Sách số thách thức văn hóa đọc Nhật Bản

Văn hóa đọc cũng như ngành xuất bản sách truyền thống của Nhật Bản đang đứng trước thách thức gay gắt từ việc “đại gia” bán lẻ qua mạng Amazon.com ngày 25/10 đã mở kho dữ liệu sách điện tử khổng lồ Kindle sẽ tung ra thị trường thiết bị đọc vào ngày 19/11 tới.


 

Truyện tranh có còn là niềm yêu thích của người dân Nhật Bản trước sự “tấn công” của sách số hóa?

 

Pho sách được số hóa của Amazon được cho là có thể sẽ tạo ra một làn sóng mới trong văn hoá đọc tại Nhật Bản, nơi mà ở bất cứ ngóc ngách nào cũng có thể bắt gặp những fan cuồng của truyện tranh và tiểu thuyết.


Ở Nhật Bản, văn hóa đọc sách in vẫn còn khá thịnh hành, bất chấp sự xuất hiện của các thiết bị cầm tay nhỏ gọn với kho dữ liệu phong phú mà chỉ cần vài cú “click” là cả một kho tàng kiến thức mở ra trước mắt. Trên tàu điện ngầm, trong các quán cà phê, tiệm thức ăn nhanh hay ở ghế đá công viên, không khó để bắt gặp những người đang ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết, truyện tranh hay bất cứ loại ấn phẩm nào khác được in ấn với kích thước nhỏ gọn.


Để cho ra đời kho dữ liệu 50.000 cuốn sách tiếng Nhật, bao gồm tiểu thuyết và truyện tranh, Amazon đã vấp phải hàng loạt vấn đề trong các cuộc đàm phán hợp đồng với giới xuất bản của “đất nước Mặt trời mọc”, nơi vấn đề tác quyền luôn được đảm bảo nghiêm ngặt.


Một nhân vật trong giới xuất bản cho biết, hãng Amazon “muốn đảm bảo số lượng sách ra mắt độc giả phải thật ấn tượng. Với hàng loạt những thiết bị cầm tay mới mà Google và Apple vừa tung ra, Amazon không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiến lên”. Rõ ràng, để đủ sức cạnh tranh với các máy tính bảng đời mới của hai “gã khổng lồ” công nghệ trên, Amazon buộc phải tạo thế mạnh cạnh tranh bằng số lượng sách số hóa “khủng” dùng cho Kindle. Tuy có vẻ chậm chân hơn so với các đối thủ cạnh tranh nhưng Amazon đã lựa chọn đúng khi bước chân vào thị trường Nhật Bản, vốn là thiên đường của văn hóa đọc.


Bên cạnh nguy cơ làm thay đổi thói quen đọc sách, Amazon còn gây lo ngại cho giới xuất bản sách in ở Nhật Bản. Các nhà xuất bản ở Nhật cảm thấy lo lắng về “cơn bão” Amazon tại thị trường sách điện tử nước này trong bối cảnh hãng bán lẻ qua mạng này đang làm khuynh đảo thị trường Mỹ với những cuốn sách điện tử được bán với giá thấp hơn so với sách in, khiến doanh thu của ngành xuất bản sách in bị sụt giảm thảm hại.


Các cuộc đàm phán giữa Amazon và giới xuất bản Nhật Bản gặp nhiều khó khăn cũng chỉ vì dường như các nhà sách xứ Phù Tang vẫn còn nhiều nhiệt huyết với thị trường sách in hiện nay cũng như sự hiệp đồng chặt chẽ của họ với các tác giả trong công tác xuất bản.


Một quan chức cấp cao thuộc một nhà xuất bản lớn cho biết: “Các điều khoản ban đầu mà Amazon đưa ra khiến chúng tôi bẽ bàng”. Vị này phàn nàn rằng Amazon “coi các nhà xuất bản như là các đại diện được ủy thác trong đàm phán với các tác giả và yêu cầu chuyển giao quyền định giá và cả nội dung của tác phẩm”.
Tuy nhiên, một nhà xuất bản sau khi bắt đầu ký kết thỏa thuận với Amazon lại bày tỏ hy vọng về sức mạnh phân phối bán lẻ to lớn của hãng này sau khi Amazon chấp nhận thỏa hiệp với họ về một số điều khoản.


Một quan chức cấp cao thuộc nhà xuất bản tầm trung từng tham gia đàm phán với Amazon nhận định: “Quy mô của thị trường sách điện tử Nhật Bản có thể sẽ tăng gấp đôi sau khi Amazon thâm nhập thị trường này”. Ông này cho biết: “Chúng tôi không biết liệu đó là điềm lành hay dữ cho ngành xuất bản nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thuận theo xu thế này”.


Bài và ảnh: Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN