm cho đồng bào mình sáng mắt, sáng lòng, nên gần như ai cũng theo cách mạng. Trước cũng thế mà giờ cũng thế, vì theo cách mạng là có cơm no, áo ấm, là được học hành”.

Cùng suy nghĩ ấy, đồng bào các buôn làng Nam Tây Nguyên đã chung sức chung lòng với Đảng. Nhiều xã vùng đồng bào dân tộc đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND như: Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Nam, Sơn Điền, Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc, Đạ Chais, Đoàn Kết... Nhiều bà con người dân tộc thiểu số đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý của Nhà nước, trong đó có Anh hùng LLVTND K'Đen, 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Đêm bên bếp lửa cùng chóe rượu cần trong các buôn làng, những chuyện anh hùng, bất khuất ngày xưa vẫn được kể mãi; những người lớn tuổi say sưa kể và lũ trai trẻ làng vẫn háo hức nghe...

Ánh sáng mới trên buôn làng

“Đảng, Nhà nước đã mang lại cho mọi buôn làng cuộc đời mới với những nụ cười tươi như bông hoa trong rừng”, như cách nói của Ya Tuân – cán bộ mặt trận huyện Đơn Dương.

Đảng không chỉ mang lại hòa bình, mà hơn thế nữa là một cuộc sống mới “bao đời chưa dám nghĩ đến”. Chỉ tính riêng nguồn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở Lâm Đồng, từ năm 2000 - 2010 đã có 685 tỷ đồng đến với đồng bào. Đồng bào được ưu tiên mọi mặt như cấp đất sản xuất, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, làm nhà miễn phí, cấp nước sạch sinh hoạt, khám chữa bệnh, học hành... Nhiều công trình thủy lợi lớn, các trung tâm cụm xã, hàng nghìn công trình điện thắp sáng... đã được xây dựng trong vùng đồng bào các dân tộc. Tân Châu – xã đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh, từ năm 2000 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; thôn Ka Ming của đồng bào K’Ho ở xã Gung Ré hơn 10 năm qua cũng được mệnh danh “làng cử nhân”... là những minh chứng sinh động cho sự đổi đời trong các buôn làng của đồng bào trên vùng đất Nam Tây Nguyên này.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay 100% xã đồng bào các dân tộc thiểu số có điện lưới quốc gia, có trạm y tế, có đường nhựa đến xã..., 95% trẻ em được tiêm phòng, trên 95% trẻ em đến trường được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp và còn được cấp tiền hỗ trợ ăn học, 90% số xã được phủ sóng phát thanh – truyền hình bằng tiếng K’Ho và Chu Ru, 100% nhân khẩu được cấp miễn phí bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trong đồng bào chỉ còn 15% và số hộ khá giả ngày càng tăng nhanh, trong đó có hàng nghìn hộ có mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm...

Bà Điểu Thị Năm Lôi, một du kích nổi tiếng ở Đồng Nai Thượng, từng là đại biểu Quốc hội, cho biết: Vùng Đồng Nai Thượng của bà ngày xưa nghèo khổ lắm, thế nhưng giờ đây có điện, có đường nhựa dài hơn 40 km về xã, có trường học kiên cố mới, nhà nào cũng có của ăn của để. Đồng bào bây giờ đau ốm là đến bác sĩ chứ không còn cúng bái như xưa nữa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đồng bào các dân tộc ở nhiều buôn làng đang xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Như vùng Lạc Dương, Đơn Dương trước đây, đồng bào chỉ biết trồng lúa nước mỗi năm 1 vụ, thì nay đã biết trồng rau, hoa thương phẩm trong nhà kính, nhà lưới. Đồng bào ở Lâm Hà, Bảo Lâm... đã không còn xa lạ với việc trồng cà phê, chè chất lượng cao. Hơn 100.000 ha rừng đang được đồng bào nhận khoán quản lý, bảo vệ với niềm vui: Có thu nhập khá và giữ được rừng để có cái nước uống, cái cây thở...

Những ngày này, chen trong tiếng mưa đại ngàn của núi rừng Nam Tây Nguyên là những điệu cồng chiêng của lễ hội, là tiếng reo đùa của hàng ngàn học sinh ở các buôn làng tung tăng cắp sách đến trường. “Tuy vẫn còn những việc cần được quan tâm hơn, làm tốt hơn, nhưng so với trước đây cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã khá lên rất nhiều rồi”, lão thành cách mạng K’Thành tươi cười nói.

Bài và ảnh: Phan Văn Đông