Phụ nữ Nhật khởi nghiệp sau thảm họa

Hơn 3 năm đã trôi qua kể từ ngày thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản. Không thoái lui trước những khó khăn về kinh tế mà từng bước khởi nghiệp kinh doanh, phụ nữ Nhật Bản đang khiến cả thế giới phải nể phục về sự kiên cường và nỗ lực không ngừng.

Michiyo Kasuga và con trai tại hiệu bánh mới khai trương của cô.


Tháng 3/2011, có tới 3/4 nhà cửa ở thành phố Ishinomaki, thuộc tỉnh Miyagi, Đông Bắc Nhật Bản, bị phá hủy và thiệt hại nặng nề sau những cơn sóng thần khổng lồ. Khoảng 3.600 người dân Ishinomaki mất tích và thiệt mạng. Dân số của thành phố chỉ còn khoảng 163.000 người sau thảm họa.

Để giúp đỡ người dân địa phương, nhiều cơ sở, công ty trong cũng như ngoài nước Nhật đã có những hoạt động hỗ trợ các khu vực bị thiên tai tàn phá.

Bà Setsuda, một người nội trợ 50 tuổi, chưa từng biết đến kinh doanh cho đến khi thành phố Ishinomaki, nơi bà sinh sống bị phá hủy sau thảm họa thiên tai, đã đăng ký tham gia hội nghị phát triển nguồn nhân lực do một công ty mỹ phẩm tổ chức. Sau khi tham gia, những ý tưởng kinh doanh thực sự đã thúc đẩy người phụ nữ này hành động. Giờ đây, bà Setsuda đã trở thành một phụ nữ năng động, bận rộn và hào hứng với việc chuẩn bị khai trương hiệu bánh của mình.

Setsuda cho biết ban đầu bà khá lưỡng lự khi phải mạo hiểm khởi nghiệp, và đã từng nghĩ làm việc bán thời gian có lẽ là cách tốt hơn để giải quyết các chi phí trong gia đình. Tuy nhiên, sau khi được học về kỹ năng kinh doanh và các phương pháp quảng cáo, bà đã quyết định mở một hiệu bánh cùng một trường dạy nấu ăn mang tên “Chez Setta”.

“Gia đình tôi may mắn được an toàn, nhưng tất cả mọi người (ở Ishinomaki) đều đã mất người thân cũng như tài sản. Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về chính chúng tôi, những người may mắn còn sống sót sau thảm họa. Chúng tôi cần phải sống trọn vẹn mỗi ngày”, bà Setsuda, người vẫn sống trong ngôi nhà tạm bởi ngôi nhà trước đây đã bị cơn sóng thần cuốn trôi, tâm sự.

Chủ tịch một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, bà Yoshie Kaneko, cho biết: “Phụ nữ ở Ishinomaki có xu hướng kết hôn sớm và nhiều người muốn tìm việc làm để hỗ trợ gánh nặng tài chính cho gia đình. Nhưng thực tế rất khó để tìm một công việc tốt khi còn nuôi con nhỏ. Cơ hội để học và kết nối là thực sự hữu ích với phụ nữ nơi đây”.

Shiho Abe, một thợ làm tóc 22 tuổi và là mẹ của một bé gái 2 tuổi, cho biết không giống các thành phố lớn Sendai hay Tokyo, Ishinomaki không có nhiều cửa hàng chăm sóc móng, trang điểm cũng như rất ít lớp học dạy về các dịch vụ này.

Vì vậy, sau khi có cơ hội học về các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp do một công ty mỹ phẩm tổ chức, Shiho Abe đã đặt mục tiêu mở một cơ sở làm đẹp cung cấp dịch vụ toàn diện gồm làm tóc, chăm sóc móng, nối mi một ngày không xa trong tương lai.

Michiyo Kasuga, 40 tuổi, người từng mất hết nhà cửa sau thảm họa sóng thần, cũng rất háo hức muốn tận dụng cơ hội học tập để hoàn thiện bản thân. Cô đã tham gia lớp học về kinh doanh khi đang mang thai đứa con thứ ba. Sau khi sinh con, hồi tháng 3 vừa qua, cô đã dùng tiền tiết kiệm và tiền trợ cấp mua tầng 1 của một căn nhà để mở hiệu bánh “Ran Ran Ficicant”. Cửa hàng bánh mì vòng làm từ bột đậu “okara” vùng Ishinomaki của Kasuga thu về lợi nhuận 200.000-250.000 yen/tháng.

Ngoài ra, Kasuga còn mở một quán cà phê ngay sát đó với mong muốn tạo một không gian trò chuyện, thư giãn cho các bà mẹ trong thành phố. Cô cũng thuê hai người giúp đỡ mình tại quán cà phê và cho phép họ mang con nhỏ đi làm.

“Sau thảm họa động đất, mối quan hệ giữa những bà mẹ ở đây rất tốt, họ là những người giúp đỡ tôi nhiều về mặt tinh thần. Ước mơ của tôi giờ đây chỉ là duy trì hiệu bánh và quán cà phê, nơi mà các bà mẹ có thể mang theo con nhỏ đến làm việc và chia sẻ buồn vui”, Kasuga tâm sự.


Hạnh Nhân (Theo Kyodo)
Phụ nữ Nhật đông lạnh trứng, trì hoãn sinh nở
Phụ nữ Nhật đông lạnh trứng, trì hoãn sinh nở

Cùng với việc từ tháng 11 năm ngoái tổ chức Y học sinh sản cho xã hội Nhật Bản (JSRM) cho phép phụ nữ chưa kết hôn tiến hành bảo quản đông lạnh tế bào trứng, ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản hứng thú tham gia loại hình “bảo hiểm mang bầu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN