Màu sắc Vu lan ở Mêhicô

Cứ vào dịp cuối tháng 10 hàng năm, hầu như tất cả các nghĩa trang tại Mêhicô đều được trang hoàng lộng lẫy bằng hoa, quả, hình nộm bộ xương người, đầu lâu và cờ đủ mọi màu sắc và kích thước.

 

Bàn thờ lớn dựng tại trụ sở chính quyền bang Hidalgo nhân "Ngày dành cho người quá cố".

 

Người dân nơi đây còn tận dụng những không gian đẹp tại bến tàu điện ngầm, bến xe liên tỉnh và ngay cả trên đại lộ chính trong thành phố để lập bàn thờ tưởng nhớ tới những người đã khuất nhân dịp "Ngày dành cho người quá cố" (ngày 2 tháng 11 dương lịch hàng năm), một nét văn hóa độc đáo và nhân văn tại quốc gia bắc Trung Mỹ có tới hơn 90% dân số theo Công giáo này. Dạo quanh thành phố, tôi có cảm giác như được sống lại không khí của ngày lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch) tại Việt Nam.


Trên thực tế, lễ hội dành cho người đã mất tại Mêhicô là một thứ tín ngưỡng bản địa, nhưng vì đa số người dân Mêhicô theo Công giáo, ngày lễ này lại ngẫu nhiên trùng với lễ hội ngày dành cho "Người đã mất chung thủy" và "Ngày dành cho tất cả thánh thần" trong truyền thống Công giáo phương Tây, nhiều người đã lầm tưởng nét đẹp văn hóa của Mêhicô có nguồn gốc phương Tây. Thậm chí, có du khách lại cho đây là một bản sao của lễ hội Halloween tại Mỹ, nước láng giềng phương Bắc của Mêhicô.


 

Một gia đình Mêhicô ra nghĩa trang để trang trí ngôi mộ người thân nhân "Ngày dành cho người quá cố".

 

"Ngày dành cho người quá cố" của Mêhicô đã xuất hiện từ trước khi thực dân Tây Ban Nha đến đặt chân lên châu Mỹ. Sử sách ghi lại rằng lễ hội này đã được các bộ tộc Mexica, Maya, Puré Pecha và Totonaca tiến hành khoảng 3.000 năm trước, khi đó người dân các bộ tộc này coi việc sưu tập và bảo tồn xương hộp sọ như một chiến tích và trưng bày một cách tự hào trong các lễ hội khác liên quan đến cái chết và sự hồi sinh trong cuộc sống thường nhật.


“Ngày dành cho người quá cố” xưa kia rơi vào tháng thứ chín theo lịch mặt trời của người Mexica và lễ hội này kéo dài 1 tháng liên tục. Các hoạt động vui chơi trong phần hội và mọi thủ tục liên quan đến phần lễ đều xoay quanh Nữ thần chết (Dama de la Muerte) mà theo quan niệm của người Mêhicô cổ, đó là vợ của Mictlantecuhtli, Thần vương quốc của những người đã chết.


Thông thường, vào tối ngày 1/11, mọi gia đình đem lễ vật ra mộ người thân, sửa sang, quét dọn, trang trí và bày các món ăn ngon nhất, đồng thời thắp nến và qua đêm ngay tại nghĩa trang để “tâm sự” với người đã khuất. Trong tiềm thức của người Mêhicô trước đây, đó là thời điểm hội ngộ giữa người đã chết và người đang sống, hay đúng hơn là linh hồn của người đã mất trở lại gặp những người thân của mình.


Phong tục này vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay nhưng cũng có sự thay đổi. Ví dụ như một số món ăn trước bây giờ đã được thay bằng thức ăn giấy, và cũng không bắt buộc qua đêm tại nghĩa trang như trước nữa. Ngoài ra, lễ hội này cũng thu nạp nhiều nét của các nền văn hóa khác, như việc sử dụng mặt nạ của lễ hội Halloween, hay kết hợp ngày lễ hội trong đạo Công giáo với “Ngày dành cho người quá cố” làm một và thống nhất đón lễ hội này vào đầu tháng 11 dương lịch như hiện nay.


Ngoài khác biệt về hình thức tiến hành, “Ngày dành cho người quá cố” tại Mêhicô và một số quốc gia Trung Mỹ còn mang ý nghĩa khác so với đạo Công giáo. Người Mêhicô trước đó không quan niệm rằng thiên đường và địa ngục là để ban tặng hay trừng phạt những linh hồn người chết, tùy thuộc vào đánh giá khi còn sống họ được coi là người tốt hay kẻ xấu, mà họ phân chia vương quốc cho linh hồn tùy theo cách chết trên cơ sở cho rằng sau cái chết thể xác, con người đó vẫn sống trong một vương quốc khác. Theo quan niệm này, người chết vì những nguyên nhân liên quan đến nước, thì linh hồn họ sẽ về với Vương quốc Thần nước (Tláloc), nếu chết do chiến tranh, thì linh hồn được quy tụ về Vương quốc Huitzilopochtli, còn đối với những cái chết theo lẽ tự nhiên, thì linh hồn sẽ đến với Vương quốc El Mictlán...


Đến thăm nhà anh bạn Carlos Martinez, một lái xe và là một người rất có cảm tình với Việt Nam, tại bang Mêhicô. Chủ nhà cho tôi biết thủ tục, nghi lễ trong “Ngày dành cho người quá cố” bây giờ tùy thuộc vào từng nơi và từng gia đình. Riêng đối với gia đình anh, việc lập ban thờ, mua sắm hoa quả, đồ lễ, mà bây giờ có cả hàng thờ nhập từ Trung Quốc, là không thể thiếu. Còn chuyện đồ ăn thì tùy, nhưng không phải mang ra nghĩa trang như trước đây. Theo anh, điều quan trọng là trong ngày đó, cả nhà nghĩ đến người thân đã nằm xuống, nghĩ về những điều tốt, cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình mình, mong công việc ổn định cho những người còn sống và nụ cười luôn nở trên môi.


Nghe Carlos nói mà tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã công nhận lễ hội "Ngày dành cho người quá cố" của Mêhicô là Di sản văn hóa phi vật thể và lại nhớ về Việt Nam ta, thấy có nhiều điểm tương đồng trong đời sống tâm linh của nhân dân hai nước. Mới thấy, dù theo tín ngưỡng nào, dù ở đâu, tưởng nhớ đến người đã khuất, nghĩ đến điều tốt đẹp và cầu mong may mắn và hạnh phúc là một việc làm rất con người và là một giá trị vĩnh cửu trong văn hóa cả phương Tây lẫn phương Đông.


Bài và ảnh: Việt Hòa (P/v TTXVN tại Mêhicô)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN