Khi bố thay bỉm, mẹ kiếm tiền

Trong khi Erica Howard-Potter bận rộn với công việc của một luật sư thuế thì chồng cô, anh Jake Howard-Potter, chăm lo nhà cửa, làm việc nhà và chăm cô con gái 2 tuổi rất hiếu động Skyler.


Jake, từng là một thợ chạm khắc, được coi là hình mẫu của một ông bố mẫu mực. Anh ở nhà, cảm thấy thoải mái khi vẫn có thời gian tập thể dục, ngủ trưa và uống trà. Những người như Jake không phải là hiếm.


Theo điều tra dân số gần đây nhất tại Mỹ, số lượng những ông bố nội trợ đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, lên 154.000 người. Dù không phải là ít nhưng những ông bố ở nhà vẫn được coi là ngoại lệ so với mô hình gia đình truyền thống và nhiều người đã “dấn thân” vào những công việc chăm sóc con cái chưa từng làm trước đây.


 

Jake vui vẻ với việc ở nhà chăm sóc cô con gái 2 tuổi. Ảnh: Internet

 

Hàng ngày, Jake phụ trách chọn quần áo cho cô con gái Skyler, buộc tóc cho con, đưa con đi chơi và thay bỉm cho con. Khi anh nói với mọi người rằng anh rất tự hào được làm một ông bố nội trợ, anh nhận được nhiều phản ứng khác nhau, một số có vẻ không đồng tình. Anh nói: “Ở nhà là một điều gì đó mà mọi người coi là việc phải làm vì không có lựa chọn nào khác. Trong khi đây lại là một điều khiến tôi thích thú”.


Trong khi Jake chơi với con, Erica ngập lụt cả ngày trong đống tài liệu thuế má. Erica không cảm thấy oán giận chồng mà cảm thấy ghen tị. Cô kể: “Tôi ghen tị khi chồng gọi điện và khoe hôm nay con gái làm được cái này cái kia. Nhưng tôi vui vì ít nhất một trong hai chúng tôi chứng kiến được quá trình lớn lên của con gái”.


Theo một nghiên cứu gần đây, phụ nữ ngày nay coi trọng sự thành công trong sự nghiệp hơn nam giới. Trong khi nhiều người cho rằng đàn ông không kiếm được tiền là người nhu nhược thì Erica cho biết, việc chồng cô không có việc làm chưa bao giờ là một vấn đề đối với họ. Cô nói: “Anh ấy rất ủng hộ tôi lấy được tấm bằng luật. Tôi cảm thấy tấm bằng đó là của chung chứ không phải của riêng tôi. Anh ấy làm những công việc quan trọng nhất nên tôi sẽ không bao giờ khiến anh ấy phải suy nghĩ về tiền bạc”.


Nhiều ông bố nội trợ trên khắp nước Mỹ đã dùng Internet để hướng dẫn và hỗ trợ lẫn nhau và cộng đồng này ngày càng đông. Anh Matt Schneider thuộc Hội những ông bố ở thành phố New York cho biết: “Họ nói chuyện về thể thao, chính trị nhưng nếu bạn vào các diễn đàn này, bạn sẽ thấy họ nói cả về cách thay bỉm, cho con ngủ và nhiều vấn đề khác mà các bà mẹ thường nói với nhau”.


Tất cả các ông bố ở nhà đều thừa nhận họ kiếm ít tiền hơn vợ và dần dần quyết định ở hẳn nhà chăm con. Anh Bryan Grossbauer là một ví dụ. Anh là giáo viên, lương không bằng một phần lương luật sư của vợ anh, vì thế anh quyết định ở nhà.


Tuy nhiên, việc đàn ông xây tổ ấm, đàn bà xây nhà không phải là điều mà nhiều gia đình lựa chọn và phần lớn những người ở nhà chăm con cái, nhà cửa vẫn là các bà mẹ. Nhiều ông bố vẫn đối mặt với định kiến truyền thống, thậm chí ngay từ các thành viên trong gia đình.


Anh Greg Jobson Larkin phục vụ trong hải quân 12 năm và giờ ở nhà với 4 đứa con trong khi vợ anh là tổng giám đốc một công ty lớn. Anh tâm sự: “Gia đình vợ tôi nghĩ rằng tôi là kẻ vô công rồi nghề nhưng tôi cảm thấy ổn vì tôi đã làm việc, đã từng có một nghề. Tôi trả lời họ: ‘Con đang làm việc. Nếu chúng con đổi lại vai trò, bố mẹ có nói vợ con là kẻ vô công rồi nghề không?’. Tôi là một ông bố tốt”.


Trong khi đó, Jake Howard-Potter cảm thấy may mắn vì có thể thu xếp ổn thỏa chuyện gia đình và vợ anh hài lòng về điều đó. Jake cho biết anh coi việc ở nhà không phải là một thách thức mà là một cơ hội. Erica tâm sự: “Tôi biết ơn vì chồng tôi sẵn lòng làm việc đó. Những gì mang lại cho con gái chúng tôi là điều vô giá và tôi cảm thấy thực sự biết ơn chồng”.


Thùy Dương (Theo ABC News)

Để gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội
Để gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội

Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN