Khi xe đạp trở thành mối lo

Việc các nhà làm luật Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị dự thảo sửa đổi nhằm siết chặt hơn nữa các quy định giao thông đối với xe đạp cho thấy vấn đề an toàn giao thông liên quan tới xe đạp đang trở thành mối lo lắng hơn bao giờ hết của các nhà quản lý nước này.


 

Kể từ năm 1970, đi xe đạp dưới lòng đường là vi phạm luật giao thông ở Nhật Bản.

 

Hiện nay, Nhật Bản cùng Na Uy là hai quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép người sử dụng xe đạp đi trên vỉa hè hoặc phần đường dành cho người đi bộ. Quy định này được ban hành vào năm 1970, khi số vụ tai nạn giao thông giữa xe đạp và ô tô ở Nhật Bản tăng đột biến lên mức cao nhất trong lịch sử, với 16.765 vụ. Quốc hội Nhật Bản khi đó đã quyết định sửa luật để cho phép xe đạp không phải đi cùng làn đường với xe ô tô. Mục đích của việc sửa đổi này là nhằm giảm thiểu xung đột giao thông giữa xe đạp và các phương tiện cơ giới khác.


Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là người đi bộ ngày càng phải đối mặt nhiều hơn những nguy hiểm do xe đạp gây ra. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA), tình trạng vi phạm giao thông dẫn tới tai nạn do người sử dụng xe đạp gây ra ở nước này đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đối với người đi bộ, đối tượng được luật bảo vệ nhiều nhất khi tham gia giao thông.

 

Đi bên trái hay bên phải?


Năm 2011, NPA đã đề xuất phương án bỏ quy định xe đạp đi bên trái đường (ở Nhật Bản các phương tiện đều đi bên trái). Trong đề án sửa đổi năm 2013 lần này, NPA cho biết sẽ tiếp tục đề xuất phương án này, xem đây là một biện pháp khả thi nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.


Một trong những đề xuất khác được các nhà làm luật đưa ra là áp dụng vạch kẻ đường và biển báo quy định bắt buộc lề đi của xe đạp. Theo đề xuất này, xe đạp phải đi theo lề bên trái ở cả phần đường dành cho ô tô và người đi bộ. Chỉ ở những làn đường ưu tiên, xe đạp mới có thể đi cả ở bên trái và bên phải.


Tuy nhiên, phương án này vẫn nhận được nhiều nghi ngại của những nhà phản biện. Đa số đều cho rằng trong bối cảnh tình trạng người sử dụng xe đạp vi phạm lung tung như hiện nay, việc buộc người sử dụng phương tiện này thực hiện theo đúng nguyên tắc chỉ đi bên trái đường là vô cùng khó.


Hiệp hội nghiên cứu thúc đẩy sử dụng xe đạp của Nhật Bản cũng chia sẻ lo ngại xe đạp là loại phương tiện mang tính cơ động cao trong thay đổi hướng. Tại các nước Âu, Mỹ cũng chưa thấy có quy định nào ràng buộc hướng đi của xe đạp. Trong khi đó, Luật Giao thông Nhật Bản lại quy định người đi bộ phải có trách nhiệm chú ý xe đạp bất ngờ xuất hiện. Đối với một xã hội nhiều người già như Nhật Bản, quy định này được xem là không phù hợp và hiệp hội này kiến nghị cần khôi phục lại quy định xe đạp chỉ được di chuyển cùng làn đường với ô tô.


Thống kê của Bộ Giao thông và Lãnh thổ Nhật Bản cho thấy 64% số vụ tai nạn giao thông gây chết người liên quan tới xe đạp là xảy ra trên các tuyến đường chung có sự tham gia của cả ô tô, xe đạp và người đi bộ, trong đó đa phần do xe đạp rẽ ngang hoặc không tuân thủ trật tự giao thông. Thống kê cũng cho biết nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao khi xe đạp chạy song song ở lề đường.


Nhật Bản hiện là nước sử dụng xe đạp đứng thứ 2 thế giới, sau Hà Lan, với tỷ lệ sở hữu mỗi người một xe (Hà Lan là 1,1 xe/người). Môi trường trong sạch, tính cơ động cao và khả năng mang lại sức khỏe dẻo dai là những yếu tố khiến người dân Nhật Bản vẫn dành tình yêu rất lớn cho xe đạp. Tuy nhiên, “tình yêu lớn” này lại đang trở thành bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách, khi mà việc bảo đảm an toàn tính mạng người dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất.


Bài và ảnh: Nguyễn Giang(P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Thừa cơ xăng đắt, xe đạp điện 'lên ngôi'
Thừa cơ xăng đắt, xe đạp điện 'lên ngôi'

Giá xe đạp điện không tăng mặc dù lượng xe bán ra tăng khoảng 30% so với thời điểm trước khi xăng lên giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN