Hậu trường sản xuất tờ đôla Mỹ

Những nhân vật và những sự kiện nào được vinh dự xuất hiện trên tờ đôla Mỹ? Người nào lựa chọn nhân vật và sự kiện xuất hiện trên tờ đôla các mệnh giá? Tờ đôla Mỹ khác gì so với các loại tiền tệ khác? Xung quanh đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất thế giới có rất nhiều điều thú vị.


Chuyện chọn chân dung trên tờ đôla Mỹ

Will Fleishell làm việc với bản khắc đồng 100 đôla mới.


Nếu đề nghị một doanh nhân ở Tajikistan, Malaysia hay Hong Kong (Trung Quốc mô tả một nhà lãnh đạo trong cuộc cách mạng Mỹ, nhiều khả năng họ sẽ tả chân dung Benjamin Franklin, chi tiết từ cái đầu hói cho đến những lọn tóc xoăn dài trùm qua tai buông xuống vai của ông. Tại sao lại là Benjamin Franklin? Đơn giản là vì chân dung của ông được in trên tờ 100 đôla của Mỹ, tờ tiền có mặt ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Chân dung của Benjamin Franklin trên tờ 100 đôla quen thuộc tới mức người ta gọi đó là tờ Benjamin.

 

Mặt trước và sau tờ 100 đôla mẫu cũ của Mỹ


Không chỉ tờ 100 đôla, mọi tờ đôla Mỹ đều có chân dung một nhân vật nổi tiếng. Tổng thống George Washington “góp mặt” trên tờ 1 đôla. Tổng thống Thomas Jefferson hiện diện trên tờ 2 đôla. Tờ 5 đôla lại là khuôn mặt của Tổng thống Abraham Lincoln. Trong khi tờ 10 đôla có hình chính trị gia Alexander Hamilton thì tờ 20 đôla là Tổng thống Andrew Jackson, tờ 50 đôla là Tổng thống Ulysses Grant.


Tuy nhiên, người nào lựa chọn nhân vật xuất hiện trên tờ đôla các mệnh giá khác nhau của Mỹ là cả một bí ẩn, ngay cả với những học giả về lịch sử tiền tệ.

 

Tiền giấy đã được lưu hành ít nhất kể từ đời Tống thế kỷ thứ 11 ở Trung Quốc. Ý tưởng dùng tiền giấy thậm chí có từ những năm 600. Người châu Âu dùng tiền giấy từ những năm 1200 và họ đã mang phương thức dùng tiền giấy để thanh toán thay đồng xu vàng và bạc khi họ đặt chân tới Thế giới Mới.

 

In tiền giấy hồi thế kỷ 18.


Theo người viết tiểu sử James Srodes, dù không phải là tổng thống Mỹ nhưng hình ảnh Franklin Benjamin xuất hiện trên tờ 100 đôla Mỹ là một điều hoàn toàn hợp lý vì ông là một trong những chủ nhà in nổi tiếng nhất thời Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Các thuộc địa đã đề nghị ông sản xuất tiền giấy cho họ. Ngoài ra, Franklin còn là một “khai quốc công thần” của nước Mỹ, một trong những người ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Bên cạnh Franklin, một “khai quốc công thần” khác là Alexander Hamilton cũng được in hình lên tiền dù không phải tổng thống.


Chính phủ Liên bang Mỹ bắt đầu phát hành tiền giấy trong thời Nội chiến (1861-1865). Mọi tờ tiền thời kỳ đầu này đều có kích thước to hơn tiền thời nay. Nó có tiêu chuẩn của một tác phẩm nghệ thuật và mang ý nghĩa lịch sử.


Một trong những mục đích chính trong thiết kế tờ đôla là giáo dục. Lúc đó, xã hội Mỹ còn nhiều người ít học thức, đất nước lại đang xảy ra nội chiến. Để tạo ra ý thức dân tộc, người ta đã cho in chân dung những nhân vật, sự kiện nổi tiếng lên tiền như: Tổng thống George Washington, các trận chiến nổi tiếng, sự kiện De Soto phát hiện ra sông Mississippi…


Thời đó, chân dung người còn sống cũng được in lên tiền. Năm 1861, hình ảnh Tổng thống Lincoln xuất hiện trên tờ 10 đôla. Bộ trưởng Tài chính Salmon P. Chase cũng có chân dung trên tờ 1 đôla suốt cuộc nội chiến. Tuy nhiên, vài năm sau, năm 1866, quốc hội đã thông qua luật cấm in hình bất kỳ ai còn sống trên tiền giấy.


Trong suốt khoảng thời gian còn lại của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Mỹ cho in mọi loại hình ảnh và nhân vật nổi tiếng trong mọi lĩnh vực trên tiền giấy. Người phụ nữ duy nhất được khắc họa trong lịch sử tiền giấy Mỹ là bà Martha Washington. Chân dung bà xuất hiện trên chứng chỉ bạc 1 đôla năm 1886 và 1891.


Thời đó, kích thước tờ tiền giấy rất to. Cho đến khi Hệ thống Dự trữ Liên bang được thành lập năm 1914, Chính phủ Mỹ mới bắt đầu tiêu chuẩn hóa kích thước thiết kế tiền giấy. Theo đó, các đồng tiền mọi mệnh giá đều rộng 66,3 mm, dài 156 mm và dày 1,109 mm. Một tờ tiền nặng chừng 1 gram và chi phí sản xuất là 4,2 xu. Thay đổi về kích thước nhưng chân dung các nhân vật trên các tờ tiền mệnh giá khác nhau vẫn được giữ nguyên.


Hiện Mỹ còn tính tới việc in các tờ tiền có mệnh giá lớn hơn. Các ứng cử viên trên những tờ tiền trong tương lai này gồm Tổng thống William McKinley trên tờ 500 đôla, Tổng thống Grover Cleveland trên tờ 1.000 đôla, Tổng thống James Madison trên tờ 5.000 đôla, Salmon P. Chase trên tờ 10.000 đôla và Tổng thống Woodrow Wilson trên tờ 100.000 đôla.


Về chuyện chọn chân dung nhân vật để in lên tờ tiền, ông Franklin Noll, cố vấn lịch sử của Cục In ấn - cơ quan thiết kế và in tiền của Mỹ, nói: “Thực ra không có quy tắc nào cả. Giám đốc Cục In ấn, Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc Kho bạc cùng các quan chức kho bạc khác thảo luận với nhau về vấn đề này. Một người đưa ra ý tưởng rồi mọi người cùng bàn luận. Không có một ủy ban nào chịu trách nhiệm quyết định việc chọn nhân vật in lên tiền. Vấn đề này được lựa chọn trong cuộc họp kín”.


Các chân dung nhân vật phần lớn không thay đổi trên các tờ tiền từ thời đó cho đến đầu những năm 1990 - khi Bộ Tài chính quyết định thiết kế lại tiền giấy để chống nạn làm tiền giả. Các nhân vật trên mặt phải của tờ tiền vẫn giữ nguyên, nhưng hình ảnh của họ đã bị thay đổi.


Kỳ công thiết kế tiền giấy


Đối với các nhà thiết kế và thợ khắc làm việc trong môi trường an ninh nghiêm ngặt tại Cục In ấn, thời kỳ thiết kế lại tiền tệ là một kỷ nguyên vàng để sản xuất tác phẩm nghệ thuật được nhiều người ngưỡng mộ. Chỉ duy có tờ 1 đôla là không bị thay đổi, chủ yếu là vì không ai lại mất công làm giả tờ tiền mệnh giá nhỏ như vậy.

 

Brian Thompson thiết kế đồng 100 đôla mới.


Trong suốt 24 năm, một người tên là Brian Thompson đã chịu trách nhiệm thiết kế tiền và ông đảm nhiệm chính trong thiết kế mẫu mới cho tờ 100 đôla được lưu hành năm 2013. Ông nói: “Tôi coi nó như một tác phẩm nghệ thuật. Đằng sau tờ tiền này có cả một câu chuyện dài”.


Thiết kế tiền không hề đơn giản, Thompson đã trải qua 7 năm tập sự mới được thiết kế tiền. Ông kể: “Việc đầu tiên chúng tôi làm là khắc chữ. Nắm được cách trình bày bản in, chữ số cho đến chữ đánh máy. Bạn phải làm bằng tay chứ không được dùng máy tính chút nào cả”.


Mẫu thiết kế tờ tiền 100 đôla mới đã được ông Thompson nghiên cứu từ năm 2005. Trên tờ 100 đôla mới này, nét mặt của Franklin Benjamin phải nổi bật ở mặt trước. Nét mặt này dựa vào bức chân dung năm 1778 của họa sĩ Joseph Duplessis, người Pháp. Tờ tiền mới không còn khung hình oval quanh chân dung Franklin, nhờ đó phần đầu và vai của ông được phóng to ra một chút và trông nổi bật hơn.

 

Will Fleishell làm việc với bản khắc đồng 100 đôla mới.

Trong khi chân dung của Franklin phần lớn vẫn như cũ thì toàn bộ tờ tiền đã được thiết kế lại. Ông Thompson bắt đầu thiết kế từ góc trái bên dưới rồi đến góc phải và phần trên. Mắt người nhìn sẽ đi từ số 100 ở góc trái bên dưới lên chân dung Franklin, rồi tới vị trí ghi ngày 4/7/1776 - ngày ký Tuyên ngôn Độc lập. Thompson đã thêm ngày này vào bên phải mắt của Franklin. Từ đó, người xem sẽ để ý tới chiếc bút lông ngỗng cũng mới được thêm vào. Mắt người xem tiếp theo sẽ hướng xuống lọ mực và quả chuông Tự do - biểu tượng của nền độc lập Mỹ. Nền của những chi tiết trên là các dòng trích từ Tuyên ngôn Độc lập theo đúng dạng chữ viết tay trong tài liệu gốc.


Đặt quả chuông Tự do bên trong lọ mực có dụng ý về mặt an ninh. Chúng có màu đồng đỏ khi nghiêng tờ tiền. Lúc đó, quả chuông sẽ chuyển thành màu xanh lá cây, thoắt ẩn thoắt hiện khi di chuyển tờ tiền. Ông Thompson đã vẽ tới 5 hoặc 6 thiết kế cho lọ mực rồi mới chọn được mẫu cuối cùng. Mẫu này giữ được hình ảnh quả chuông tốt hơn.

 

Bên trong nhà máy in tiền của Mỹ.

Đặc điểm mới nổi bật nhất của tờ tiền mệnh giá 100 đôla là một đường đứt đoạn màu xanh da trời dọc tờ tiền, chạy thẳng từ trên xuống dưới phía bên phải Franklin. Bên trong vạch màu xanh này là các quả chuông Tự do nhỏ. Khi di chuyển tờ tiền, các quả chuông đổi thành con số 100.


Mặt sau của tờ tiền cũng có nhiều điều thú vị. Hội trường Độc lập (Independence Hall) vẫn giữ nguyên, nhưng thay vì mặt trước, hình ảnh lại thể hiện mặt sau của tòa nhà. Ông tìm thấy hình khắc cũ của tòa nhà trong phòng lưu trữ của Cục In ấn. Ông thay đổi điều này vì mặt sau tòa nhà có nhiều điều thú vị hơn, nhiều chi tiết hơn. Dọc phía bên phải tòa nhà là số 100 màu vàng và to giúp những người bị suy giảm thị lực có thể nhìn và cảm nhận dễ dàng.

Thiết kế tờ 100 đôla mới mang đậm phong cách của hai nhân vật mà Thompson tôn sùng là M. C. Escher - một họa sĩ đồ họa nổi tiếng với các thiết kế phức tạp, khó hiểu và Georgia O’Keefe - họa sĩ nổi tiếng với phong cách trừu tượng, tự do và nhiều màu sắc. Thiết kế nhấn mạnh vào Tuyên ngôn Độc lập và Benjamin Franklin, tích hợp với những biện pháp chống làm tiền giả mới nhất. Ông Thompson thừa nhận: “Đưa mọi yếu tố độc đáo này theo cùng một gam màu và tìm cách cân bằng nó là một thách thức. Đó chính xác là một tác phẩm”.


Thiết kế tiền chỉ là một bước. Bước tiếp theo là khắc. Bản thân người thợ khắc tên là Will Fleishell, 51 tuổi, ở Cục In ấn đã là cả một câu chuyện lịch sử. Muốn gặp ông, người ta phải đi qua vô số cửa an ninh. Cụ kỵ của ông Fleishell từng làm trong ngành in ấn. Gia đình bên nội của ông có những người làm nghề in ấn từ thời Thế giới Cũ. Tất cả anh em nhà Fleishell đều phụ trách in ấn tờ Washington Post từ năm 1870 đến năm 1930. Có bố là một họa sĩ đồ họa nên ông Fleishell lớn lên quen thuộc với việc in ấn.


Đối với các thợ khắc, mọi thứ đều mang tính truyền thống. Không có con đường tắt bằng công nghệ cao. Ông Fleishell đã mất tới 10 năm tập sự để rèn giũa kỹ năng của mình. Khi khắc trên bản thép, điều quan trọng nhất là tạo được hình ảnh không gian ba chiều trong các dòng chữ. Mỗi dòng như có xu hướng đứng thẳng lên. Khi bạn dùng ngón tay miết dọc dòng chữ và bạn thực sự có cảm giác mực đang “nhô lên” vì mọi dòng chữ đều được khắc bên dưới lớp thép. Mực được đẩy vào trong. Một khi nó xuất hiện trên bản in thử, nó sẽ nhô lên. Đây là một đặc điểm an ninh trong phần khắc bản mà không thể sao chép.


Ông Fleishell cũng từng khắc hình ảnh Tổng thống Lincoln trên tờ 5 đôla bản mới phát hành năm 2000. Hình ảnh mới trông hoàn toàn khác so với hình ảnh trên tờ 5 đôla được dùng từ năm 1929. Trông Tổng thống Lincoln sống động hơn hẳn. Ông Fleishell cho biết ông muốn mọi người nhận thấy rằng đây là những con người rất thật.


Màu sắc đồng đôla


Thời kỳ đầu, công nghệ ảnh không thể tái tạo màu sắc, nên người ta quyết định in mặt sau các tờ tiền bằng một màu nào đó ngoài màu đen. Do màu xanh lá cây được coi như là một biểu tượng của sự ổn định nên nó đã được chọn. Nhờ màu này mà đồng đôla của Mỹ được gọi là “đồng bạc xanh”. Từ đó, nước Mỹ có truyền thống in mặt sau của tiền giấy bằng màu xanh.


Không giống như tiền giấy nhiều nước khác, tiền giấy của Mỹ cho dù là mệnh giá nào cũng cùng một màu: Mặt trước tờ tiền chủ yếu là màu đen, có vài điểm nhấn màu xanh lá cây; mặt sau chủ yếu là màu xanh lá cây. Các tờ tiền của Mỹ được in cùng màu này trong phần lớn thế kỷ 20. Riêng chứng chỉ bạc có điểm nhấn màu xanh nước biển ở mặt trước và chữ “United States notes” màu đỏ ở mặt trước.


Từ năm 1928 đến 2003, cứ mỗi một seri tiền mới được phát hành, người ta lại thay đổi một đặc điểm nào đó để chống nạn làm tiền giả. Tính đến năm 1998, tờ bạc 20 đôla là tờ bị làm giả nhiều nhất ở Mỹ. Do đó, đến ngày 13/5/2003, Kho bạc thông báo sẽ đưa màu mới vào tờ 20 đôla để gây khó cho những kẻ làm tiền giả. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1905, một tờ tiền giấy Mỹ có một màu sắc khác ngoài hai màu đen và xanh lá cây.


Màu sắc chủ đạo của mọi mệnh giá, gồm cả tờ 20 và 50 đôla mới, vẫn là màu xanh lá cây và đen. Các màu khác trên đồng đôla được thêm vào nhưng khó nhận thấy. Vấn đề màu sắc của đồng đôla Mỹ đối lập hẳn với tờ euro hay tờ đôla của Australia cũng như phần lớn tiền tệ khác. Tiền giấy của đa số các nước được in bằng các gam màu đậm khác nhau để phân biệt các mệnh giá với nhau.


Tờ 20 đôla mới lưu hành ngày 9/10/2003, còn tờ 50 đôla mới lưu hành ngày 28/9/2004. Tờ 10 đôla mới được đưa ra thị trường năm 2006. Tờ 5 đôla mới xuất hiện ngày 13/3/2008. Mỗi tờ đều có các gam màu khác nhau dù hai màu chủ đạo vẫn giữ nguyên. Kho bạc cho biết sẽ thay đổi các tờ tiền sau từ 7 đến 10 năm để đi trước công nghệ làm giả.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN