Trường học tự quản - một mô hình giáo dục ở Israel

Khi đến thăm trường thực nghiệm Hashita ở Rehovot, cách Tel Aviv 35 km về phía nam, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy những nhóm học sinh nam, nữ đủ các lứa tuổi đang học tập hoặc vui chơi cùng nhau. Ở đây không có thời khóa biểu, không có giáo viên giám sát, không ai bắt buộc ai phải làm gì… Mỗi học sinh được tự do quyết định học gì, làm gì, nghĩ gì… miễn sao không cản trở sự tự do của những người khác.

Tự do phát triển, tự do sáng tạo

Trên thế giới đã có nhiều trường tự quản kiểu này, riêng Israel có tới 34 trường và đang là hình mẫu tham khảo cho nhiều nước khác. Được thành lập cách đây vài năm, trường thực nghiệm Hashita có 420 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 10, hoạt động với ngân sách 35.000 USD do các quỹ Do thái trên thế giới tài trợ và học phí mỗi học sinh khoảng 80 USD (1,7 triệu VND)/tháng. Mô hình dạy và học này đang thu hút học sinh và các bậc phụ huynh nhiều nơi trong vùng. Dự kiến, năm học 2015 - 2016 trường sẽ có khối lớp 11 và thêm vài chục học sinh.

Các nữ sinh trường thực nghiệm.


Trong khuôn viên rộng rãi của trường, từng nhóm học sinh học hoặc chơi theo sở thích của mình dưới sự chỉ huy của một trưởng nhóm do các em bầu ra, đóng vai trò như thủ lĩnh. Các em tự đề ra kế hoạch học tập hoặc vui chơi cho nhóm. Nhóm trưởng là người điều phối và thuyết phục các bạn. Ông Oren Zemhca, một giáo viên của trường, cho biết: “Nhà trường là không gian rộng mở cho học hỏi. Chúng tôi tạo điều kiện cho các em đạt được những gì các em muốn vào độ tuổi của mình”. Mỗi lớp học không quá 14 em để có không khí ấm cúng, gia đình. Các em học bán trú từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều; những em lớn được ở trường thêm 2 tiếng. Bộ Giáo dục chỉ quản lý chương trình giảng dạy một số môn bắt buộc. Ngoài ra, học sinh đến trường để học môn gì mình thích hoặc tụ tập chơi thể thao, xem múa rối, chơi nhạc, tập sáng chế, thậm chí là trèo cây nghịch ngợm hoặc… nằm ngủ.

Nơi ươm mầm tài năng?

Hệ thống giáo dục phổ thông công lập ở Israel gồm 12 lớp. Trước khi vào đại học hoặc đi học nghề, đi làm, hầu hết học sinh đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam. Các giáo viên trường thực nghiệm Hashita khẳng định dù chế độ học thoải mái và tự do như vậy nhưng học sinh của trường không cần phải học thêm ở các trường khác vẫn có thể đủ điều kiện vào các trường đại học sau khi làm nghĩa vụ quân sự. Phương châm của hệ thống trường thực nghiệm loại này là để cho học sinh tự do phát triển hết khả năng và năng khiếu; biết tư duy, sáng tạo và thực hiện mơ ước của mình. Các em có thể cả ngày thảo luận đến tận cùng một vấn đề nào đó. Các em học ở thầy và học hỏi lẫn nhau.

Nhóm học sinh trường Hashita chào cờ trước khi đá bóng.


Nhìn qua quang cảnh trong trường, du khách dễ có cảm giác về một sự vô tổ chức và lộn xộn vì có quá nhiều nhóm học sinh đang làm những việc rất khác nhau. Nhưng có lẽ do được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình và xã hội có kỷ cương và khoa học của Israel nên các em đều có ý thức trong mỗi hoạt động của mình. Chúng tôi được em Lavi Winter, một nam học sinh lớp 3, tự tin giới thiệu về hệ thống thu giữ nước mưa để sử dụng trong các khu nhà vệ sinh của trường. Dự án này do Lavi điều hành với sự hợp lực của một nhóm các bạn yêu thích công nghệ tái chế nước. Các bể chứa nước mưa, máy bơm, đường ống… được xây dựng bằng kinh phí xã hội hóa. Với tư cách là nhóm trưởng, Lavi phải thuyết phục các bạn về lợi ích của hệ thống này để họ quyên góp tiền điện cho máy bơm hoạt động. Nhờ vậy, vào mùa mưa, nhà trường không phải mua nước cho các khu nhà vệ sinh trong trường.

Mô hình giáo dục khác biệt này như một nét làm phong phú thêm xã hội được phát triển trên tinh thần lấy sáng tạo làm phương châm hành động của Israel. Chính phủ có nhiều biện pháp để khuyến khích sáng tạo, như tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới. Một quan chức Israel nói rằng mỗi năm có khoảng 700 doanh nghiệp loại này được thành lập ở Israel. Tuyệt đại đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đó sẽ chết yểu, nhưng chỉ cần một doanh nghiệp tồn tại và phát triển đã là một thành công.

Một nhóm học sinh diễn viên và khán giả múa rối.


Biết đâu, những ngôi trường như Hashita sẽ ươm mầm cho các nhà khoa học tương lai, để họ có thể nối dài thêm danh sách 12 người Israel đã đoạt giải Nobel? Nhưng cũng có những học sinh như nhóm của em Neta Drori, một nam học sinh 14 tuổi học lớp 8, suy nghĩ hơi khác sau hơn 2 năm theo học trường Hashita. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Neta nói: “Cháu đang tính chuyện theo học trường khác. Học ở đây khó quá vì chúng cháu phải tự lo mọi thứ, phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình”.
Bài, ảnh: Mai Hương
Israel: Những giải pháp cho một đất nước khô cằn
Israel: Những giải pháp cho một đất nước khô cằn

Giữa mênh mông đồi núi nóng bỏng của vùng sa mạc Negev ở miền nam Israel, chốc chốc lại hiện ra những ốc đảo, những nhà kính trồng rau tươi tốt, những cánh đồng mầu xanh mát mắt của cây trái trĩu cành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN