Hồng Công “khủng hoảng” trường quốc tế

Năng lực cạnh tranh của Hồng Công (Trung Quốc) đang bị thách thức nghiêm trọng bởi việc thiếu các lớp học giảng dạy bằng tiếng Anh.

Việc Hồng Công thiếu các trường học giảng dạy bằng tiếng Anh đang làm đau đầu các gia đình nước ngoài sống ở đây, đồng thời gây tổn hại không nhỏ đến danh tiếng của Hồng Công như một trung tâm thương mại tầm khu vực và quốc tế.

Một lớp học thuộc trường quốc tế ở Hồng Công. Ảnh: Internet


Tình hình nghiêm trọng đến mức các phòng thương mại quốc tế cùng lên tiếng gây sức ép với chính quyền khu hành chính đặc biệt “đất chật người đông” này, song vấn đề mà họ khơi lên dường như đang bị chính quyền làm ngơ.

"Không có không gian và sự linh hoạt cho những gia đình như chúng tôi. Bởi thế mà việc đến làm việc ở Hồng Công trở thành một sự hi sinh lớn về mặt gia đình”, một doanh nhân Mỹ và là bố của hai đứa trẻ phát biểu.

"Là bố mẹ, chúng tôi thực sự quan tâm đến việc liệu con chúng tôi có tìm được trường học thích hợp ở Hồng Công hay không?”. Doanh nhân này nhận xét, rất nhiều công ty đã quyết định chuyển tới các thành phố khác ở châu Á, nơi trẻ em nước ngoài có thể dễ dàng tìm được một trường dạy bằng tiếng Anh. Hồng Công thực sự đang bị tụt lại phía sau.

Danh tiếng của Hồng Công đã trở thành điều nghi vấn khiến công ty đánh giá dịch vụ toàn cầu Brookfield Global Relocation lần đầu tiên năm 2011 đã xếp Hồng Công trong “Top 20 điểm đến thách thức nhất thế giới” mà trong đó việc thiếu trường quốc tế là một trở ngại chính. Bà Janet de Silva, phụ trách các vấn đề giáo dục thuộc Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) nhận xét: “Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề nóng bỏng này khi quyết định mở rộng kinh doanh tại Hồng Công”.

Thống kê của cơ quan nhập cư cho thấy số người mang hộ chiếu Anh và Mỹ được cấp thị thực làm việc ở Hồng Công đã tăng 42,48% từ năm 2009 đến 2011, do ngày càng có nhiều người coi thành phố này là cửa ngõ tiếp cận thị trường đại lục Trung Quốc.

Tuy nhiên, các trường dạy bằng tiếng Anh ở nơi từng là thuộc địa của Anh này lại đang trầy trật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng do thiếu đất, nạn quan liêu và vấn đề ngân sách. Theo số liệu của nhà trường, đã có hàng trăm trẻ em nằm trong danh sách chờ lớp. Nhưng cho đến đầu năm nay, chỉ có hai trường dạy bằng tiếng Anh do nhà nước tài trợ ngân sách là còn chỗ trống.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã cắt trợ cấp hàng năm cho hệ thống trường học bằng tiếng Anh (ESF) sau khi Hồng Công được trao lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc năm 1997. Khoản trợ cấp trị giá 284 triệu đôla Hồng Công (37 triệu USD) đã bị đóng băng 11 năm nay.

Việc không tìm được chỗ học ở Hồng Công đã khiến nhiều gia đình nước ngoài phải chấp nhận sự “li tán tạm thời” khi không thể mang cả gia đình tới Hồng Công, hoặc bố mẹ làm việc ở Hồng Công nhưng con cái thì học ở Xinhgapo. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ gia đình mà còn gây sức ép lên các công ty trong việc tuyển dụng được những người xuất sắc nhất tới làm việc tại Hồng Công.

Bushra Siddiqui, giám đốc khu vực thuộc Công ty Crown Relocations cho biết: “Trong hai năm trở lại đây chúng tôi đã chứng kiến xu hướng ngày càng tăng các gia đình từ chối đến Hồng Công bởi lẽ họ không thể tìm được trường học cho con em họ”. Bà Siddiqui nói rằng trường học là mối bận tâm thậm chí lớn hơn cả nỗi lo giá thuê nhà “cắt cổ” hay tình trạng ô nhiễm. "Có lẽ vì thế mà các công ty thường phải bỏ qua lựa chọn đầu tiên để đến lựa chọn thứ hai hay thứ ba và họ không có được những người ‘được việc’ mà họ mong muốn".

Các bậc cha mẹ cũng buộc phải gửi con tại những trường mà họ không ưng ý hoặc phải gửi con vào những trường sử dụng tiếng Quan Thoại, nơi tiếng Anh chỉ là một môn học. Còn những công ty dồi dào tài chính phải trả tới 3 triệu đôla Hồng Công để có được suất học cho con em các giám đốc điều hành tại các trường quốc tế cao cấp tại Hồng Công.

Bà Siddiqui nói: "Chi phí thực sự đắt đỏ mà cũng không phải dễ có được cho dù ở cấp trung học cơ sở. Chúng tôi đã chứng kiến xu hướng ngày càng ít các công ty mua suất học ở trường quốc tế bởi cam kết tài chính quá lớn”.

Đỗ Sinh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN