Hệ lụy từ chính sách một con của Trung Quốc

Khi cô con gái 12 tuổi của bà Wu Rui qua đời, bà không chỉ mất đi đứa con duy nhất mà còn mất đi cả người chăm sóc tuổi già của mình.



Bà Wu Rui (trái) và người bố trong ngôi nhà của mình ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP - TTXVN

Ở tuổi 55, bà Wu phải tự chăm sóc cho bản thân cùng hai bố mẹ già với khoản tiền lương còm trong ngôi nhà tồi tàn cùng với nỗi lo sẽ không biết phải làm gì khi gặp phải bệnh nan y.


Chính sách một con của Trung Quốc dẫn đến việc 4 ông bà, 2 bố mẹ phải nhờ cậy vào một chỗ dựa duy nhất cho tuổi già của mình.


Theo ước tính, có khoảng 1 triệu gia đình Trung Quốc mất con cháu duy nhất kể từ khi chính sách một con của nước này có hiệu lực vào năm 1980, con số này sẽ nâng lên vào khoảng từ 4 triệu đến 7 triệu người trong thời gian 20 đến 30 năm tới.


Rất nhiều người giống như bà Wu sẽ không có ai để giúp đỡ cho tuổi già mong manh và dễ mắc phải bệnh tật. Bà Wu buồn bã: “Nếu tôi bị bệnh nặng, tôi sẽ không có khả năng chăm sóc mình. Chắc chắn đó sẽ là những ngày khó khăn”.


Bà Wu li dị vào năm 1994 và một năm sau đó bà đã mất đi cô con gái Zhang Weina, người bị mắc bệnh thần kinh trong một thời gian dài.


Hiện giờ, bà dành phần lớn thời gian ở nhà để đan len và nấu ăn trong căn bếp tuềnh toàng, ngay sát cạnh phòng ngủ của người mẹ 76 tuổi và ông bố 80 tuổi đã bị điếc.


Ngoài vấn đề sức khỏe, nỗi lo lớn nhất của bà Wu chính là việc căn nhà cũ kỹ có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào, tình cảnh chung của rất nhiều người già ở Bắc Kinh. Nếu như căn nhà không còn và phải đi thuê nhà ở thì khoản tiền bà phải bỏ ra sẽ cao hơn cả tháng lương hưu 2.000 nhân dân tệ (hơn 6 triệu VND) của mình.


Kể từ năm 2001, luật của Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương có chính sách trợ giúp cho các gia đình mất đi người con duy nhất, song không quy định cụ thể.


Do vậy, những quy định này được thực hiện khác nhau ở các khu vực khác nhau. Trong khi tỉnh Tứ Xuyên cho phép các gia đình có đơn yêu cầu được phép sinh thêm một con thì thành phố Thượng Hải hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo hình thức thanh toán một lần.


Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu ở Mỹ và là tác giả cuốn "Big Country in an Empty Nest" (tạm dịch “Nước lớn trong tổ chim trống không”), cho biết: “Các quy định đã có, song tôi không nghĩ là nó có ý nghĩa”. Ông Yi dẫn các số liệu chính thức cho biết khoảng 4,63% trong số 218 triệu gia đình sinh con một ở Trung Quốc có khả năng mất con trai hoặc con gái của mình khi chúng đến tuổi 25. Điều đó có nghĩa hơn 10 triệu cặp vợ chồng sẽ mất đi người con duy nhất của mình trong 2 đến 3 thập niên tới, trong khi chỉ có một số ít cặp là sinh thêm con.


Ông Yi và các nhà nhân khẩu học tranh luận rằng điều Trung Quốc cần phải làm không chỉ là sự trợ giúp cho các gia đình mà cần phải bãi bỏ ngay lập tức chính sách giới hạn một con.


Những người ủng hộ chính sách một con cho rằng chính sách này giúp ngăn chặn dân số quá đông và giảm bớt số người nghèo. Tuy nhiên, thay vào đó nó lại dẫn đến tình trạng “bong bóng người già”. Theo ước tính của Liên hợp quốc, vào năm 2050 khoảng 30% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi 60 trở lên, trong khi con số này hồi năm 2000 chỉ là 10%. Khi không có nhiều người trẻ, Trung Quốc sẽ không đủ lượng con cháu để chăm sóc người già hoặc không có đủ lực lượng lao động để bảo đảm hệ thống an sinh xã hội mà chính phủ nước này đang cố gắng xây dựng.


Từ những vấn đề trên, ông Yi và các nhà nhân khẩu học cho rằng Trung Quốc bây giờ không chỉ cần thực hiện chính sách tăng tỉ lệ sinh mà phải lo đến tình trạng gia tăng dân số.


Tuy nhiên, phát biểu với Tân Hoa xã cuối năm 2011, người đứng đầu Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc Li Bin cho rằng Trung Quốc có ý định “duy trì và củng cố” các biện pháp hiện tại. Hiện nay, chỉ có một số gia đình nhận được sự miễn trừ quy định một con, bao gồm các gia đình nông dân sinh một con gái, các cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số và các cặp vợ chồng cả hai đều là con một.


Giáo sư Gu Baochang, thuộc đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng các nhà chức trách ngày càng nhận thấy vấn đề từ chính sách một con mang lại khi thế hệ đầu thực hiện chính sách này bước vào tuổi già.


Tuy nhiên, ông Gu cho rằng họ cần phải hành động từ nhiều năm trước khi các mối nguy hiểm về vấn đề dân số hiện rõ. Ông cho rằng các gia đình giống như bà Wu không chỉ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn mà còn mất đi cảm giác yên ổn trong một nền văn hóa coi trọng yếu tố gia đình.


L.H (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN