Malaysia thuê nóc nhà người dân để đặt pin sản xuất điện Mặt trời

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia cho biết các hộ gia đình có thể cho thuê nóc nhà để đổi lấy một nguồn thu nhập hàng tháng.

Chú thích ảnh
Malaysia đang tìm cách nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo của quốc gia lên 70% tổng sản lượng điện vào năm 2050. Ảnh minh họa: Shutterstock

Malaysia ngày 27/7 đã công bố một kế hoạch nhằm kêu gọi người dân cho thuê mái nhà để lắp đặt pin năng lượng Mặt trời, trong bối cảnh chính phủ nước này tìm cách nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo của quốc gia lên 70% tổng sản lượng điện vào năm 2050.

Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết việc thuyết phục một gia đình có bốn người mua và lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên nóc nhà với chi phí 20.000 ringgit (trên 100 triệu đồng) là điều khó khả thi vào thời điểm hiện tại. 

Do đó, họ đã thay đổi chiến thuật tiếp cận. Thay vì đề nghị các gia đình phải trả tiền lắp thiết bị đắt đỏ, họ sẽ đề nghị người dân cho thuê mái nhà để gia tăng thu nhập. 

Bộ trưởng Rafizi nói: “Tại từng nhà dân, chúng tôi dự định để các hộ gia đình lựa chọn cho thuê nóc nhà để giúp giảm hóa đơn tiền điện hoặc tăng thêm nguồn thu nhập hàng tháng”. 

Ý tưởng trả tiền thuê mái nhà để sản xuất điện Mặt trời là một trong một số biện pháp mà chính phủ dự định thực hiện theo Lộ trình Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia.

Ông Rafizi cho biết lộ trình trên được thiết kế nhằm tạo được bước đột phá và biến năng lượng sạch trở thành một lựa chọn phù hợp về mặt tài chính đối với hầu hết các hộ gia đình ngày nay.

Malaysia vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá và khí đốt tự nhiên để sản xuất năng lượng. Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, năng lượng từ các nguồn tái tạo ở Malaysia chiếm 16% tổng sản lượng điện, chủ yếu là từ các công trình thủy điện.

Công suất lắp đặt năng lượng Mặt trời chiếm 1.780 megawatt vào năm 2021.

Bộ trưởng Rafizi từ chối tiết lộ về sản lượng điện dự kiến khai thác được từ việc lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà, do điều đó còn phụ thuộc vào mức độ họ có thể thuyết phục người dân tham gia chương trình.

Hiện tại, ông Rafizi cho biết chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà dành cho các khu dân cư sẽ được triển khai thí điểm tại một thị trấn mới đang được xây dựng ở ngoại ô Kuala Lumpur. Một nhà phát triển tư nhân sẽ quản lý mọi thứ, từ hợp đồng cho thuê với chủ nhà đến lắp đặt và lưu trữ điện trong một hệ sinh thái năng lượng Mặt trời khép kín.

Dự án trên dự kiến tạo ra khoảng 4,5 megawatt điện cho 450 hộ gia đình trong thị trấn với công suất 10kilowatt mỗi nhà. 

Tầm nhìn rộng hơn của chính phủ Malaysia là lắp đặt các tấm pin Mặt trời trên phạm vi  toàn quốc, bao gồm cả mái nhà dân, nhà thờ Hồi giáo, văn phòng và nhà máy.

Chính phủ nước này cũng đang đi đầu trong việc phân bổ 80 triệu ringgit để phủ kín pin Mặt trời trên nóc của các tòa nhà chính phủ.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia cũng đã công bố một thỏa thuận giữa quỹ tài sản Khazanah Nasional và hai tổ chức tư nhân để phát triển một nhà máy điện quang điện hỗn hợp công suất 1 gigawatt.

Malaysia gần đây đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu năng lượng tái tạo, vì nước này đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực này. Động thái trên cho phép các công ty địa phương phát triển năng lực trên quy mô lớn và đáp ứng nhu cầu của khu vực.

Thủ tướng Anwar Ibrahim trước đây đã kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho thế giới đang phát triển để giúp các nước đạt được mục tiêu xanh của họ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Kỳ lạ thời quả dứa biểu tượng cho sự giàu sang, xa xỉ tột bậc ở Anh
Kỳ lạ thời quả dứa biểu tượng cho sự giàu sang, xa xỉ tột bậc ở Anh

Quả dứa từng được tôn sùng ở Anh đến mức nó xuất hiện trên nhiều công trình kiến trúc, trên Cúp quần vợt Wimbledon. Dứa chỉ được giới thượng lưu trưng bày để ngắm và nếu ai ăn nó thì không khác nào xé một chiếc túi Gucci.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN