Giới trẻ Trung Quốc:

Không dám sinh con, có phải do nghèo?

So với nhiều năm trước dây, điều kiện vật chất của người Trung Quốc hiện đã cao hơn rất nhiều, tuy nhiên việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị nới rộng khiến không ít thanh niên “chưa nghèo” lại có cảm giác “tương đối nghèo”, mất đi niềm tin vào tương lai của bản thân, thậm chí là niềm tin vào tương lai của con cái họ.

Không sinh tiếp “đời nghèo thứ ba”

“Tôi không muốn sinh con cho người chồng lương tháng 2.500 nhân dân tệ (NDT)”, “đời mình đã nghèo, sinh tiếp đời sau nghèo theo, liệu có xứng với con của mình hay không?”…. Những “khẩu hiệu” kiểu này gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trên các website ở Trung Quốc, nói lên nỗi lòng của những gia đình không muốn sinh con chỉ vì không có điều kiện kinh tế tốt. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đặt ra không ít câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của giới trẻ đối với xã hội.

Khi quan điểm “đời nghèo thứ hai” không sinh “đời nghèo thứ ba” được đưa ra, ngay lập tức đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn ở trên các trang mạng và nhanh chóng chia thành hai phe. Người ủng hộ cho rằng, nếu để đứa trẻ “kế tiếp sự nghèo khổ” thì chẳng thà không sinh còn hơn; “giáo dục con trẻ là trách nhiệm một đời người, nếu năng lực kinh tế không tương ứng thì không nên tùy tiện tạo ra trách nhiệm”; hay “Những đứa con của các gia đình nghèo chắc chắn sẽ phải vật lộn trong cả đời nghèo khó, chúng tiếp nhận sự giáo dục lạc hậu hơn nhiều so với các tầng lớp khác, số phận nghèo khó của chúng rất khó thay đổi…”. Đó chỉ là một vài trong vô vàn lý do mà một bộ phận thanh niên Trung Quốc có thu nhập không cao công khai bày tỏ suy nghĩ không muốn sinh con.

Trong lúc đó, cũng có không ít người phản đối quan điểm trên, cho rằng, làm cha mẹ không có quyền “không cho con được ra đời” bởi vì đứa trẻ là sợi dây duy trì hạnh phúc gia đình và cũng là hy vọng của xã hội.

Kết quả điều tra của phóng viên tờ Văn Hối Thượng Hải tiến hành trên một website nổi tiếng của Trung Quốc cho thấy, có đến 45% số người bỏ phiếu đồng ý, cho rằng cách nói “không sinh ra đời nghèo thứ ba” là không sai, là hành động bất đắc dĩ trước áp lực sinh tồn.

Hiện tượng “nghèo tương đối”

Giáo sư Đặng Vĩ Chí thuộc Đại học Thượng Hải, Chủ tịch Hội xã hội học thành phố Thượng Hải cho rằng, ngày nay đời sống vật chất của tuyệt đại đa số người dân đã được cải thiện rất nhiều nhưng khác với trước kia, khi trình độ thông tin hiện nay phát triển nhanh thì tâm lý xã hội cũng khá dao động và mang tính thực tế. So sánh với nhóm người giàu có ở bên cạnh, những thanh niên có điều kiện bình thường cũng rất dễ nảy sinh sự ngưỡng mộ và lòng tự ti trước áp lực lối sống của người giàu có, thậm chí có suy nghĩ “không muốn sinh ra đời nghèo thứ ba”. Cảm giác nghèo khó này, thực tế nên gọi là “nghèo tương đối”.

Phân tích cách nhìn đối với sinh đẻ của thanh niên hiện nay, Giáo sư Văn Quân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội học thuộc Đại học sư phạm Hoa Đông, cho biết, xét từ góc độ vi mô, quan niệm sống của con người đang thay đổi. Yêu cầu đối với chất lượng cuộc sống của thanh niên Trung Quốc cũng tăng lên cùng với trình độ văn hóa và kinh tế của đất nước, họ không muốn hạ thấp chất lượng cuộc sống vì đứa con. Xét từ góc độ vĩ mô, áp lực sinh tồn của xã hội quá lớn, chi phí sinh đẻ, nuôi dưỡng đứa bé quá cao thực sự làm giảm sút lòng nhiệt tình sinh con của các đôi vợ chồng trẻ. Ông Văn Quân cho rằng, kinh tế Trung Quốc trong thời gian cải cách mở cửa ngắn ngủi đã thực hiện được bước nhảy vọt to lớn nhưng sự phát triển xã hội tương ứng vẫn còn khá trì trệ, đó là một trong những nguyên nhân áp lực mà lớp thanh niên đang cảm nhận, môi trường cạnh tranh ngày nay thực sự khốc liệt hơn trước kia rất nhiều.

Ngoài ra, sự phát triển ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc cũng không cân bằng, kinh tế thành thị phát triển, tập trung tiền của vật chất, nhân tài, đặc biệt là thanh niên đều hướng về các thành phố lớn khiến gánh nặng áp lực đè lên thành phố càng nặng nề hơn, chi phí sinh hoạt cũng luôn ở mức cao. Trong khi đó, những thanh niên sống ở các thành phố hạng hai, hạng ba lại khá thoải mái với cuộc sống, rất ít người có quan điểm như trên.

Nguy cơ đào thải ngược

Không thể phủ nhận rằng, việc “đời nghèo thứ hai” từ chối sinh con đã gây ra ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Theo ông Văn Quân, điều đáng chú ý là hiện nay những thanh niên không muốn sinh con đều có trình độ học vấn không thấp. Nói một cách tương đối, thanh niên ở các vùng nông thôn hoặc khu vực xa xôi có trình độ văn hóa khá thấp lại đều hi vọng và trên thực tế sinh con khá sớm. Nếu hiện tượng này tiếp tục phát triển, có khả năng dẫn tới một kiểu “đào thải ngược” tố chất dân số Trung Quốc.

“Lý tưởng của con người” diễn biến tăng lên cùng với trình độ phát triển xã hội”. Theo Giáo sư Đặng Vĩ Chí, tiêu chuẩn đời sống xã hội càng cao, người dân càng mong muốn có nhiều thứ hơn, đây là hiện tượng bình thưòng, cũng là quyền lợi cá nhân đáng có. Tuy nhiên, khi có một số thanh niên “không muốn sinh đời nghèo thứ ba”, đây thực tế là điểm tiếp xúc với vấn đề xem xét công bằng xã hội.

Chuyên gia này cho rằng, khi đưa ra vấn đề “đời nghèo thứ hai”, “đời nghèo thứ ba” cũng cần xem xét thêm cả cách nói “đời giàu thứ hai” và “đời giàu thứ ba”. Tại sao hiện nay, khi kinh tế phát triển lại xuất hiện cách gọi như vậy? Tại sao đời nghèo thứ hai không có đủ lòng tin, cho rằng con cái mình không thể thay đổi vận mệnh? Đây mới thực sự là vấn đề xã hội cần quan tâm, nghiên cứu, bởi nó cho thấy vấn đề khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã ở mức đáng báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN