Nước Anh đau đầu vì nạn trộm tượng

Một ngày dạo bước ở thủ đô Luân Đôn, nếu bạn có nhìn thấy đâu đó tại các công viên, quảng trường, nhiều bức tượng vừa đứng đó hôm qua nay chỉ còn trơ lại bệ tượng thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên. Bởi giờ đây, Luân Đôn đầy rẫy các nhóm trộm chuyên nhằm vào các tác phẩm nghệ thuật như vậy để lấy kim loại về bán đồng nát trong khi giá các kim loại đang ngày một tăng cao.

Tác phẩm Two Forms khi còn nguyên vẹn.


Bọn chúng nhằm vào các bức tượng, điêu khắc, thậm chí cả bia tưởng niệm chiến tranh. Chúng sẽ nhấc tượng ra khỏi bệ, nấu chảy tượng rồi mang kim loại đó đi bán. Trước khi nhòm ngó các tác phẩm nghệ thuật, bọn trộm kim loại từng có thời chuyên ăn cắp các loại ống và dây cáp.

Bức tượng đồng to lớn của nhà điêu khắc người Anh nổi tiếng Barbara Hepworth mang tên “Two Forms” từng ngự một cách tự hào trong công viên Dulwich ở Southwark, phía đông nam Luân Đôn. Nó bỗng biến mất sau một đêm tháng 12/2011. Nếu nó bị nung chảy, bức tượng hẳn đã mang về cho bọn trộm vài ngàn bảng là ít nhất. Nhưng con số này cũng chả thấm vào đâu so với giá trị thật của bức tượng là 500.000 bảng.

Nhà điêu khắc Angela Conner, người từng là trợ lý của Hepworth tỏ ra bức xúc khi một tác phẩm nghệ thuật đẹp và giá trị như vậy lại bị bán với giá đồng nát.

Một trong những nguyên nhân khiến bọn trộm tượng hoành hành ngày càng nhiều là giá kim loại tăng vọt trong những năm gần đây. Giá đồng ngất ngưởng ở mức cao kỷ lục 10.000 USD/tấn hồi tháng 2/2011, trong khi giá quặng sắt tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2009 - 2011.

Điều đó khiến cho bọn trộm nổi lòng tham và nạn trộm cắp mọi thứ có thể để lấy kim loại đang trở thành một đại dịch. Từ cáp đường sắt, nắp hố ga, ván trượt của trẻ con, bia tưởng niệm, ống chì, cổng vườn đến nhà chờ xe buýt đều lọt vào tầm ngắm của bọn trộm. Và danh sách mục tiêu đang kéo dài thêm nữa.

Bức tượng Two Forms chỉ còn trơ bệ.

Chánh thanh tra cảnh sát David Chinchen, người đang chỉ huy một đội đặc nhiệm để ngăn chặn loại tội phạm này, cho biết: “Trộm kim loại đang trở thành một vấn đề đối với Luân Đôn và thực tế là cả nước Anh”.

Chính phủ Anh cũng đã chuẩn bị xem xét các bộ luật liên quan đến vấn đề bán kim loại theo kiểu đồng nát nhằm xử lý những loại hình buôn bán bất hợp pháp và tăng cường hình phạt đối với bọn trộm kim loại.

Mỗi năm, ngành thu mua kim loại phế thải ở Anh trị giá 5 tỷ bảng, trong đó 1,5 tỷ bảng được giao dịch bằng tiền mặt. Nạn trộm cắp kim loại làm kinh tế Anh mất khoảng 700 triệu bảng mỗi năm.

Cuộc chiến chống trộm cắp kim loại ngày càng trở nên cấp thiết khi bọn trộm gây ra vô số hậu quả như khiến các tàu hỏa bị chậm chuyến, cắt đứt mạng lưới viễn thông, phá hủy lăng tẩm, nhà thờ...

Tháng 10/2011, cảnh sát Anh đã thành lập một đội đặc nhiệm xử lý nạn trộm kim loại ở Bexley, đông nam Luân Đôn. Đây là khu vực có nhiều điểm thu mua kim loại phế thải. Cảnh sát cũng đang phối hợp với các chuyên gia giao thông và viễn thông để giải quyết nạn trộm kim loại. Họ tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông và thường xuyên lui tới các điểm thu mua kim loại. 60 tên trộm đã bị bắt kể từ khi đội đặc nhiệm này ra đời.

Trộm kim loại mang lại nhiều tiền nhưng nguy hiểm. Trung bình, cứ mỗi tháng lại có 2 người chết do tìm cách ăn cắp cáp điện cao thế chạy dọc các tuyến đường sắt.
Công ty đường sắt Network Rail, đơn vị điều hành cơ sở vật chất đường sắt ở Anh, cho biết, nạn trộm kim loại đã khiến các chuyến tàu bị chậm tổng cộng 16.000 giờ trong 3 năm qua. Ngành viễn thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sửa chữa các tuyến cáp quang có thể phải mất tới vài ngày. Cảnh sát giao thông Anh đã coi nạn trộm kim loại nguy hiểm chỉ sau chủ nghĩa khủng bố.

Do để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy nên cảnh sát Anh đặt mục tiêu phải hành động đủ nhanh để ngăn bọn trộm trước khi chúng nung chảy kim loại. Đối với các tác phẩm nghệ thuật, một khi đã bị nung chảy, nó sẽ mất đi vĩnh viễn và không thể thay thế được.

Tất nhiên, cũng có những bức tượng mà không bọn trộm nào dám nhòm ngó tới, ví dụ như một bức tượng ở Dublin cao tới 39 mét. Đó không phải là loại mà bọn trộm có thể lấy rồi bỏ gọn trong thùng xe.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN