Rời Kobane, người tị nạn không chốn nương thân

Những ngày đầu năm, giữa lúc nhiều người đang tất bật với công việc, nhiều người chuẩn bị cho những dự định mới, có một thanh niên tị nạn từ thành phố chiến sự Kobane (Syria) đang chật vật sống nay đây mai đó ở Thổ Nhĩ Kỳ với những giấc mơ có thể không bao giờ thành hiện thực. “Tôi mơ có việc làm, được đi học và có một mái nhà”. 

Lời bộc bạch của một thanh niên Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Theo Ali, hành trình kinh hoàng và đáng thất vọng khiến cậu nhận ra người tị nạn không có nơi tị nạn. Ảnh: AFP


Xin chào, tên tôi là Huseyn Ali, quê ở thành phố Kobane.

Năm nay tôi 18 tuổi. Tôi đã phải bỏ học khi buộc phải trốn chạy từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình tôi là một trong những người nhập cư đầu tiên từ thành phố Kobane đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã đến đây từ đầu năm 2014 để tìm kiếm một cuộc sống mới, nơi không phải dính dáng đến chính trị và quan trọng nhất là mang lại sự ổn định cho chúng tôi.

Trên đường đi, tôi đã nghĩ sẽ tìm được một công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ và khi gia đình tôi ổn định trở lại, tôi sẽ quay lại với sách vở. Nhưng cho đến thời điểm này, làm được điều đó quả thật quá khó khăn.

Cuộc sống cũng không dễ dàng gì ở thành phố Kobane những năm qua. Bố tôi bị các phần tử nổi dậy giết hại ba năm về trước, dù vậy chúng tôi không thể tìm ra chính xác kẻ nào đã giết ông. Gia đình tôi phải ứng biến ngay lập tức sau cái chết của bố và mẹ, đã mở một cửa hàng nhỏ bán thực phẩm để kiếm đủ tiền nuôi chúng tôi. Chúng tôi có bảy anh em và tất cả đều đi học vào lúc đó.

Sau khi bố mất, tất cả chúng tôi phân chia thời gian ở trường và ở cửa hàng để đỡ đần mẹ. Gần đây khi nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến tới thành phố Kobane, tình hình trong thành phố trở nên tồi tệ hơn. Mọi người không còn lựa chọn nào ngoài việc phải liên minh với lực lượng người Kurd, những người tự chỉ định là cứu tinh của thành phố Kobane.

Gia đình tôi chỉ là những người giản đơn, không hứng thú với chính trị. Chúng tôi không muốn bị cuộc hỗn loạn này làm ảnh hưởng. Chúng tôi đã phải sống chật vật vì chiến sự. Không ai trong chúng tôi muốn chiến đấu hay ủng hộ chính trị cho bất kì ai. Chúng tôi chỉ muốn sự an toàn và cơ hội tiếp tục việc học hành cũng như theo đuổi mục đích của chúng tôi. Sự ổn định cho gia đình, đây là điều quan trọng nhất với chúng tôi.

Khi IS bắt đầu tấn công Kobane từ tất cả mọi phía, mọi người bắt đầu rời bỏ làng mạc và tiến về thành phố nằm giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Kobane có hàng trăm ngôi làng. Nhiều dân làng không rời bỏ nhà cửa đã bị sát hại nếu họ không gia nhập IS. Chúng cắt nguồn lương thực, nước, thuốc men và điện của chúng tôi cũng như khóa đường đến Aleppo và đến vùng người Kurd của Iraq. Không ai có thể trốn khỏi thành phố và chúng tôi bị kẹt ở bên trong.

Mặc dù tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập, vẽ cũng như luyện tập thư pháp, gia đình tôi lại trông chờ tôi đến cửa hàng duy nhất còn mở cửa, nơi chúng tôi xếp hàng để nhận bánh mì. Tôi thường phải đợi chờ hơn tám tiếng đồng hồ cùng hàng trăm người khác từ Kobane và những ngôi làng lân cận. Cửa hàng phân phát bánh mì do Đảng Công nhân người Kurd (PKK) của Thổ Nhĩ Kỳ dựng nên. Nếu không có họ cũng như sự hỗ trợ của họ, sẽ không có bánh vì hay thực phẩm gì cả. Vì vậy những người dù không muốn ủng hộ PKK cũng buộc phải ủng hộ họ, vì họ là hy vọng duy nhất.

Chúng tôi uống nước muối từ những giếng trong lòng đất và sử dụng mỡ cừu vào ban đêm. Trong tình cảnh đó, việc học trở nên bất khả thi. Tình cảnh của tôi ngày càng trở nên tồi tệ. Tôi thậm chí không thể mua nổi đôi giày mới sau khi giày cũ bị hỏng. Việc đi bộ đến cửa hàng lấy đồ ăn cho gia đình bằng đôi chân trần thật không dễ dàng gì.

Người tị nạn Syria nhìn về thành phố Kobane trong bom đạn. Ảnh: Reuters


Khi chúng tôi trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm 2014 để tìm một công việc, cách chúng tôi được đối xử thật không tài nào tưởng tượng nổi. 

Em trai tôi và tôi đã gõ cửa tất cả những ngôi nhà mà chúng tôi nhìn thấy thể để tìm việc nhưng không có chứng minh thư, không ai sẵn lòng thuê mướn chúng tôi. Tôi đã đi tìm việc ở Suruc, Urfa, Istanbul, Cappadocia, Mersin và Antep. Chúng tôi tìm được vài việc, nhưng sau một vài tháng lương bị trì hoãn, cuối cùng chúng tôi cũng chẳng được trả tiền. Những người thuê mướn sẽ nói chúng tôi không được quyền nhận lương. Công việc đầu tiên của tôi là ở Sanliurfa và kéo dài trong bốn tháng, song tôi chỉ nhận được hai tháng lương.

Hành trình kinh hoàng và đáng thất vọng đó đã khiến chúng tôi nhận ra rằng người tị nạn không có nơi tị nạn. Một khi chúng tôi đã bỏ lại đất nước và gia đình ở phía sau, chúng tôi buộc trở thành những người không có quốc gia, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Gia đình tôi gần như chẳng có tiền tiết kiệm và chúng tôi luôn di chuyển quanh Thổ Nhĩ Kỳ, xin trú ngụ ở nhà của những người họ hàng khác nhau hay các mối quan biết.

Người tị nạn Syria ở một trại tập trung.


Chúng tôi không muốn sống trong các trại tị nạn bởi vì chúng tôi cảm thấy mình không được đối xử tôn trọng ở đó. Sức khỏe của mẹ là điều khiến tôi lo ngại nhất. Bà cần uống thuốc đều đặn để trị bệnh tiểu đường và bệnh tuyến giáp. Bà đã viết một bức thư gửi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để xin thuốc, nhưng họ nói không cung cấp thuốc miễn phí cho người tị nạn bên ngoài trại tị nạn.

Chúng tôi không có quyền của công dân hay căn cước. Giấy cư trú tạm thời mà chúng tôi được cấp từ một cơ quan phụ trách vấn đề người tị nạn là những tờ giấy mỏng tang với một con tem nhỏ. Chúng tôi không có căn cước vĩnh viễn nào. Tôi đã cố làm một cuốn sổ hộ chiếu để có thể đến một quốc gia khác làm việc nhưng chính phủ tiếp tục xua đuổi chúng tôi. Họ nói rằng người tị nạn Syria không được cấp hộ chiếu. Mặc dù tôi biết một số người tị nạn từng đi tìm việc với tôi trước đó đã có được hộ chiếu và trốn đến Athens (Hy Lạp).

Một người bạn đã giúp tôi đăng ký tị nạn với chính phủ Thụy Sĩ, nhưng đơn của tôi đã bị từ chối. Tôi cảm thấy rằng gia đình mình và tôi sẽ không bao giờ được là công dân của bất kì quốc gia nào khác. Một công việc, một trường học và một mái nhà chỉ còn là những giấc mơ tan vỡ cay đắng ngay trước mắt chúng tôi.

Những tâm sự của Huseyn Ali được nhà báo Kiran Nazish ghi lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. 


Anh Tiếu (Theo Aljazeera)
Kobane: Những bức ảnh từ mặt trận chống IS
Kobane: Những bức ảnh từ mặt trận chống IS

Những bức ảnh do nhà báo Jake Simkin chụp được tại thị trấn chiến lược Kobane của Syria vào cuối tháng 11 đã cho thấy cái nhìn sâu sắc về sự tàn phá của các cuộc tấn công của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhằm vào thị trấn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN