Xã hội thu nhỏ trong lòng trại tị nạn Calais

Hàng nghìn người di cư hiện đang mắc kẹt tại trại ở thành phố Calais (Pháp) trên đường vượt eo biển Manche tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Họ đã dựng lên những khu lều trại để tồn tại trong thời gian chờ đợi và dần biến nơi đây trở thành một xã hội thu nhỏ với hàng loạt quán xá, nhà hàng, thư viện, trung tâm thông tin...

Những ước mơ bị chôn vùi tại trại tị nạn Calais

Mimi Amanuel, một người phụ nữ Eritrea đã rời bỏ chồng và đứa con trai 6 tuổi của mình để xuyên qua sa mạc Sahara, băng qua Địa Trung Hải tới Italy và cuối cùng có mặt ở trại tị nạn Jungle tại Calais, một khu nhà ở tạm với khung cảnh trước mặt là bờ sông của nước Anh.

Bên ngoài lán nơi Mimi Amanuel trú ngụ, khói cay xè mắt từ các đám củi được đốt cháy, hàng đống rác thải không được dọn dẹp và mùi khai nồng của nhà vệ sinh, tất cả đều không thể chế ngự được giấc mơ đẹp đẽ của người phụ nữ này. Amanuel đang mang thai tháng thứ 7, và khi được hỏi rằng liệu cô muốn con mình sinh ra tại Pháp hay Anh, cô không ngần ngại bày tỏ mong muốn con mình sẽ được sinh ra tại Anh.

Một cửa hàng giản đơn trong trại tị nạn Calais. Ảnh: AP

Giống như Amanuel, gần 4.500 người di cư khác hiện đang mắc kẹt tại Calais mà họ gọi là “khu rừng” cũng đối mặt với câu hỏi như vậy. Liệu họ sẽ vượt qua eo biển Manche và hoàn thành cuộc hành trình băng qua đồi núi, hoang mạc, các vùng chiến sự và biển động? Hay họ sẽ bị chặn lại tại khu trại này và tìm kiếm quy chế tị nạn hợp lệ tại nước Pháp, nơi hệ thống nhà tị nạn đã quá tải?

Những người tị nạn tại trại Calais với kỹ năng tiếng Anh và người thân bên cạnh có thể nhìn thấy sự trêu ngươi cho giấc mơ của họ như thế nào. Vào một buổi sáng mát mẻ, khi thức giấc, những dải đá vôi trắng của núi Dover cách đó 34 km có thể được nhìn thấy qua eo biển Manche. Vào buổi tối, những ngọn đèn hải đăng trên bờ biển Kent càng khiến nước Anh ở gần hơn bao giờ hết. Nhưng đó chỉ là những ảo giác. Đối với phần lớn trong số họ, Calais là điểm gần nhất từ trước đến giờ để có thể tới bờ biển nước Anh.

Kể từ năm 1994, khi đường hầm xuyên eo biển Manche khai trương, Calais trở thành điểm thu hút người di cư. Năm 1999, để giải tỏa các trại tị nạn trong thành phố, chính quyền đã mở một trại do Hội Chữ thập Đỏ giám sát bên trong một nhà máy của tập đoàn Eurotunnel gần với đường hầm. Cảnh sát đã phải mất tới 3 năm để đuổi người di cư xuống đường hầm trước khi đóng cửa trại.

Lịch sử có thể lặp lại. Năm ngoái, các trại trái phép lại bắt đầu mọc ra tại Calais và người di cư bạo loạn gần bến phà khiến chính quyền buộc phải dồn những người này vào khu nhà bên trong một boongke bỏ hoang của quân đội Đức và một bãi rác không sử dụng của thành phố. Đầu năm 2015, nhà tạm cho người di cư chính thức được mở, nhanh chóng được lấp đầy và chỉ trong vài tuần một thành phố toàn lều bạt đã được hình thành bao quanh bãi rác.

Một xã hội thu nhỏ


Thực tế, trại Calais không phải là một nơi an toàn khi nhiệt độ ban đêm vào tháng 11 xuống dưới 4 độ C. Phần lớn cư dân trong trại vẫn sống trong những ngôi lều sẵn sàng đổ sập khi trời mưa lớn và gió to từ eo biển.

Để chống lại bóng tối và cái lạnh, cư dân đốt lửa bên ngoài lều và thắp nến bên trong nơi ở của mình. Chính điều đó đã gây ra 3 vụ hỏa hoạn khiến hơn 150 ngôi lều bị cháy và làm bị thương hàng chục người di cư.

Sự phát triển liên tục của trại dẫn tới hậu quả là sự ra đời của một xã hội không mong muốn. Tại đây, một lớp học của người di cư đã xuất hiện với sự trông nom của những người theo đạo. Google maps thậm chí đã đánh dấu trại trên hệ thống bản đồ của mình.

Pascal Froehly, một tình nguyện viên tại trại Calais cho biết, những người di cư bị kẹt tại đây trong nhiều tháng nên họ cần phải tạo ra mọi thứ. Những người Afghanistan đã xây hơn 50 cửa hàng kết nối với khu trại chính. Hàng hóa được cung cấp bởi những người thân của họ định cư tại Pháp và Anh. Những cửa hàng này do không phải chịu thuế và với một thị trường cố định thường mang lại lợi nhuận đáng ngạc nhiên. Tối đến, người di cư có thể thưởng thức 1 ly bia với giá 1,1 USD dưới ánh sáng đèn nhảy tại quán bar Sahara, một trong những quán do người châu Phi làm chủ. Nhưng dù sao đi nữa, có lẽ khát khao lớn nhất của bất cứ cư dân nào trong trại Jungle vẫn là vượt qua eo biển Manche.
Việt Dũng (Theo AP)
Nữ nhân viên trại tị nạn Thụy Điển bị đâm chết
Nữ nhân viên trại tị nạn Thụy Điển bị đâm chết

Một nữ nhân viên làm việc tại một trung tâm tị nạn ở miền nam Thụy Điển dành cho thanh thiếu niên đã bị đâm chết ngày 25/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN