Phụ nữ tìm cách 'tiếm ngôi' nam giới trên tiền giấy

Chân dung của Tổng thống Mỹ thứ 7 Andrew Jackson ngự trị trên tờ 20 USD của Mỹ kể từ năm 1928. Đối với những nhà tổ chức chiến dịch “Women on $20s” (tạm dịch: Phụ nữ trên đồng 20 USD), khoảng thời gian này là quá dài. “Women on $20s” tuyên bố: “Một phụ nữ phải có vị trí này trên tờ 20 USD”.

Và chiến dịch không chỉ tuyên bố suông. Các nhà tổ chức đã có một danh sách gồm 15 phụ nữ - 15 ứng cử viên mà họ cho là xứng đáng hiện diện trên tờ 20 USD. Chiến dịch quyết định chọn đồng 20 USD một phần vì chân dung hiện nay là vị tổng thống thứ 7 còn gây nhiều tranh cãi.

Tờ 20 USD mới của Mỹ sẽ trông như thế này nếu “Women on $20s” thành công.


Nhiều người Mỹ không thích việc ông Jackson ký thông qua Đạo luật trục xuất người da đỏ năm 1830, theo đó buộc một số bộ tộc người Mỹ bản địa từ bỏ đất đai cho nông dân da trắng để chuyển tới Oklahoma và do đó không nên có mặt trên đồng tiền của Mỹ.

Ngoài ra, theo ông Susan Ades Stone, giám đốc điều hành “Women on $20s”, bản thân Tổng thống Jackson cũng ghét tiền giấy mà thích dùng vàng và bạc hơn. Ông Stone hài hước: “Chắc tổng thống sẽ không hài lòng nếu biết rằng hàng ngày các máy ATM đều nhả ra các tờ tiền có in hình ông trên đó”.

+ Đan Mạch có 6 mệnh giá tiền giấy, một nửa trong số đó có in chân dung những người phụ nữ nổi tiếng ở Đan Mạch.

+ Nữ hoàng Anh xuất hiện trên các mệnh giá tiền nhiều hơn bất kỳ người nào. Bà được khắc họa trên tiền tệ của Australia, Canada, New Zealand và Anh.



Một lý do nữa để “Women on $20s” chọn tờ 20 USD vì năm 2020 là kỷ niệm 100 năm Điều sửa đổi thứ 19 cho phép phụ nữ có quyền bầu cử.

Với tất cả những lý do đó, chiến dịch “Women on $20s” có mục đích “nâng cao vai trò của phụ nữ trong một lĩnh vực mà nam giới chiếm lĩnh”. Tiền Mỹ đề cao thành tựu của các cựu tổng thống và người lập quốc. Danh sách người được in lên tiền Mỹ có rất ít phụ nữ. Hiện nay, người phụ nữ duy nhất xuất hiện trên loại tiền tệ được lưu hành ở Mỹ là bà Sacagawea - một phụ nữ da đỏ bản địa, người được in chân dung trên mặt đồng xu USD.

“Women on $20s” đề nghị người dân chọn ra một người trong số 15 ứng cử viên nói trên để thay thế Tổng thống Jackson trong một cuộc khảo sát được coi như là đơn kiến nghị gửi Nhà Trắng. Chiến dịch hi vọng thu thập đủ 100.000 chữ ký để có thể gửi đơn kiến nghị này tới Nhà Trắng, đề nghị tổng thống đề xuất thay đổi với Bộ Tài chính.

Ông Stone nói: “Mục tiêu của chiến dịch còn là nâng cao nhận thức và đảm bảo người dân biết nhiều hơn về những đại diện phụ nữ tiêu biểu này”. Theo ông Stone, chiến dịch sẽ được thực hiện đến hết tháng 3 - Tháng Lịch sử của Phụ nữ. Danh sách mà “Women on $20s” đưa ra dựa trên hai tiêu chí chính: ảnh hưởng của người phụ nữ đó với xã hội và những khó khăn họ gặp phải khi thực hiện điều đó. 15 người đó góp phần kể nên một câu chuyện vĩ đại về phụ nữ Mỹ.

Có thể điểm qua một số tấm gương điển hình: bà Clara Barton, người sáng lập Hội chữ thập đỏ Mỹ; bà Margaret Stanger, người mở bệnh viện kế hoạch hóa gia đình đầu tiên ở Mỹ; bà Rosa Parks, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng; bà Barbara Jordan, nữ chính trị gia da màu đầu tiên ở miền nam được bầu vào Hạ viện; bà Frances Perkins, Bộ trưởng Lao động - người phụ nữ đầu tiên có mặt trong nội các Mỹ...

Tổng thống Barack Obama nhìn chung ủng hộ ý tưởng đưa chân dung phụ nữ lên tiền tệ. Trong một bài phát biểu hồi tháng 7 ở thành phố Kansas, ông Obama từng kể: “Tuần trước, một bé gái viết thư cho tôi hỏi tại sao không có phụ nữ nào trên tiền của chúng ta. Và sau đó cô bé liệt kê một danh sách dài những phụ nữ có thể in hình lên đồng USD... Tôi cho đây là một ý tưởng khá hay”.

Không chỉ ở Mỹ, người Anh trước đây cũng từng có một đơn kiến nghị tương tự năm 2013 khi đề xuất đưa hình ảnh nữ văn sĩ Jane Austen lên tờ 10 bảng Anh và họ đã thành công. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết bà Jane Austen sẽ xuất hiện trên tờ 10 bảng Anh mới, thay thế cho nhà bác học Charles Darwin. Khi điều này được thực hiện, có thể là vào năm 2017, tiền tệ Anh sẽ chính thức chấm dứt thời kỳ không có phụ nữ xuất hiện, ngoại trừ Nữ hoàng Anh.


Thùy Dương



Phụ nữ “lên ngôi” tại các tập đoàn quốc phòng Mỹ
Phụ nữ “lên ngôi” tại các tập đoàn quốc phòng Mỹ

Trong bối cảnh nữ giới vẫn gặp nhiều khó khăn để có chỗ đứng ở nơi làm việc thì trong lĩnh vực chế tạo thiết bị quốc phòng - người đứng đầu những công ty lớn mạnh nhất nước Mỹ lại là phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN