Những gánh nặng từ đăng cai sự kiện thể thao - Bài cuối:

Sochi hậu Olympic đi về đâu?

Thế vận hội Olympic mùa đông và cả Paralympic mùa đông ở Sochi (Nga) (tháng 2/2014) đều đã kết thúc. Các vận động viên, đoàn thể thao, khán giả, phóng viên báo chí đã rời Sochi, để lại một sự “trống vắng” theo đúng nghĩa đen trong các sân vận động, khách sạn, đường sá vốn được đầu tư mạnh tay phục vụ cho thế vận hội. Nga định biến Sochi sau Olympic thành một địa điểm du lịch nhưng những tính toán này liệu có khả thi?


Đi vào “vết xe đổ”


Nga đã chi một số tiền kỷ lục 51 tỷ USD để chỉnh trang cho Sochi đăng cai thế vận hội. Với số tiền “khủng” này, Sochi từ một thành phố nghỉ dưỡng ven biển đã trở thành một kỳ quan mùa đông sau cuộc “đại tu” tham vọng nhất trong lịch sử Olympic.


Một góc làng Olympic Sochi.

 

Tuy nhiên, khi phút huy hoàng của Olympic đã đi qua, Sochi dường như lại vẫn như xưa. Ông David Wallechinsky, Chủ tịch Hội Sử gia Olympic Quốc tế, nhận xét rằng Nga dường như không chuẩn bị một kế hoạch thực tế nào hậu Olympic cho Sochi. Thiếu kế hoạch rõ ràng, cộng với khó khăn về mặt địa lý và chính trị báo trước một tương lai không sáng sủa cho Sochi.


Người ta bắt đầu lo ngại rằng Sochi hậu Olympic sẽ đi theo “vết xe đổ” của Athens (Hy Lạp) và Montreal (Canada). Hai thành phố này cũng từng là chủ nhà Olympic và nhiều năm sau đó, các sân vận động cũng như công trình to lớn và tốn kém vẫn trong cảnh đìu hiu, không biết dùng vào việc gì cho có ích. Trong khi đó, chính quyền lại vẫn phải trả chi phí bảo dưỡng và è cổ trả các khoản nợ khổng lồ. Montreal mất 30 năm để trả nợ còn Hy Lạp thậm chí đã rơi vào khủng hoảng nợ công vì trót đầu tư quá nhiều vào Olympic.


Mặc dù các nước thường cho rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng Olympic sẽ có lợi về lâu về dài nhưng các nhà kinh tế khẳng định không phải vậy. Theo một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Chicago, khi so sánh giữa các thành phố chủ nhà Olympic gần đây với các thành phố khác, người ta thấy rằng không có gì khác biệt đáng kể xét về tăng trưởng du lịch, dịch vụ tài chính hay xây dựng. Các thành phố đăng cai Olympic thường có xu hướng tăng xuất khẩu. Thế nhưng, xuất khẩu ở những thành phố từng là ứng cử viên đăng cai Olympic nhưng không được lựa chọn cũng có mức tăng tương tự.


Giáo sư kinh tế học trường Đại học Tennessee, ông Scott Holladay, không đồng tình với ý kiến của những người ủng hộ đăng cai Olympic cho rằng thành phố đăng cai sẽ có lợi lớn về kinh tế. Theo ông Scott, lợi ích mang lại có thể chỉ là những lợi ích phi kinh tế như được thế giới biết đến nhiều hơn và được cảm nhận niềm tự hào dân tộc.


Thách thức to lớn


Với trường hợp của Sochi, các nhà tổ chức Nga đã công bố kế hoạch biến các tòa nhà Olympic ở đây thành địa điểm thân thiện với du khách. Theo đó, trung tâm trượt băng Adler Arena sẽ trở thành trung tâm triển lãm, các cơ sở trong khu vực núi gần đó sẽ chuyển thành khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, trung tâm báo chí sẽ thành khu mua sắm và một sân vận động sẽ được dùng là nơi tổ chức một số trận trong khuôn khổ World Cup mà Nga sẽ đăng cai năm 2018.


Trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng này, Nga sẽ tốn kém trong bảo dưỡng các công trình, đặc biệt là khi chất lượng các công trình đang xuống cấp. Theo báo cáo mới nhất của Moody’s, chi phí bảo dưỡng cơ sở hạ tầng Olympic ở Sochi sẽ có thể lớn hơn lợi nhuận thu về từ khách du lịch.


Ngoài ra, còn có những thách thức to lớn nữa không dễ vượt qua khi muốn khu vực kinh tế Sochi phát triển nhờ du lịch. Để lấp đầy các phòng khách sạn, Sochi phải thu hút đủ lượng khách 5 triệu lượt người/năm. Trong khi đó, thực tế là chỉ khoảng 2,5 triệu du khách tới Sochi mỗi năm và Sochi đã qua thời hoàng kim du lịch thời Xô viết. Dân Mỹ và châu Âu thích đi nghỉ ở những nơi gần hơn hoặc là những nước mà họ không cần phải xin visa du lịch. Hơn nữa, Sochi lại khá gần khu vực Bắc Kavkaz bất ổn khiến nhiều du khách e ngại.


Trong lịch sử Olympic, chỉ một vài thành phố không rơi vào cảnh đìu hiu sau thế vận hội. Đây là những thành phố có kế hoạch tái phát triển rõ ràng và đầu tư mạnh tay vào những cơ sở hạ tầng không liên quan đến thể thao. Thành phố Atlanta (Mỹ) đã tân trang lại sân bay và mở rộng hệ thống đường cao tốc trước Thế vận hội mùa hè 1996. Sau đó, thành phố này đã dùng sân vận động Olympic làm sân bóng chày cho đội tuyển quốc gia của mình.


Còn ở London (Anh), khu phức hợp Olympic đã trở thành khu phát triển đô thị mạnh mẽ khi họ biến các tòa nhà được xây cho các vận động viên ở thành các khu mua sắm lớn và khu chung cư cao cấp. Nhà tổ chức Olympic London cũng rất thông minh khi xây nhiều công trình tạm thời phục vụ thế vận hội và sau đó có thể dễ dàng tháo dỡ hoặc sử dụng vào các mục đích khác.

 

Thùy Dương

Vỡ mộng sau Euro 2012
Vỡ mộng sau Euro 2012

Ba Lan và Ukraine là hai quốc gia đông Âu đồng đăng cai Vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2012. Khi đổ tiền vào các công trình hạ tầng, các nhà thầu cũng như chính phủ ở cả hai nước hy vọng họ sẽ thắng lớn về kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN