S&P: Hy Lạp có khả năng vỡ nợ trong vòng 12 tháng tới

Sau khi đánh tụt hạng tín dụng của Hy Lạp từ mức CCC+ xuống CCC với triển vọng “tiêu cực” ngày 10/6, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) nhận định Hy Lạp có khả năng vỡ nợ trong vòng 12 tháng tới.

S&P cho rằng quốc gia này sẽ không có khả năng trả khoản nợ thương mại trong vòng một năm tới nếu Athens không thể đạt được thỏa thuận với giới chủ nợ.

Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ sau khi không đạt được thỏa thuận với giới chủ nợ.


S&P nhận định quốc gia này dường như sẽ đặt ưu tiên cho việc trả lương hưu và các tiêu dùng nội địa khác hơn là trả nợ nước ngoài đúng hạn.

Hy Lạp đã trì hoãn trả khoản nợ đến hạn vào hôm 5/6 cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi sẽ phải tiếp tục trả 1,6 tỷ euro cho tổ chức này vào cuối tháng.

Động thái phản ánh “quan điểm của chúng tôi rằng việc thiếu một thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ, chính phủ Athens có thể sẽ không thể trả các khoản nợ thương mại trong vòng 12 tháng tới”, báo cáo của S&P nêu rõ.

S&P đưa ra nhận định trên sau khi giới lãnh đạo Hy Lạp và giới chức châu Âu không đạt được thỏa thuận về thời hạn cấp khoản cứu trợ trị giá 8,1 tỷ USD cho phía Athens. Khoản vay này là cần thiết để Hy Lạp có thể thanh toán cho IMF và các chủ nợ châu Âu.

Ngoài ra, các lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng Hy Lạp cần cam kết tiến hành các cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn nữa để đổi lại các khoản vay. Họ yêu cầu Hy Lạp cắt giảm lương hưu, cũng như áp thuế bán hàng cao hơn và thặng dư ngân sách hơn hơn.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố, ông sẽ có một số nhượng bộ, song sẽ không cắt giảm lương hưu thêm nữa.

Nhưng “ngay cả khi Hy Lạp đạt được một thỏa thuận với giới chủ nợ trong 2 tuần tới, chúng tôi không nghĩ rằng thỏa thuận sẽ bao trùm các yêu cầu về hoạt động nợ sau tháng 9 tới”, S&P lo ngại.

Hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới này cho rằng nếu không có một bước ngoặt giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và không có cải cách sâu rộng trong lĩnh vực công, “khoản nợ của Hy Lạp là rất khó đòi”.

S&P cho rằng tiền đang chạy khỏi các ngân hàng của Hy Lạp, và để ngăn cản làn sóng sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Thực trạng trên cuối cùng sẽ buộc Hy Lạp phải có biện pháp ngăn chặn và hãng xếp hạng tín dụng đưa ra dự đoán Hy Lạp có thể sẽ rời Eurozone hoặc là tung ra một đồng tiền của mình song song với đồng euro để trả các hóa đơn tiêu dùng nội địa.

Để giải quyết bài toán nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm cố thuyết phục các chủ nợ châu Âu cấp các khoản cứu trợ mà nước này đang cần hòng tránh vỡ nợ.

Ông Alexis Tsipras đã có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, trước khi hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU – Mỹ Latinh tổ chức vào tối 10/6.

Ngay sau đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho hay nước này và Đức, Pháp đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính căng thẳng cần phải đạt được một “giải pháp đáng tin cậy” trong bối cảnh các cuộc thương lượng đã không đi tới một thỏa thuận.

Phát biểu sau khi hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) – Mỹ Latinh tại Brussels, ông Tsipras nói: “Các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận rằng chúng ta cần phải đưa ra một giải pháp đáng tin cậy và cơ hội cho Hy Lạp quay trở lại thời kỳ tăng trưởng”.

Ông nhấn mạnh giải pháp này “cần phải đưa ra được mức nợ có thể chấp nhận được, cũng như triển vọng giúp đem lại an ninh và sự ổn định không chỉ cho Hy Lạp mà còn với cả châu Âu”.

Dự kiến, tuần tới bộ trưởng tài chính 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ nhóm họp tại Luxembourg và có thể sẽ bàn thảo về việc trả nợ của Hy Lạp khi ngày đáo hạn đang đến rất gần.

Việc không đạt được tiến triển trong đàm phán những tuần vừa qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Hy Lạp có thể sẽ vỡ nợ và phải ra khỏi Eurozone. Động thái này có thể gây nên sự hỗn loạn đối với châu Âu và thị trường thế giới.

“Mục tiêu là tiếp tục giữ Hy Lạp ở lại Eurozone”, bà Merkel tuyên bố, “nếu chúng ta có đủ ý chí, sẽ luôn có cách” song bà cũng lưu ý rằng điều đó trước tiên phụ thuộc vào Thủ tướng Tsipras và hơn hết phía Hy Lạp phải thể hiện ý nguyện của mình.



Thái Nguyễn (Theo AP, AFP, Reuters)
Hy Lạp chỉ trích yêu cầu cải cách của chủ nợ
Hy Lạp chỉ trích yêu cầu cải cách của chủ nợ

Thủ tướng Hy Lạp chỉ trích nhóm các chủ nợ quốc tế đã đưa ra những yêu cầu cải cách "vô lý", gây cản trở bước tiến trong cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng nợ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN