Tình cảm với Bác của các cựu chuyên gia ở St. Petersburg

Phố Hồ Chí Minh ở St. Petersburg chạy giữa những dãy nhà cao tầng hiện đại, giao cắt Đại lộ Vyiborgskoe, phố Kompozitorov và Đại lộ Prosveshchenya. Ngày 16/10/1978, cái tên Hồ Chí Minh được đặt cho đoạn đường mới của quận Vyiborgsk này để vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam - kết nghĩa với Leningrad.

Ông Grigori Fedorovich Pereiachenes tại phố Hồ Chí Minh.


Tuy nhiên, nhiều người dân St. Petersburg vẫn cho rằng con phố nhỏ được đặt tên để vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, và chính vì thế có ý kiến cho rằng viết liền tên con phố "Khoshimin" là không đúng và cần phải viết rời từng chữ "Kho Shi Min".

Điều còn khiến chúng tôi bất ngờ là từ phố Hồ Chí Minh đi chỉ một đoạn ngắn, ta có thể hòa vào Đại lộ Ăng Gen (Engels), hệt như tư tưởng lớn ở các vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản nhập với nhau ở thủ đô phương Bắc kiều diễm của LB Nga nay mang tên thành phố của Thánh Piter.

Và câu chuyện có lẽ cũng không có nhiều để nói nếu không xuất hiện ý tưởng chỉnh trang, nâng tầm con phố nhỏ của những cựu chuyên gia Liên Xô cao tuổi từng giúp đỡ Việt Nam, để nó gắn bó mật thiết hơn với quốc gia hình chữ S ở Đông Nam Á.

Ông Grigori Fedorovich Pereiachenes, 84 tuổi, chuyên gia quân sự Liên Xô tới Việt Nam vào tháng 3/1966 để huấn luyện bộ đội tên lửa làm chủ hệ thống điều khiển phóng tên lửa phòng không S-75 Dvina nổi tiếng và đã tham gia các trận đánh với máy bay Mỹ, chỉ huy khẩu đội phóng thuộc Tiểu đoàn tên lửa phòng không 257, là một trong những người thúc đẩy ý tưởng này. Căn nhà của ông ở số 26 phố Kompozitorov, ngay sát phố Khoshimin, đầy ắp kỷ niệm những năm tháng khó quên thời kỳ Bác ở Việt Nam. 

Ông Grigori cho biết: "Tôi sống gần phố Hồ Chí Minh nhất, vì vậy các cựu chiến binh giao cho tôi nhiệm vụ liên hệ với chính quyền địa phương để tạo nên sự gắn kết giữa con phố này với các cựu chiến binh Liên Xô cũng như hội người Việt ở St. Petersburg". Ông cũng cho rằng "ở Moskva đã có quảng trường Hồ Chí Minh, tượng đài Hồ Chí Minh, còn ở đây, với nỗ lực của Hội người Việt, cần xây dựng một kỷ niệm gì đó về Hồ Chí Minh để có thể cảm nhận được mối liên hệ với con phố. Điều này sẽ rất có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ".

Trong cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh Liên Xô mới đây ở Moskva, Đại tá về hưu Aleksey Ivanovich Skrebliukov, người đứng đầu nhóm cựu chiến binh St. Petersburg thuộc Tổ chức xã hội liên khu vực Các cựu chiến binh Việt Nam, nêu vấn đề này cụ thể hơn. Ông nói: "Chúng tôi đang xúc tiến một công việc lớn để nâng cao uy tín của các đồng chí Việt Nam ở St. Petersburg, không phụ thuộc vào việc họ là thương nhân hay lao động. Chỉ vài ngày nữa, một tạp chí sẽ đăng bài báo lớn về sự phát triển kinh tế Việt Nam của Phòng thương mại và công nghiệp St. Petersburg. Chúng tôi đang làm một công việc khác. Ở chỗ chúng tôi có phố Hồ Chí Minh, có bức tượng nhỏ đồng chí Hồ Chí Minh tại Viện phương Đông... Chúng tôi đang tiến hành công việc lớn để đặt  tấm biển kỷ niệm nhân vật vĩ đại này trên phố Hồ Chí Minh".

Đây quả thực là ý tưởng rất có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam, mà càng có ý nghĩa hơn ở thời điểm Việt Nam và LB Nga sắp kỷ niệm nhiều ngày trọng đại. Đó là 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Hy vọng ý tưởng này sẽ được chuyển hóa thành hiện thực ngay trong năm 2015, khi hai nước Việt-Nga kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.


Duy Trinh
(P/v TTXVN tại Nga)

Nhớ lão nông mê vẽ Bác Hồ
Nhớ lão nông mê vẽ Bác Hồ

Lúc sinh thời, Lão nông Nguyễn Đức Hạnh đã vận dụng tâm lực, trí lực cộng với bàn tay tài hoa và trái tim luôn khắc ghi công ơn trời bể của Bác để thể hiện trong tranh sự bao dung, hiền hậu, uy nghiêm và những nét đẹp thiêng liêng cao cả của Bác Hồ qua đôi mắt, nụ cười, vòng tay yêu thương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN