11:13 06/11/2014

Chuyện năm tôi mười lăm

Cha tôi mất được hơn năm thì mẹ tôi lấy chồng, người Mỹ. Tôi tám tuổi, về ở với bác Điểm, chị gái của cha. Từ ngày cha đi chữa bệnh gần hai năm, tôi chưa được thăm cha lần nào vì mẹ bảo người ta cấm không cho phép trẻ con được bước vào đó.

Cha tôi mất được hơn năm thì mẹ tôi lấy chồng, người Mỹ. Tôi tám tuổi, về ở với bác Điểm, chị gái của cha. Từ ngày cha đi chữa bệnh gần hai năm, tôi chưa được thăm cha lần nào vì mẹ bảo người ta cấm không cho phép trẻ con được bước vào đó. Đến lúc mẹ quyết định theo chồng ra nước ngoài, hình như có cãi cọ với bác Điểm một trận về việc mang tôi theo cùng. Rốt cục, mẹ xách va ly đi, tôi theo bác về quê. Đó là lần thứ hai tôi được về nơi cha sinh ra, một ngôi làng nằm ven sông Ngàn.

Bác Điểm thành người của chợ Ngàn năm mười bảy tuổi, là cô bán hàng khô nổi tiếng mặn mà, có duyên cả một vùng, năm ấy vừa tròn ba mươi. Ở quê, tuổi ấy, dù có đẹp gái đến đâu cũng đã bị coi là ế, may ra chỉ có những người đàn ông góa vợ hoặc vợ cả chịu không sinh được quý tử mới hỏi đến. Riêng bác Điểm, nhiều người vẫn mê mệt vì cái sắc, cái nết nhưng không biết từ đâu tai tiếng cha tôi phải vào trại phong khiến họ e ngại. Bác tôi cứ như một đóa hoa cô đơn, sớm tối lặng lẽ tỏa hương. Mà người đời cũng lạ, hàng khô của bác tôi họ vẫn cứ mua, vẫn cứ chuyện trò nhưng bác tôi xinh đẹp, dịu dàng thế kia mà không ai thể hiện ra tình ý.

*
* *

Có lẽ vì tôi giống cha, mà cha lại là em cưng của bác Điểm nên được thừa hưởng suối tóc mây, đôi mắt dài và khuôn miệng hình trái tim lúc nào cũng như mỉm cười. Tôi nghe mẹ cái Huyền, vốn là bạn thân của bác Điểm bảo người lúc nào cũng mím môi cười khôn khéo và đoan trang lắm. Ngoài bác Điểm ra, cũng chỉ mẹ con Huyền gọi tôi bằng tên thật, Thiếu Khanh, còn người trong xóm, bất kể trẻ già đều gọi ghép là Bé Điểm. Cha Huyền buôn bán ở biên giới, nhà đẹp nhất làng, lát gạch hoa nền nã, cái gì cũng có. Mỗi lần về, cha nó đều mua cho con gái một bộ váy xếp tầng bồng bềnh, sặc sỡ mặc vào, xấu thành đẹp, thấp thành cao, đen nhẻm cũng hóa duyên, giòn.

Minh họa: Trần Thắng



Huyền là đứa rất thảo, thỉnh thoảng nó còn cho tôi thử những bộ váy hồng, váy đỏ, mẹ nó có bảo “Tặng bạn Thiếu Khanh một bộ nhé”, nó cũng chỉ lưỡng lự ít lâu rồi gật đầu. Nhưng tôi chẳng bao giờ nhận, có nhận cũng chẳng biết mặc đi đâu. Ở nhà đã có những bộ quần áo bằng vải thô mát mẻ và rộng rãi tự tay bác Điểm may cho, đi học thì có thêm váy yếm hoặc quần xanh, áo trắng, khăn quàng đỏ, mũ ca lô, dép quai hậu theo quy định của nhà trường. Nếu có tham gia đội văn nghệ, áo váy đã có các thầy cô thuê của nhà văn hóa thị trấn.

*
* *

Người quét chợ là một ông lão đơn chiếc thật thà, hiền từ. Ông ngủ ngay trên một chiếc chõng kê tạm trên dãy hàng bán quần áo, những đêm lạnh quây thêm vài tấm cót ép. Từ ngày mang tôi về, bác Điểm thuê ông chở hàng, dọn hàng để giữ sức, còn mời ông về ở căn nhà thứ hai mà ông bà tôi để lại, dành thời gian nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và dạy tôi học bài. Một lần, khi tôi lăng xăng xếp đặt hàng hóa cùng, nghe ông già lẩm bẩm “Có em trai vào trại phong thì đã sao. Lúc nào con trai ông về, nhất định ông sẽ kể về cô Điểm, không cần bảo nó sẽ tức tốc đến tìm gặp bằng được. Thằng con trai ông bề ngoài ngỗ ngược nhưng tốt tính lắm”.

Rồi ông già hấp háy đôi mắt “Cô Điểm chắc chắn sẽ muốn mang con về cùng, nó sẽ càng mừng, không nửa lời phàn nàn”. Tôi rất quý ông già, trừ mùi thuốc lào hôi hôi khen khét trên áo ông. Cứ như lời ông kể thì bác con trai của ông cũng hao hao cha tôi, nhưng bác không lấy vợ năm 18 tuổi, cũng không lấy một phụ nữ hơn mình 3 tuổi, thích chưng diện như mẹ tôi. Bác cũng chưa có con gái và không phải vào trại phong. “Bao giờ thì bác ấy đến hả ông?”, tôi thường hỏi ngây ngô. “À! Nó còn đi mãi đã chịu về đâu, nhưng mà sẽ sớm thôi, vào ngày mai, ngày kia kìa”. Ông già hứa hẹn gả con trai cho bác Điểm tôi lắm lần đến nỗi hết mùa hạ sang mùa thu, tôi không còn trông đợi hay hỏi đến.

*
* *

Lúc này bác Điểm bắt đầu tranh thủ những khoảng thời gian vắng khách để đan len. Ban đầu là đan áo len cho tôi, đan giúp cho mấy cô gái mới lớn nhà có điều kiện thích mặc áo đan tay dày dặn, nhưng rồi có mấy gia đình công chức trên thị trấn biết tiếng, mang len đến đặt hàng đan áo. Bác tôi có thêm thu nhập đồng nghĩa với việc phải có khoảng thời gian tập trung. Ngoài giờ học, tôi ra chợ phụ bác bán hàng. Dần dà, ở chợ, ai cũng í ới “Bé Điểm, bé Điểm”. Tôi thành chân sai vặt của mấy bà hàng bánh, hàng quần áo, chân lúc nào cũng thoăn thoắt từ đầu chợ đến cuối chợ nhưng học hành ngày càng tấn tới, giấy khen dán đầy nhà.

Có lẽ học bài ở chợ dễ vào hơn, tôi rút ra kinh nghiệm này nên chiều nào ra phụ bác đều mang theo vài cuốn sách, cuốn tập, cây bút. Những lúc vắng khách và bác nghỉ tay đan, tôi thường ngồi gọn trong lòng bác, ấm sực, hít hà mùi thơm lá bưởi, hoa cam, lá tre từ làn da của bác và vờ nũng nịu khi bác xót xa “Con chút chít mồ côi của bác, còi cọc xíu xiu như con gà tre”. Rồi bác bưng mặt tôi lên, thơm liên hồi hết trán, mắt, mũi, cằm, đã rồi mới chịu buông ra.

Ở với bác Điểm, kể ra tôi cũng chẳng thiếu thốn thứ gì nhưng nhìn chúng bạn có cha, có chú, có anh em trai vẫn cứ thèm. Mỗi lần thấy tôi buồn hiu, bác lại mở ngăn kéo, lấy ra tấm hình cha tôi chụp chung với một người bạn từ thời thanh niên mà bác vẫn coi như báu vật “Đây là bạn cha con, sau này bác ấy về, mình sẽ đi chơi xa một chuyến nhé. Sẽ rất vui, bác ấy hiền và hiểu biết lắm”. Tôi chỉ thấy người đàn ông ấy có vẻ gì đó phong trần, mặc dù lúc ấy, chính tôi cũng không hiểu rõ lắm về từ này. Tôi đem chuyện này nói với mẹ Huyền, bác khẽ lắc đầu “Còn mong chờ gì người ấy nữa. Từ ngày nghe tin cha con bệnh nặng cũng bặt tăm luôn. Điểm cứ kỳ vọng đâu đâu. Mà người ta nào có đoái hoài gì, phụ lòng bác con. Cứ thế này thì khổ mãi”.

Thấm thoắt năm năm trôi qua. Sau nhiều nỗ lực, mẹ cũng hoàn tất thủ tục bảo lãnh cho tôi. Năm ấy tôi vừa tròn mười ba tuổi, còn bác Điểm đã ba lăm, vẻ tươi tắn ngày nào đã nhuốm muộn sầu. Ngày tôi đi, nước mắt bác ướt đầm cả vai áo tôi. Tôi biết bác con trai của ông lão quét chợ đã trở về, có tức tốc đến tìm gặp bác Điểm, vừa mới gặp đã say như điếu đổ nhưng bác lạnh nhạt lắm.

*
* *

Sau khi sang Mỹ hơn 2 năm, cú sốc lớn nhất của tôi không phải là sự khác biệt về văn hóa, lối sống hay ngôn ngữ mà là việc phát hiện mẹ có bồ. Tôi đã như bị thôi miên khi phát hiện họ ôm hôn nhau thắm thiết ngay trong chính căn phòng trang hoàng lộng lẫy của mẹ và bố dượng người Mỹ, vốn là một người cực kỳ tốt tính và chiều chuộng mẹ con tôi. Mẹ tôi, người đàn bà cứng cỏi, cởi mở và sắc sảo, nắm chặt lấy vai tôi: “Bình tĩnh. Mẹ chỉ muốn nói một điều.

Người này mới là cha đẻ của con”. Tôi nhìn thẳng vào gương mặt người đàn ông và chết lặng. Đó chính là người chụp chung với cha tôi trong tấm hình mà bác Điểm vẫn coi như một báu vật. “Con hãy hiểu cho sự cố công của mẹ để gia đình ta đoàn tụ nơi này. Thực ra, người con vẫn gọi là cha, ông ấy không hề chết bệnh, mà cũng không phải mắc bệnh phong như người ta vẫn đồn mà nhiễm AIDS. Trước đó khá lâu mẹ đã đoán biết được tình hình, ôm con đi, gần như sống ly thân”. “Còn bác Điểm?”, tôi lắp bắp. “Bác ấy đã quá đau khổ khi biết bệnh tình của em trai. Mẹ không nói thật về thân phận của con. Chẳng phải bác ấy vẫn hằng tự hào vì tưởng con thừa hưởng những nét đẹp nền nã ấy sao. Mẹ không nỡ cướp nốt niềm hạnh phúc ấy”.

Tôi không nói cho mẹ biết rằng chính sự xa hoa, phụ bạc của bà không những đẩy người mà tôi vẫn tưởng là cha mình vào con đường làm ăn bất chính rồi nghiện ngập và cái chết mà còn cướp đoạt đi người đàn ông mà bác Điểm vẫn hằng yêu thầm, chờ đợi và hi vọng. Bằng số tiền dành dụm nhờ làm thêm, tôi đặt vé máy bay về nước. Tôi vẫn thường xuyên gửi thư cho bác Điểm và cả bác con trai của ông lão quét chợ. Hình như bao nhiêu năm bác vẫn có ý chờ đợi cái gật đầu từ bác Điểm. Lần này về, tôi quyết tác thành cho hai người. Khi tôi về ngôi làng nằm ven Ngàn, “Bé Điểm phải không?”, tôi quay lại bởi tiếng gọi của một người quen. Và cũng kịp lau khô nước mắt trước khi bước vào cổng chợ Ngàn, nơi sạp hàng khô, tiếng mời chào của bác Điểm tôi hãy còn trong trẻo lắm.

Mộc Anh