Theo tờ Hindustan Times, anh Mitcho Thompson được cho là dương tính với virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 6. Chỉ vài ngày sau đó, anh phát hiện có những vết mụn đỏ mọc trên khắp lưng, cánh tay, cánh chân và cổ. Anh được các bác sĩ chẩn đoán mắc thêm bệnh đậu mùa khỉ.
“Các bác sĩ rất chắc chắn khi khẳng định tôi mắc đậu mùa khỉ và tôi mắc hai bệnh cùng lúc”, Thompson trả lời kênh truyền hình NBC. Hai loại virus tấn công cùng một lúc khiến nam bệnh nhân cảm thấy như thể mình đang bị cúm rất nặng. Thompson cũng có các triệu chứng như sốt, khó thở, lạnh run người, đau cơ và các vết mưng mủ trên da.
Theo bác sĩ Dean Winslow - giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Stanford, mặc dù rất hiếm song không phải không có trường hợp một người nhiễm cả hai loại virus cùng một lúc.
“Rõ ràng điều đó có thể xảy ra. Chỉ là cực kỳ không may mới mắc cả 2 bệnh. Đó là hai loại virus hoàn toàn khác biệt”, bác sĩ Dean cho hay.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố mức báo động cao nhất đối với đợt bùng phát đậu mùa khỉ lần này. Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ. Ông Ghebreyesus cũng nhận định mối đe dọa của bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao.
Tại Mỹ, các chuyên gia y tế dự báo số ca mắc đậu mùa khỉ sẽ tăng trong một vài tuần tới. Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia ghi nhận trên 2.400 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 2 trường hợp mắc ở trẻ em.
Virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần và gây ra các triệu chứng giống cúm cùng các vết mụn bọc trên da. Các quan chức WHO cho hay họ đang điều tra khả năng xem liệu loại virus này có lây lan qua phương thức mới hay không.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang vật lộn với xu hướng gia tăng các ca mắc COVID-19 được cho là do chủng BA.5 gây ra. Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đã ghi nhận hơn 170.000 ca mắc mơi vào ngày 19/7, tăng từ khoảng 27.000 ca trước đó trong ngày 1/4. Tỷ lệ ca nhập viện cũng đã tăng kể từ tháng 4, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trước đó.
Các chuyên gia chỉ ra BA.5 đặc biệt có khả năng né tránh tốt các biện pháp phòng ngừa hay hệ miễn dịch, vì vậy ngay cả một số người mắc COVID-19 chỉ vài tuần trước đó với một biến chủng khác cũng có thể tái nhiễm.