Tỷ lệ sinh cao ngất, Tanzania vẫn khuyến khích phụ nữ đẻ con để phát triển kinh tế

Trong phát ngôn mới nhất gây xôn xao dư luận, Tổng thống Tanzania John Magufuli kêu gọi phụ nữ nước này sinh nhiều con để giúp phát triển kinh tế.

Chú thích ảnh
Phụ nữ trên bãi biển Zanzibar, Tanzania. Ảnh: Global Look Press

Lấy dẫn chứng từ các quốc gia có tỷ lệ sinh cao như Ấn Độ và Nigeria, nhà lãnh đạo John Magufuli khẳng định sinh con thúc đẩy nền kinh tế phát triển và khuyến khích phụ nữ Tanzania “giải phóng cơ thể”.

“Khi có dân số đông, bạn sẽ gây dựng được nền kinh tế. Đó là lý do vì sao nền kinh tế Trung Quốc lớn đến như vậy”, hãng tin Reuters trích lời phát biểu của Tổng thống Magufuli tại quê nhà Chato hôm 9/7.

Kể từ khi chính thức nhậm chức vào năm 2015, Tổng thống Magufuli triển khai một chiến dịch công nghiệp hóa giúp tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng ổn định 6-7% mỗi năm. Ông ủng hộ quan điểm tỷ lệ sinh cao hơn sẽ giúp quá trình phát triển diễn ra nhanh hơn nữa. Hiện quốc gia Đông Phi dân số 55 triệu người này được liệt vào danh sách một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới – với 5 trẻ em trên một phụ nữ.

Dữ liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy mỗi năm dân số tại Tanzania tăng 2,7%. Phần lớn các bệnh viện công và trường học đều quá tải, tỷ lệ thất nghiệp trong bộ phận người trẻ tuổi cũng cao.

UNFPA cho biết khoảng 1/3 phụ nữ đã kết hôn ở Tanzania sử dụng biện pháp tránh thai. Tổng thống Magufuli từng lên tiếng chỉ trích các chương trình kế hoạch hóa gia đình do phương Tây hỗ trợ Bộ Y tế nước này thực hiện. Tổng thống Magufuli cho rằng những người dùng biện pháp tránh thai là “những phụ nữ quá lười trong việc chăm sóc con cái”.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2016, tỷ lệ nghèo đói ở Tanzania mặc dù giảm xuống còn khoảng 26% song số người nghèo thực chất không thay đổi vì tình trạng dân số tăng nhanh.

Lãnh đạo phe đối lập tại Tanzania chỉ trích quan điểm của tổng thống, cho rằng tỷ lệ tăng dân số một cách chóng mặt tại quốc gia này đang là một quả bom nổ chậm, và việc sinh nhiều con chỉ đơn giản khiến nền kinh tế suy kiệt.

“Mức tăng trưởng dân số cao ở Tanzania tỷ lệ thuận với mức độ chênh lệch nghèo đói và thu nhập. Khả năng sinh sản của người phụ nữ không bao giờ được sử dụng như một công cụ để phát triển kinh tế”, một nhà hoạt động nhân quyền giấu tên tại Dar es Salaam nhận định.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nhiều phụ nữ quyết định không sinh con vì lo ngại biến đổi khí hậu
Nhiều phụ nữ quyết định không sinh con vì lo ngại biến đổi khí hậu

Lo sợ những tác hại của biến đổi khí hậu, cô Blythe Pepono, một nhạc sĩ người Anh 33 tuổi đã quyết định không sinh con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN