Nước Nga miễn cưỡng giải bài toán tiết kiệm năng lượng

Quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới vẫn đang chứng kiến tình trạng những nguồn năng lượng dồi dào của mình... tan biến trong không khí một cách vô lý. Theo một số thống kê, toàn bộ năng lượng lãng phí của nước Nga trong năm 2008 đủ để nước Anh dùng trong... một năm.

Biểu tình kêu gọi cải cách ngành năng lượng. Ảnh: Internet

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng đặt mục tiêu giảm 40% tỷ lệ lãng phí năng lượng vào năm 2020. Ông cho rằng các công ty Nga sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn các đối thủ nước ngoài từ 10 đến 20 lần. Các chuyên gia cho rằng ở nước Nga chẳng có nhiều thay đổi kể từ thời Liên Xô, khi việc mở toang hoác cửa sổ vẫn là thói quen điển hình để làm mát những khu chung cư lắp ghép được sưởi ấm quá mức. Cho tới tận ngày nay, khoảng 1/5 số ấm đun nước của người Nga có nguồn gốc từ thời nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin bay vào vũ trụ năm 1961, hoặc trước nữa.

“Chúng tôi sử dụng năng lượng kém hiệu quả khoảng 2,5 lần so với bất kỳ một quốc gia hiện đại tương đối nào ở châu Âu”, đó là thú nhận của ông Vasily Belov – người đứng đầu nhóm nghiên cứu hiệu quả năng lượng thuộc Quỹ khoa học Skolkovo do chính phủ Nga tài trợ.

Chung cư lắp ghép và những tòa nhà khác thường “ngốn” phần năng lượng lớn nhất của Nga, khoảng 35%. Tiếp theo là ngành công nghiệp nói chung, với 29% và khu vực vận tải là 21%. Denis Platonov, một công dân Mátxcơva 31 tuổi, đang ở cùng vợ con trong một khu chung cư như vậy. Anh luôn phải lo lắng mỗi khi theo dõi đồng hồ đo điện. Thậm chí từ trước khi hơi nóng và nguồn điện đến được căn hộ của Platonov, ước tính khoảng 30% nhiệt và 11% điện năng đã thất thoát rất lãng phí trong quá trình truyền tải. Những hệ thống tiện ích tiết kiệm năng lượng, kết hợp cả nguồn nhiệt và điện năng, giờ đã xuất hiện trong các căn hộ tại Nga, nhưng lại bị vô hiệu quá vì 200.000 km đường ống cấp nhiệt già nua và các thiết bị cũ nát.

Valery Sajenkov là Phó Chủ tịch Schneider Electric Russia, một công ty Pháp đã nắm bắt được thực tế nhu cầu về thiết bị tiết kiệm năng lượng tại Nga đang tăng cao. Ông nhận định: “Điều khó nhất là thay đổi nhận thức của công chúng. Cần phải có những biện pháp mạnh mẽ tại các trường phổ thông, đại học và môi trường giáo dục nói chung để định hướng cho người dân hiểu lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng”. Maxim Titov, nhân viên một công ty thuộc Ngân hàng Thế giới, thú nhận: “Trong suốt thời kỳ Liên Xô cũ, chúng ta luôn bị ám ảnh về nhu cầu phải mua một cái tủ lạnh mới, hay máy giặt mới. Nếu bạn nói chuyện với một anh chàng nào đó ở Siberia, anh ấy sẽ tâm sự rằng suốt 20 năm qua, anh ta chỉ mơ ước có ngày nào đó mua được một chiếc ô tô mới, chứ không phải là một cái xe đạp”.

Theo một số tính toán, chi phí để nâng cấp các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của Nga vào khoảng 320 tỉ USD trong vòng 4 năm. Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng tại Mátxcơva, Igor Bashmakov nhận định rằng điều cốt yếu là nước Nga phải tránh rơi vào tình trạng kinh tế đình trệ vào giữa thế kỷ này, khi các nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch sụt giảm. Ông Bashmakov dự đoán sản lượng dầu mỏ Nga sẽ bắt đầu giảm trước năm 2020, và khí đốt là sau năm 2040. Và ông kết luận rằng tiết kiệm năng lượng sẽ là yếu tố thực tế để kinh tế Nga vượt qua giai đoạn trì trệ đó. Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng chính việc dư thừa các nguồn tài nguyên là lý do khiến người Nga chẳng bao giờ lo lắng, nhưng cho rằng tâm lý này giờ đã có dấu hiệu thay đổi.

Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN