Simon Bolivar và Hồ Chí Minh: Sự tương đồng trong lịch sử

LTS: Báo Tin tức trân trọng trích giới thiệu bài viết của ngài Nelson Rodríguez A, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vênêxuêla tại Hà Nội, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar (1783 - 1830) nhân 122 năm ngày sinh của Bác Hồ.

 

 

Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar năm 1819. Ảnh: Internet

 

Cả hai người cùng cống hiến cuộc đời cho nền độc lập và tự do của dân tộc mình. Simon Bolivar đã chiến đấu chống chế độ thực dân Tây Ban Nha, một chế độ đã gây ra bao tổn hại đối với Mỹ Latinh bằng sự cướp bóc và sự tàn bạo chỉ có thể có ở những con người phi nhân tính. Còn Hồ Chí Minh thì đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp, chế độ đã cướp đoạt của cải, tài nguyên trên lãnh thổ Việt Nam trong gần một trăm năm. Cùng với nhiều cơ chế độc quyền khác, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách coi thường thân phận con người của một dân tộc có truyền thống văn minh nông nghiệp lâu đời. Và trong những năm tháng đó, nhân dân Việt Nam đã phải chịu đựng những sự tra tấn về thể xác và tâm lý vô cùng dã man, đồng thời họ còn là nạn nhân của nạn đói từng gây nên cái chết của hàng triệu người, trong đó có rất nhiều phụ nữ, người già và trẻ em...


Hai nhân vật ấy, mỗi người một khu vực khác nhau, Bolivar ở Nam Mỹ và Hồ Chí Minh ở Đông Nam Á, trong các thời đại khác nhau, nhưng đều được tôn vinh là các lãnh tụ giải phóng của dân tộc mình. Về phương diện tri thức, họ đều được đào tạo từ việc học tập ở các nhà bách khoa và các nhà kinh điển, từ nghệ thuật chiến tranh cho đến những luận đề triết học, tất cả đều giúp cho họ vốn thông tin cơ bản trong lĩnh vực xã hội học chính trị. Những kiến thức ấy cùng với năng lực uyên bác bẩm sinh và lòng yêu cuộc sống đã làm cho sự nhạy cảm của họ hướng về sự toàn tâm, toàn ý cho mục đích duy nhất là cứu vãn dân tộc mình khỏi sự áp bức của các thế lực bạo tàn.


Hồi đó, Bolivar đã nói trước người thầy của mình, Ngài Don Simón Rodríguez, trong một buổi giảng về triết học Aristotes trên ngọn núi Monte Sacro hùng vĩ rằng: "Con xin thề trước mặt thầy; xin thề có đức Chúa của các đấng sinh thành, xin thề vì cha mẹ mình, xin thề vì danh dự của con, xin thề vì Tổ quốc, rằng con sẽ không ngơi nghỉ đôi tay, cũng không để cho tâm hồn tĩnh lặng, cho đến khi nào phá bỏ được xiềng xích đang áp bức chúng ta theo ý chí của quyền uy Tây Ban Nha". Khi nói những lời như thế, người anh hùng dân tộc của Vênêxuêla mới tròn 22 tuổi.


Đó là một quyết định trọng đại trong cuộc đời người anh hùng. Toàn bộ mười năm cuối cùng của đời mình, cho tới khi hy sinh ở tuổi 47, Bolivar đã cống hiến tất cả cho cuộc chiến đấu chống lại quân đội Tây Ban Nha và những vấn đề chính trị nội bộ xuất hiện trong quá trình giành độc lập dân tộc. Ông từ bỏ tất cả mọi cam kết không có liên quan tới mục tiêu đã vạch ra: Ông không tục huyền khi người vợ đã mất, ông không có nhà ở cố định và chỉ liên lạc với chị em của mình qua thư từ, không quan tâm tới nguồn tài sản thừa kế nhiều triệu của bản thân mà dành hết cho sự nghiệp cách mạng, toàn tâm toàn ý vì mục tiêu giành tự do cho châu Mỹ. Ông đã giải phóng cho năm nước cộng hòa (Vênêxuêla, Pêru, Bôlivia, Êcuađo và Côlômbia) khỏi ách bạo tàn của vương quốc Tây Ban Nha. Cuộc cách mạng của Bolivar đã thay đổi chiều hướng của lịch sử, ngay cả ở chính quốc Tây Ban Nha, cũng như ở các nước Mỹ Latinh.


Về phần mình, Hồ Chí Minh khi mới 20 tuổi, tức 106 năm sau khi Bolivar tuyên thệ tại Monte Sacro, đã quyết định xuất dương ra nước ngoài để tìm con đường giải phóng đất nước khỏi sự khủng khiếp của chế độ thực dân Pháp. Từ bến Nhà Rồng ở miền Nam Việt Nam, ngày 5/6/1911, Hồ Chí Minh đã lên chiếc tàu “Đô đốc Latouche Treville” sang châu Âu, lúc đầu ông được nhận làm công nhân đốt than và sau là phụ bếp trên tàu.


Cuộc hành trình của anh Ba, tên gọi của Hồ Chí Minh trong cuộc hành trình trên tàu biển sang phương Tây, là một chuyến đi dài và đầy gian khổ, hiểm nguy, khác với chuyến du hành của Bolivar sang châu Âu và Mỹ trước đó. Tại châu Âu, Hồ Chí Minh đã phải hoạt động trên các diễn đàn chính trị, thông qua các cuộc tranh luận về tư tưởng để tìm kiếm tình đoàn kết và sự ủng hộ về đường lối cách mạng, và từ đó tiến sang địa hạt đấu tranh vũ trang, trong đó phương thức cơ bản là chiến tranh du kích.


Những nhà nghiên cứu về các tác phẩm của Hồ Chí Minh đã chứng minh rằng trong suốt mấy chục năm đầu khi bước vào con đường cách mạng, ông là người lữ hành không mỏi. Hồ Chí Minh đã giành được tình đoàn kết và sự ủng hộ của các nước và các nhà lãnh đạo tán thành tư tưởng giải phóng của ông.


Hồ Chí Minh đã trở thành vị lãnh tụ vĩ đại như thế đó. Sau khi người lãnh đạo đất nước, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc, sau những thắng lợi vang dội và những cuộc đàm phán đã đi vào lịch sử, Người trở thành nhà chính trị nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Hồ Chí Minh nắm vững nhiều ngoại ngữ, có hiểu biết uyên thâm về các vấn đề chính trị, xã hội. Ông là người của thế giới, từng sống ở Pháp, ở Anh, ở Trung Quốc, tại đây ông hoạt động nhiều năm và từng bị giam cầm trong các nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Và chính trong những tháng năm ấy, với tư chất của một nhà tư tưởng lớn, ông đã để lại tập thơ “Nhật ký trong tù”, trong đó thể hiện rõ quan điểm chính trị và sự nhạy cảm thơ ca của ông, mặc dù ở ông hình ảnh nhà thơ đã bị che khuất bởi vai trò của người lãnh đạo nhà nước.


Từ một thanh niên trẻ tuổi rời đất nước ra đi trong nỗi đau khắc khoải khi thấy dân tộc mình chìm đắm trong cảnh lầm than, Hồ Chí Minh đã trở thành vị lãnh tụ có tầm nhìn quốc tế rộng lớn, xây dựng nên một chính đảng được tổ chức chặt chẽ trong cả nước với những đảng viên, nam cũng như nữ, luôn sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng và quân sự chống lại ách áp bức thực dân.


Bolivar và Hồ Chí Minh rõ ràng là hai nhà cách mạng mẫu mực. Hai vị lãnh tụ đã từng vượt qua hàng nghìn, hàng vạn dặm đường trong quá trình cách mạng, đã viết rất nhiều trang sách để truyền bá tư tưởng chính trị của mình cho tới khi đạt được mục tiêu giải phóng đất nước. Bolivar và Hồ Chí Minh xứng đáng với sự tôn vinh và lòng ngưỡng mộ của các dân tộc. Các vị là hiện thân của những gì tinh túy nhất trong chủ nghĩa nhân đạo cải tạo thế giới mà lý do tồn tại của nó dựa trên những giá trị hình thành quyền con người phổ quát trên thế giới này.

Nelson Rodríguez A

Phạm Đình Lợi (trích dịch)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN