Syria khổ cực vì cắt giảm lương thực cứu trợ

Trong bối cảnh xung đột kéo dài tại Syria chưa có dấu hiệu chấm dứt, người dân nước này đang phải đối mặt với cuộc sống khổ cực, đặc biệt khi những tổ chức nhân đạo bắt đầu cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu sống cơ bản nhất của họ.

Người tị nạn Syria xếp hàng lấy thực phẩm tiếp tế tại trại Jordan's Za'atri.


Dân chúng kêu than

Theo chuyên gia kinh tế Shadi Ahmad, tầng lớp trung lưu chiếm hơn 65% trong tổng số 23 triệu dân Syria. Họ đều là các viên chức và tiểu thương, bị đẩy vào tình trạng đói khát do xung đột kéo dài. Báo cáo của Liên hợp quốc hồi năm ngoái cho biết, hơn một nửa dân số Syria được xếp dưới mức nghèo, phải sống nhờ vào thực phẩm tiếp tế từ các tổ chức cứu trợ.

Mọi chuyện trở nên xấu đi khi Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) đã cắt giảm 40% lượng thức ăn viện trợ với lí do “kinh phí hạn hẹp”. Điều này đã khiến người dân Syria tức giận và yêu cầu một biện pháp triệt để giải quyết cuộc sống khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

“Trong suốt 1 năm qua, mỗi tháng gia đình tôi nhận được một bưu kiện gồm 5 chai dầu ăn, 5 kg đường, 5 kg đậu lăng và 5 kg mỳ Spaghetti. Tuy nhiên, do số thành viên trong gia đình tôi khá lớn nên lượng thực phẩm đó rõ ràng không đáp ứng đủ nhu cầu’, cô Siham Abdullah, đang chờ nhận đồ tiếp tế từ tổ chức từ thiện tại thủ đô Damacus, cho biết. “Họ không những cắt giảm lượng thực phẩm viện trợ mà còn thông báo sẽ chuyển đồ ăn tới hai tháng một lần.”

Người phụ nữ 40 tuổi này chia sẻ, chồng cô làm việc cho một công ty xây dựng trước khi giao tranh xảy ra nhưng giờ đây khi bất cứ nơi nào ở Syria cũng bị tàn phá nặng nề thì anh cũng bị mất việc làm.

Trong khi đó, anh Abu Hani, một người tị nạn đến từ tỉnh Deir al-Zour, bức xúc: “Chúng tôi không thể sống trong hai tháng mà chỉ có một kiện thực phẩm. Tôi lại đang đau ốm, không thể nào làm được việc gì để có thể trợ giúp cho gia đình của mình”. Abu Hani chỉ trích các tổ chức nhân đạo đã chậm trễ trong việc cấp phát thuốc cho những người bị bệnh nặng, điển hình là những người mắc bệnh tim như trường hợp của ông.

Đó là thực trạng của người dân Syria tại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của chính phủ, còn ở những vùng phiến quân chiếm đóng, người dân không chỉ thiếu thốn điều kiện vật chất mà còn phải chịu đựng cuộc sống dưới luật lệ khắc nghiệt của các tay súng cực đoan.

Việc có được một mẩu bánh mì để ăn vẫn đang là điều hết sức khó khăn tại Raqqa - thủ phủ của phiến quân. Tại vùng ngoại ô Arbeen do lực lượng khủng bố kiểm soát, người dân do không chịu đựng được cảnh sống khốn khó nên đã phá một kho lương thực để lấy thức ăn chia cho mọi người.

Nỗi khó của viện trợ nhân đạo


Giám đốc WFP tại Syria, ông Matthew Hollingworth, khẳng định: “Khủng hoảng kéo dài đã khiến chúng tôi cạn kiệt nguồn tài chính và rất khó để có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người dân. Chúng tôi hiện chỉ đủ sức giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do xung đột”.

Theo ông Hollingworth, WFP gặp nhiều vấn đề lớn khi thực hiện nhiệm vụ cứu trợ tại Syria. Khó khăn khi vận chuyển đồ ăn qua các mặt trận và thiếu hụt tài chính là hai thách thức lớn nhất mà WFP phải đối mặt khi cung cấp thực phẩm cho 4 triệu dân Syria bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ông còn nhận định đại dịch Ebola và những cuộc khủng hoảng xảy ra tại các khu vực khác trên thế giới đều góp phần vào việc làm thâm hụt ngân sách của tổ chức này.

Thêm vào đó, sự an toàn khó được đảm bảo của các tình nguyện viên tại Syria cũng phần nào ngăn cản nhân viên cứu trợ đến Syria, đặc biệt là những khu vực bị phiến quân chiếm đóng. Hiệp hội chữ thập đỏ Syria đã mất 30 tình nguyện viên trong các cuộc giao tranh. Nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cũng không tránh khỏi tình trạng bị bắt cóc tại phía Bắc Syria.

Trong khi đó, chiến tranh đã buộc chính phủ Syria hoàn toàn phụ thuộc vào sự nguồn trợ giúp từ các nước như Nga và Iran. Nhà chức trách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bình ổn giá hàng hóa cơ bản như gạo, bánh mì, khí đốt và dầu diesel.


Hồng Hạnh
Đài phát thanh 'cây nhà, lá vườn' tại Syria
Đài phát thanh 'cây nhà, lá vườn' tại Syria

"Chào buổi sáng, Việt Nam," Wael Adel bắt đầu chương trình phát thanh Làn Sóng Mới của mình ngay tại "chảo lửa" Aleppo, Syria bằng một giọng nói hài hước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN