Thái Lan sẽ hợp pháp hóa dịch vụ đẻ thuê

Thái Lan đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến tới cho phép phụ nữ dù không có quan hệ gia đình vẫn được phép mang thai và sinh nở hộ người khác. Theo đề xuất này, những người có khả năng mang thai và sinh nở hộ sẽ phải đăng ký với Hội đồng y khoa quốc gia để được cấp phép nhằm tránh các dịch vụ đẻ thuê phi pháp.

Ảnh: thanhnien.com.vn


Chủ tịch Hội đồng y khoa Thái Lan Somsak Lohlekha cho biết cơ quan này đang tìm cách sửa đổi các quy định để cho phép người phụ nữ có thể mang thai và sinh nở hộ mà không cần phải có quan hệ họ hàng. Điều này sẽ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có con mà không phải tìm kiếm các hợp đồng chui hoặc phải nhờ họ hàng thân thuộc.

Ở Thái Lan hiện nay mới chỉ cho phép phụ nữ có thể mang thai và sinh nở hộ người khác là họ hàng của mình trong trường hợp người kia không có khả năng mang thai và sinh con. Theo quy định mới đang đề xuất, một người phụ nữ không thể mang thai hoặc không còn dạ con sẽ được phép đề nghị người phụ nữ khác không phải là họ hàng thân thích mang thai và sinh nở họ họ. Nhưng người được thuê đẻ sẽ chỉ được giới hạn độ tuổi từ 20 đến 35.

Người phụ nữ khi được chọn đẻ thuê phải từng mang thai và sinh nở. Điều này có nghĩa họ phải có sức khỏe tốt để có thể thực hiện được dịch vụ khó khăn này và tất nhiên họ cũng sẽ được trả công cho việc thực hiện dịch vụ đó.

Ông Somsak cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất là phải có những quy định thể nào để ngăn chặn được việc lạm dụng quy định mới để phục vụ mục đích thương mại. Thái Lan hiện được coi là nơi phổ biến dịch vụ đẻ thuê chui vì chưa có quy định chặt chẽ liên quan tới việc cấm các hoạt động này. Người ta có thể dễ dàng tìm trên mạng những lời mời thực hiện dịch vụ trọn gói từ bán trứng, mang thai và sinh nở hộ. Một số trang web còn đăng ảnh chào mời mua bán trứng với giá trung bình khoảng 10.000 baht (hơn 300 USD) mỗi lần.

Năm 2011, cảnh sát Thái Lan từng triệt phá một đường dây đẻ thuê, bắt giữ một người Đài Loan và giải cứu cho 14 cô gái Việt Nam bị lừa sang Thái thực hiện dịch vụ. Phần lớn những người này sẽ được trả một khoản 160.000 baht cho mỗi lần sinh nở, trong đó được lĩnh trước 32.000 khi có thai và số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi sinh.

Sau vụ này, Thái Lan đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là đang trở thành trung tâm của những dịch vụ đẻ thuê phi pháp. Trước đây, ở Ấn Độ và Trung Quốc đã từng rất phổ biến dịch vụ này, nhưng kể từ khi bị cấm, nhiều đường đây tổ chức đẻ thuê đã tìm đến đóng tại Thái Lan vì nước này chưa có những quy định cụ thể để kiểm soát dịch vụ trên.

Theo ông Somsak, hiện có khoảng 100 bác sĩ khoa sản tham gia các dịch vụ làm đẻ thuê trên toàn Thái Lan. Để ngăn chặn khả năng họ tham gia các dịch vụ phi pháp, Hội đồng y khoa quốc gia sẽ có quy định bắt buộc họ phải có chứng nhận đã qua lớp đào tạo thực hiện dịch vụ làm đẻ thuê và phải đăng ký hành nghề.

Ông Somsak cho rằng đây sẽ là cách quản lý số lượng bác sĩ khoa sản làm dịch vụ trên. Nếu không quản lý được họ thì cũng không thể quản lý được các dịch vụ đẻ thuê phi pháp. Các quy định mới hiện tại đang được soạn thảo và các bác sĩ sản khoa cũng như phụ khoa sẽ phải thực hiện theo trong tương lai.


Hà Linh(Pv TTXVN tại Thái Lan)

“Công nghiệp” đẻ thuê ở Ấn Độ
“Công nghiệp” đẻ thuê ở Ấn Độ

Khi gia đình cô bé Lili, người Ôxtrâylia, làm lễ thôi nôi cho con gái, thì ở mãi xa Ấn Độ, người mẹ đẻ thuê Seita Thapa cũng nhớ lại ngày hạ sinh ra “đứa con” mà chị thậm chí còn không dám nhìn mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN