Trung Quốc “nóng” với dịch vụ xoa bóp “cứu sữa”

Mỗi khi bầu ngực bị viêm tấy hay tắc sữa, các bà mẹ đang cho con bú ở Trung Quốc thường tìm tới một người làm nghề xoa bóp thay vì tới bệnh viện để điều trị. Giá cho mỗi giờ xoa bóp như vậy có thể lên tới 100 USD nhưng họ có nguy cơ lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Nở rộ thị trường xoa bóp

Chị Wang Chao, một bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ở tỉnh Hà Bắc cho biết sau khi không cho con bú trong một thời gian ngắn, sữa trong ngực chất lượng kém dần và chị bắt đầu đau tức. Kháng sinh do bác sĩ một bệnh viện ở tỉnh kê đơn không có tác dụng và trong trường hợp xấu nhất, bác sĩ bảo chị có thể phải phẫu thuật. Không muốn điều đó xảy ra, Wang Chao đã nhờ các bà chuyên làm nghề xoa bóp. Nhưng phải thuê tới 8 người thì chị mới tìm được một người có kỹ năng thực sự để giúp chị thoát khỏi cơn đau.

Một buổi tập huấn xoa bóp bầu ngực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho con bú trong hai năm hoặc lâu hơn vì lợi ích sức khỏe của đứa trẻ. WHO còn cho rằng mọi bà mẹ đều có thể cho con bú thành công với sự hỗ trợ của người thân, hệ thống chăm sóc y tế và xã hội. Trên tinh thần đó, để nâng cao nhận thức về giá trị của sữa mẹ, Bộ Y tế Trung Quốc từ năm 1990 đã coi ngày 20/5 là ngày Nuôi con bằng sữa mẹ toàn quốc.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Trung Quốc, chỉ có 30% bà mẹ mới sinh con thực sự cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 50%. Nguyên nhân là do nhiều bà mẹ đánh giá quá cao sức mạnh siêu việt của sữa công thức, do môi trường bất tiện khi cho con bú ở ngoài hoặc nhiều bà mẹ buộc phải ngừng cho con bú vì điều trị các triệu chứng liên quan đến đau tức bầu sữa không đến nơi đến chốn.

Các bà mẹ Trung Quốc gặp khó khi nuôi con bằng sữa mẹ là do chế độ ăn nhiều dầu mỡ, áp lực gia đình, việc làm. Khi gặp vấn đề, phần lớn các bà mẹ giải quyết cơn đau bằng dịch vụ xoa bóp như chị Wang Chao nói trên. Họ hi vọng những lần xoa bóp sẽ giúp họ khỏi đau, cứu vãn được nguồn sữa để cho con bú tiếp.

Xu hướng đó khiến dịch vụ mát xa “cứu sữa” cho các bà mẹ trở thành một ngành làm ăn béo bở khắp Trung Quốc. Bà Shi Guilan 52 tuổi ở Bắc Kinh là một trong số những người xoa bóp nổi tiếng nhất. Bà khoe đã phục vụ gần 30.000 bà mẹ cho con bú trong 10 năm qua và khẳng định 100% thành công. Bà cũng cho biết nếu trường hợp nào nặng bà sẽ bảo họ đến bệnh viện ngay. Hiện bà Shi Guilan là chủ công ty gồm 300 nhân viên xoa bóp và vú em. Một người xoa bóp lâu năm ở Bắc Kinh có thể kiếm ngót nghét 3.500 USD/tháng.

Hành nghề tự do

Tuy nhiên, số người hành nghề xoa bóp chuyên nghiệp như bà Shi Guilan không hề nhiều. Đa số hoạt động tự do, không chịu sự quản lý của ai. Mỗi người hành nghề một kiểu, không theo quy trình hay tiêu chuẩn nào. Không hiếm những người thiếu kỹ năng, thậm chí vô lương tâm chỉ muốn kiếm tiền từ cơn đau của các bà mẹ.

Phần lớn những người làm nghề xoa bóp bầu sữa là phụ nữ trung niên không trình độ đại học hay được đào tạo về y tế. Họ thường “khởi nghiệp” bằng cách phát danh thiếp cho các bà mẹ mang thai sau khi tham gia vài khóa học để lấy chứng chỉ xoa bóp cơ bản. Với kỹ năng đại khái như vậy, có ca thì họ làm được nhưng cũng có ca mà qua tay họ thì “lợn què lại què thêm”.

Trước đây, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội từng mở các khóa học và cấp chứng chỉ xoa bóp nhưng các chương trình đã chấm dứt từ tháng 3 vừa rồi sau một đợi cải tổ hoạt động của chính phủ. Theo Fan Yingyi, Trưởng khoa dẫn sữa tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, nghề xoa bóp bầu ngực cho các bà mẹ gặp vấn đề có mục đích tốt nhưng dịch vụ này quá đắt. Và khi có sự cố, các bà xoa bóp thường trốn tránh trách nhiệm.

Bà Fan cho biết một số bà mẹ đã phải phẫu thuật sau khi ống dẫn sữa bị tổn hại không thể khôi phục được do bị xoa bóp sai kỹ thuật. Bà khuyên rằng chỉ xoa bóp khi vẫn có thể vắt sữa ra ngoài. Còn trong trường hợp vị viêm hay sốt, các bác sĩ sẽ chỉ định có nên xoa bóp hay không. Tuy nhiên, phần lớn bác sĩ, y tá ở Trung Quốc không có thời gian học xoa bóp và hỗ trợ các bà mẹ cho con bú, bỏ khoảng trống đó cho những người hành nghề tự do. Theo bà Fan, các bệnh viện Trung Quốc cần cung cấp dịch vụ xoa bóp giá cả phải chăng cho các bà mẹ.

Thùy Dương (Theo Tân Hoa Xã)
Quyền năng mới của “da điện tử”
Quyền năng mới của “da điện tử”

Trong lúc các “cường quốc mỹ phẩm” không ngừng tìm cách cải thiện vẻ đẹp của làn da thì một nhóm nhà khoa học Nhật Bản chọn con đường nghiên cứu khác: Tạo ra một loại “siêu da” có quyền năng mà cơ quan xúc giác thông thường không có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN