Yubari - nước Nhật thu nhỏ

Dân số giảm xuống còn không đầy 1/10 so với thời kỳ đỉnh điểm, nhiều dịch vụ đang biến mất và tình trạng thiếu công ăn việc làm đã khiến thành phố chỉ còn lại những người già cả cùng với một núi nợ nần. Đó chính là Yubari, một thị trấn mang những khó khăn mà cả đất nước Nhật Bản ngày nay đang phải đối mặt.


 

Những nếp nhà rất “hoàn cảnh” ở Yubari. Ảnh: internet

Thị trấn vùng than này từng có một thời thịnh vượng nhờ cung cấp nguồn năng lượng cho thời kỳ phát triển kinh tế kỳ diệu của Nhật Bản vào những năm 1960 và 1970. Nhưng khi nền kinh tế chuyển sang lệ thuộc vào dầu mỏ, tiếp theo là những cú vỡ bong bóng bất động sản và chứng khoán làm ngành tài chính công loạng choạng, thì công ăn việc làm bắt đầu khan hiếm và người dân lần lượt kéo nhau chuyển đi nơi khác.


Khi đó, chính quyền địa phương vẫn duy trì lối chi tiêu công xa hoa, với hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục nếu họ ném đủ tiền vào đó. Yubari xây một công viên giải trí rộng lớn, một khách sạn hoành tráng, nhưng cả hai đều không thể thu hút được khách du lịch.


Rồi năm 2007, mọi thứ cuối cùng đã sụp đổ, Yubari tuyên bố phá sản với đống nợ lên tới 63,2 tỉ yên (805 triệu USD), tính bình quân là 80.000 USD/người. Lương của các viên chức giảm gần một nửa, khiến nhiều người chỉ còn cách bỏ đi, để lại thành phố một lực lượng lao động đang nản chí, kiệt sức và cố gắng co hẹp mọi nhu cầu của mình.


Từ chỗ có tới gần 117.000 dân, nay Yubari chỉ còn 10.400 người sinh sống trên diện tích rộng tới 763 km2 (trong khi 23 phân khu thuộc thủ đô Tôkyô, nơi sinh sống của 9 triệu người dân, chỉ có diện tích 620 km2). Trong số những người còn lại ở Yubari, có tới 45% là từ 65 tuổi trở lên, một tỉ lệ cao hơn nhiều so với cả nước Nhật vốn đang lão hóa nghiêm trọng. Thực trạng này càng gây áp lực lên các dịch vụ y tế và an sinh xã hội, trong khi nguồn thu từ thuế ngày càng ít ỏi.


Năm 2011, Naomichi Suzuki, 31 tuổi, được bầu làm thị trưởng Yubari trong một nhiệm kỳ 4 năm. Vấn đề của thành phố, theo vị thị trưởng trẻ tuổi, là các chính trị gia địa phương đã không cắt giảm chi tiêu và các dịch vụ công thời đầu thế kỷ 21 vẫn giống như 50 năm về trước. “Chúng tôi đang tìm kiếm các biện pháp để đưa ngành dịch vụ hiệu quả hơn, và để sống tốt mà không chi tiêu quá nhiều tiền. Tôi đang đề xuất xây dựng một thành phố “nén”, dồn các dịch vụ chính và dân cư vào một địa bàn nhỏ hơn”, ông Suzuki cho biết.


Để tiết kiệm chi phí, chính quyền Yubari đã đẩy nhanh chương trình giảm bớt 7 trường tiểu học và 4 trường trung học xuống còn mỗi cấp một trường, và đóng cửa cả bảo tàng lẫn thư viện. Bệnh viện, một thời là nơi cư dân có thể tư vấn bác sĩ nhi khoa, chỉnh hình, da liễu và các bác sĩ chuyên khoa khác, nay bị hạ cấp xuống còn là phòng khám đa khoa. Theo chương trình “thắt lưng buộc bụng” này, Yubari sẽ giảm được hơn một nửa gánh nợ của mình vào năm 2026 và toàn bộ số nợ sẽ được trả hết trong những thập niên sau đó.


Nhưng thành phố vùng than vẫn có sức hút riêng. Yuta Kudo, 27 tuổi, chuyển tới Yubari từ một vùng gần Tôkyô, để làm người phụ trách Bảo tàng Than đá (nay đã thuộc tư nhân quản lý) cho biết: “Người dân ở đây rất nồng hậu. Hàng xóm thường mang cho tôi những hộp cơm trưa họ tự nấu hoặc những bó rau họ hái”. “Tôi thường tự hỏi liệu mình có nên ở lại đây trong tương lai, nhưng điều đó thật khó. Mọi thứ đều đắt đỏ: nước, gas, phí vệ sinh và thuế, vì gánh nặng nợ nần của chính quyền. Chỉ có một trường tiểu học, một trường cấp hai và một trường trung học, và trường trung học thì không đạt đủ chỉ tiêu đào tạo trong mấy năm gần đây. Nếu tôi lập gia đình, tôi muốn con cái được tiếp cận với một nền giáo dục tốt”, Kudo nói thêm.


Tình trạng dân số già hóa và giảm sút của Yubari đương nhiên không phải là duy nhất tại Nhật Bản. Với tỉ lệ sinh không đủ mức thay thế và tuổi thọ ngày càng được nâng cao, nước Nhật đang già đi một cách đáng báo động. Trên 23% dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 65 trở lên, và trong nửa thế kỷ tới, tỉ lệ này sẽ là 40%!


Nước Nhật cũng đang đối mặt với thâm hụt ngân sách nặng nề, với gánh nợ công gấp hơn hai lần GDP, một trong những mức cao nhất thế giới. “Yubari thường được gọi là nước Nhật thu nhỏ, bởi những vấn đề của thành phố cũng chính là những gì Nhật Bản đang đối mặt”, Suzuki nói. “Tôi tin rằng, việc chúng tôi xây dựng lại Yubari ra sao có liên quan trực tiếp đến tương lai của nước Nhật”.

 

Thu Hằng (theo Reuters)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN