Tiết kiệm điện - Quốc sách của Nhật Bản

Kể từ đầu tháng 7/2011, tất cả các cơ sở tiêu thụ nhiều điện nằm trong khu vực cung cấp điện của Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) và Công ty Điện lực Tohoku đã phải cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm so với lượng điện tiêu thụ cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974, chính phủ Nhật Bản phải ban hành quy định hạn chế sử dụng điện. Biện pháp này nhằm đối phó với khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima 1.

Tiết kiệm là quốc sách

Quy định mới của chính phủ được ban hành theo Điều 27 của Luật Kinh doanh Điện và được áp dụng đối với các cơ sở tiêu thụ nhiều điện như nhà máy hay cơ sở sản xuất có lượng điện tiêu thụ từ 500 kW trở lên ở các vùng Kanto và Tohoku. Quy định này có hiệu lực trong thời gian từ 9 giờ sáng tới 8 giờ tối trong ngày thường và áp dụng từ nay tới giữa tháng 9/2011. Trong giai đoạn này, các cơ sở tiêu thụ nhiều điện phải gửi báo cáo về lượng điện tiêu thụ cho Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) 4 lần. Cơ sở nào cố ý vi phạm sẽ bị phạt tiền lên tới 1 triệu yên.

Tôkyô 10 ngày sau thảm họa - ga Hibiya tạm ngừng thang cuốn để tiết kiệm điện.

Theo METI, quy định này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 14.800 cơ sở ở khu vực cung cấp dịch vụ của TEPCO và 3.700 cơ sở ở khu vực cung cấp dịch vụ của Công ty Điện lực Tohoku.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng yêu cầu các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực này tự nguyện cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ bằng cách vạch ra các kế hoạch tiết kiệm điện hoặc tắt bớt điều hòa và hệ thống chiếu sáng.

Ngoài Kanto và Tohoku, chính phủ Nhật Bản cũng dự định sẽ yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình thuộc khu vực cung cấp điện của Công ty Điện lực Kansai (KEPCO) ở phía tây phải cắt giảm ít nhất 10% lượng điện tiêu thụ trong vòng 2 tháng tới. Nguyên nhân là lò phản ứng số 1 có công suất 1,18 triệu KW của Nhà máy Điện hạt nhân Oi thuộc tỉnh Fukui đang phải tạm ngừng hoạt động do trục trặc trong hệ thống làm mát khẩn cấp.

Tình trạng thiếu điện có thể kéo dài

Mặc dù trong quy định trên, chính phủ mới yêu cầu các cơ sở tiêu thụ nhiều điện phải cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ trong thời gian từ nay tới tháng 9/2011, nhưng nhiều khả năng tiết kiệm điện sẽ là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới.

Do ảnh hưởng của các sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1, Nhật Bản hiện chỉ có 16 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động. Điều này khiến tỷ trọng của điện hạt nhận trong tổng công suất phát điện ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 18% so với 30% ở thời điểm trước trận động đất kinh hoàng hôm 11/3/2011. Đến mùa hè năm 2012, có khả năng tất cả các lò phản ứng hạt nhân sẽ không còn hoạt động do sự phản đối của chính quyền và người dân địa phương.

Tính toán của Ban Chính sách Quốc gia cho thấy, nếu tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản ngừng hoạt động vào tháng 5/2012, tổng công suất phát điện trong năm 2012 ước khoảng 162,97 GW, trong khi tổng cầu điện năng có thể lên tới 179,54 GW. Điều đó có nghĩa là nước này sẽ thiếu khoảng 16,56 GW, tương đương 9,2% tổng cung điện năng.

Ông Hirofumi Kawachi, chuyên gia phân tích của công ty Mizuho Investors Securities, nhấn mạnh: "Trong bối cảnh không có hy vọng các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại, chúng ta sẽ phải vượt qua tình trạng thiếu điện bằng cách tiết kiệm điện hơn nữa".

Để bù đắp lượng điện thiếu hụt, các công ty điện lực ở Nhật Bản đang nỗ lực tái khởi động hoặc xây mới các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, theo tính toán của METI, Nhật Bản sẽ tốn khoảng 38 tỷ USD để bù đắp lượng điện thiếu hụt do các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động nếu sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy dầu hoặc khí đốt hóa lỏng. Đây là số tiền không hề nhỏ, ngay cả đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới như Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo Bộ Môi trường, nếu các nhà máy điện hạt nhân không thể hoạt động trở lại và được thay thế bằng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, lượng khí CO2 thải ra từ các nhà máy nhiệt điện sẽ là 190 triệu tấn. Con số này cao hơn 15% so với tổng lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện ở Nhật Bản vào năm 1990.

Trong bối cảnh đó, tiết kiệm điện vẫn sẽ là quốc sách ở Nhật Bản, ít nhất là trong giai đoạn ngắn và trung hạn.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN