Vênêxuêla hướng tới “Nhà nước cộng đồng”

Theo các nhà bình luận tại khu vực Mỹ Latinh, gói 5 dự luật cải cách cơ cấu kinh tế-xã hội mà Quốc hội Vênêxuêla đang tiến hành thảo luận, nếu được thông qua, chính là bước tiến pháp lý lớn nhất trong dự án “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” do Tổng thống cánh tả Hugo Chávez khởi xướng.

Mục đích của những văn kiện này là tạo cơ sở pháp lý, củng cố cơ cấu và trao thêm quyền lực cho các tổ chức cộng đồng tại các địa phương, nhằm tạo ra một mô hình “nhà nước cộng đồng” tồn tại song song và kiểm soát các thể chế nhà nước truyền thống. Phe cầm quyền dự định thông qua những dự luật này trước khi Quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ mới vào tháng 1/2011, khi họ không còn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối 2/3 (dù vẫn nắm đa số) cần thiết cho việc thông qua các luật quy định cơ cấu hoạt động.

Một phiên họp của Quốc hội Vênêxuêla. Ảnh: Internet


Các văn bản pháp lý đang được bàn thảo bao gồm các Luật Tổ chức quyền lực nhân dân, Luật Tổ chức kiểm soát của xã hội, Luật Tổ chức kế hoạch công và quần chúng, Luật Tổ chức các cộng đồng dân cư và Luật Tổ chức Hệ thống kinh tế cộng đồng, với những nội dung chính như sau:

Luật Tổ chức quyền lực nhân dân là văn bản khung rộng lớn thúc đẩy việc trao quyền lực trực tiếp cho các tổ chức dân cư (tổ dân phố), công đoàn hay hội nông dân, cùng một vài tổ chức khác, và xây dựng một mô hình kinh tế sở hữu xã hội trong đó các tổ chức nêu trên tự lập kế hoạch, quản lý ngân sách và trực tiếp vận hành các dự án phát triển nội tại của địa phương. Dự luật này bao gồm việc chuyển giao một số nhiệm vụ vốn thuộc ngạch hành pháp từ cấp trung ương, bang, huyện cho các tổ chức cộng đồng, ví dụ như việc cung cấp dịch vụ công cộng hay một số mặt quản lý hành chính.

Văn bản này cũng quy định một số giá trị và nguyên tắc xã hội chủ nghĩa như “đoàn kết, lợi ích của chung, tính trung thực, nghĩa vụ xã hội, sự tự nguyện, bảo vệ môi trường hay quyền con người”.Luật Tổ chức kiểm soát của xã hội quy định việc điều tiết công tác giám sát của công dân đối với các ngạch quyền lực công, quyền lực nhân dân và đặc biệt là các hoạt động của thành phần kinh tế tư nhân. Theo đó, các doanh nghiệp phải ưu tiên các nhu cầu của cộng đồng trước các nhu cầu của cổ đông, và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức cộng đồng, mặc dù những người kiểm tra phải có nghĩa vụ giữ bí mật những thông tin và văn bản của các doanh nghiệp trên.

Luật Tổ chức kế hoạch công và quần chúng đề ra mục tiêu “phân chia của cải công bằng qua các kế hoạch chiến lược, dân chủ, có tính tham gia của quần chúng và tham vấn rộng rãi, tiến tới xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa công bằng và đồng đều”. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của dự luật này là việc thành lập Hệ thống Hoạch định quốc gia, trong đó các tổ chức cộng đồng đóng vai trò chính và đẩy các quan chức địa phương xuống hàng thứ yếu.

Luật Tổ chức các cộng đồng dân cư theo đuổi việc thành lập một “Nhà nước cộng đồng” theo luận thuyết “chủ nghĩa xã hội 21”, nói cách khác là tạo ra một trật tự mới trong đó các Cộng đồng (hay Công xã) chính thức hoạt động song song với Nhà nước truyền thống.

Luật Tổ chức Hệ thống kinh tế cộng đồng thúc đẩy hình thức “sở hữu xã hội”, song song với hệ thống hoạch định chính sách tập trung. Dự luật này đề ra việc “xóa bỏ phân công lao động của mô hình tư bản chủ nghĩa”, khuyến khích các thị trường trao đổi hàng hóa (hàng đổi hàng) hoặc sử dụng các đơn vị tiền tệ Cộng đồng do Ngân hàng Trung ương điều tiết. Văn kiện này cũng quy định các thủ tục thành lập các doanh nghiệp cộng đồng thuộc sở hữu xã hội, các đơn vị sản xuất hộ gia đình và các nhóm trao đổi (thương mại) hữu nghị không phải đóng các khoản thuế do Nhà nước trung ương thu hay thuế doanh nghiệp. Dự luật cũng quy định các đơn vị này được ưu tiên trong việc đấu thầu các công trình công cộng và thành viên của những “doanh nghiệp cộng đồng” này sẽ được đào tạo về chính trị.

Trên thực tế, quá trình xây dựng “Nhà nước cộng đồng” đã được tiến hành từng bước trong thời gian qua. Một số điều khoản nằm trong các dự luật nêu trên đã được Quốc hội thông qua từ vài tháng hoặc vài năm trước, và một số khác thậm chí đã có hiệu lực. Ví dụ, năm 2009, quốc hội đơn viện của Vênêxuêla đã thông qua Luật Tổ chức phân cấp, phân định và chuyển giao thẩm quyền nhà nước, trong đó cho phép Tổng thống thay đổi các quy định quyền tài phán của các địa phương, hay Luật Hội đồng điều hành Liên bang, có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua, trao cho Tổng thống quyền ra lệnh thành lập các đơn vị sản xuất tại địa phương, hoàn toàn độc lập với quan chức hành pháp của địa phương đó.

Lê Hà (P/v TTXVN tại Áchentina)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN