Nhật khuyến khích trẻ em làm “nhà khoa học”

Không giống với các bạn đồng trang lứa, thay vì đi học tiếng Anh, học đàn piano hoặc chơi thể thao, cậu học sinh người Nhật Bản Mio Kawamura dành khoảng thời gian sau giờ học ở trường để tham gia một nhóm nghiên cứu về sự bí ẩn của vũ trụ.

 

Các em nhỏ quan sát các phần nội tạng của gà.

“Khoa học thật thú vị. Tại lớp học này, cháu có thể gặp các bạn có cùng sở thích và được thầy cô giải đáp mọi thắc mắc”, cậu bé 8 tuổi muốn trở thành nhà thiên văn hào hứng nói. Lớp học mà Mio nhắc đến là một trong số các chương trình bồi dưỡng khoa học đang phát triển rộng rãi tại Nhật Bản - do tổ chức tư nhân Science Club (câu lạc bộ khoa học) đào tạo - với hơn 10.000 học viên ở khắp các tỉnh thành Tokyo, Kanagawa, Chiba...

 

Khởi đầu vào năm 1992, Science Club chỉ thu hút chừng 20 - 30 học sinh. Đến năm 2006, con số này tăng lên 5.000 và tới nay là hơn 10.000. Điều này cho thấy nhu cầu tìm hiểu về khoa học công nghệ của trẻ em Nhật Bản đang tăng lên rõ rệt.


Trong một buổi học đầu năm, nhóm học viên lớp 5 chăm chú quan sát thầy giáo giải phẫu các bộ phận của một con gà trong khi nhóm học viên lớp 2 được hướng dẫn cách làm cho một chiếc khinh khí cầu nhỏ bay lên. Tại đây, việc thực hành của học sinh được đặt lên hàng đầu. Các em được khuyến khích trao đổi, sáng tạo hết khả năng, đem lại bầu không khí sôi nổi khác với những lớp học chính thống, nơi học sinh phải cắm cúi chép vào vở những kiến thức thầy cô viết trên bảng. Chính đặc điểm này đã giúp Science Club phát triển nhanh và mạnh đến vậy.

Tự tay làm khinh khí cầu.


“Chúng tôi muốn các em cảm thấy niềm vui học tập thực sự nên không chấm điểm bất cứ hoạt động nào. Bọn trẻ sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để ứng phó nhạy bén hơn với thử thách ngoài cuộc sống”, Phó Giám đốc Science Club, Masashi Hironaga, khẳng định.


Không chỉ có Mio, những lớp bồi dưỡng khoa học như thế này đã “chắp cánh” niềm đam mê khám phá cho rất nhiều thiếu nhi Nhật Bản. Năm 2012, một học viên 8 tuổi tại Science Club đã đạt giải thưởng khoa học lớn nhất cho học sinh tiểu học với công trình nghiên cứu dài 48 trang về một chiếc răng cá mập.

Chỉ với cái răng nhỏ được bố mẹ mua tặng sau chuyến tham quan công viên nước, Sora Kawashima đã dày công phỏng vấn các nhân viên chăm sóc cá mập tại công viên và viết thư trao đổi thắc mắc với chuyên gia Kazuhiro Nakaya tại đại học Hokkaido. Sau nhiều ngày phân tích, cậu bé kết luận chiếc răng đó là của một con cá mập bò, chứ không phải loài nào khác trong số 500 loại cá mập dưới đại dương. “Sora đã lập luận rất tốt, độ chính xác lên đến 90%. Chỉ với một cái răng, người nghiên cứu sâu như tôi cũng khó có thể đưa ra kết luận như vậy”, chuyên gia Kazuhiro khen ngợi.


Mặt khác, thành công của tổ chức Science Club cũng khiến các nhà làm công tác đào tạo tại đất nước “Mặt trời mọc” phải băn khoăn bởi trong nhiều năm nay nền giáo dục ở đây vẫn luôn đặt nặng vào ba môn học chính là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, kém chú trọng tới khoa học, nghệ thuật. Theo ông Yoshiro Katayama, cựu bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trẻ em nên được tìm hiểu về khoa học từ khi còn nhỏ và các trường học cần cải cách chương trình giảng dạy để phù hợp với học sinh.


Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN