“Ngói ăn khói” góp phần chống ô nhiễm không khí

Mái nhà có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn bằng cách giảm chất gây ô nhiễm độc hại có trong không khí ở thành thị? Nếu hỏi ông John Renowden, Phó chủ tịch công nghệ công ty Boral Roofing ở gần Los Angeles (Mỹ), câu trả lời của ông sẽ là có thể. Boral Roofing vừa giới thiệu một loại ngói mới có khả năng hấp thu chất ô nhiễm mang tên “ngói ăn khói”.

 

"Ngói ăn khói" của công ty Boral Roofing. Ảnh: Internet

 

Theo Boral Roofing, loại ngói độc đáo này giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách trung hòa ôxít nitơ có trong khói xe. “Ngói ăn khói” được bọc một lớp titan điôxít – lớp quang xúc tác có thể ôxy hóa các chất ô nhiễm có hại trong không khí do quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra. Khi phơi dưới ánh sáng tự nhiên, lớp titan điôxít này phá hủy cấu trúc ôxít nitơ trong không khí và biến chúng thành canxi nitrát vô hại. Ông Renoeden nói: “Canxi nitrat trôi khỏi mái nhà nhờ nước mưa và được coi là phân bón thông thường trong vườn”.

 

So với ngói thông thường, lợp một mái nhà bằng loại ngói này thường đắt hơn từ 600 đến 1.000 USD. Bù lại, trong vòng 1 năm, mái ngói của ngôi nhà rộng khoảng 600 mét vuông có thể ôxy hóa một lượng ôxít nitơ tương đương với lượng khí mà một ô tô con thải ra khi đi 16.000 km.

 

Boral Roofing được coi là công ty xây dựng đầu tiên ở Mỹ sản xuất sản phẩm lợp mái nhà có tráng lớp titan điôxít. Công nghệ này bắt nguồn từ Nhật Bản và đã được một số công ty ở châu Âu sử dụng. Trong vài năm qua, nó đã được sử dụng trong sản xuất một số loại sản phẩm như xi măng thân thiện với môi trường, ván, sơn.

 

Đặc tính khử chất gây ô nhiễm của titan điôxít đã được thử nghiệm trong một dự án năm 2005 do Ủy ban châu Âu hỗ trợ. Theo Kế hoạch hành động công nghệ môi trường của Ủy ban châu Âu, các thử nghiệm ở khu vực đô thị cho thấy, một số chất gây ô nhiễm như ôxít nitơ – thành phần chính trong khí thải – có thể giảm từ 20 đến 70%.

 

Loại “ngói ăn khói” trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề đô thị lớn nhất hiện nay. Nó là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân đô thị. Theo bà Maria Neira, Giám đốc y tế và môi trường thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí cả ở trong nhà và ngoài trời có thể khiến hơn 2 triệu người trên thế giới tử vong hàng năm. Hít phải chất ô nhiễm trong không khí ở đô thị có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư cũng như hen suyễn.

 

Theo ông Renowden, cần có nhiều giải pháp bền vững hơn nữa để chống lại tình trạng ô nhiễm không khí ở đô thị. Ông nói: “Chúng ta phải tiến tới không phụ thuộc vào dầu nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra”.

 

Theo bà Janice Nolen, cố vấn chính sách quốc gia thuộc Hiệp hội phổi Mỹ, nên tập trung giải quyết vấn đề tận gốc thay vì chỉ đối phó với những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường. Bà nói: “Cách tốt nhất là chặn chất gây ô nhiễm từ nguồn chứ không phải là dọn dẹp nó sau khi nó đã vào không khí”.

 

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN