“Dubai Trung Quốc” thành đảo vắng

Được mệnh danh là “Dubai của Trung Quốc”, cụm cao ốc hình cánh buồm nằm trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi thành phố Tam Á của tỉnh Hải Nam là hình ảnh thu nhỏ điển hình của cuộc bùng nổ bất động sản chưa từng thấy, đã làm biến đổi các đường chân trời trên khắp đất nước Trung Hoa.


 

Đảo nhân tạo Phượng Hoàng từng là điểm nóng đầu tư bất động sản của Trung Quốc.

 

Nhưng sau một thời kỳ sôi động, dự án đảo Phượng Hoàng nay lâm vào cảnh vắng lặng ế ẩm khi bong bóng bất động sản xì hơi. Giá bất động sản trên đảo lao dốc không phanh trong những tháng gần đây, phơi bày những bất ổn tiềm ẩn trong cuộc phát triển kinh tế vũ bão tại Trung Quốc.


Trên hòn đảo nhân tạo, một khách sạn “bảy sao” đang thi công từng được ngành du lịch tỉnh Hải Nam tuyên bố sẽ là “đối thủ cạnh tranh nặng ký” cho danh hiệu “kỳ quan thứ tám của thế giới hiện đại”. Tuy nhiên, nay thì cả hòn đảo trở nên im lắng lạ kỳ, chỉ với sự xuất hiện của một vài nhân viên quét dọn mặc đồng phục màu cam; những bể bơi lặng sóng phản chiếu bóng những tòa cao ốc sơn trắng mới tinh, và một trong những dấu hiệu ít ỏi của cư dân là vài chiếc xe Porche sang trọng.


Các “đại gia” Trung Quốc từng đổ xô tới đây mua các căn hộ cao cấp, nhưng khi việc kinh doanh sa sút do hậu quả của suy thoái toàn cầu, thì nhiều người trong số họ đang phải tìm cách bán tháo gấp đống bất động sản đó để có tiền trả các khoản nợ đáo hạn.


Một đại lý bất động sản địa phương là Sun Zhe cho biết, các căn hộ trên đảo Phượng Hoàng, từng có giá tới 15.000 NDT/m2 (khoảng 50 triệu đồng/m2) vào thời hoàng kim năm 2010, hiện đang được mời chào với giá 7.000 NDT/m2. “Một doanh nhân đã gọi điện cho tôi, tuyệt vọng nhờ bán nhà”, Sun nói và cho biết thêm: “Dù là đồ chơi, hay quần áo, thì thị trường xuất khẩu đều rất tệ. Các chủ bất động sản cần vốn nên muốn bán nhanh những căn hộ ế ẩm, họ đã thực sự cảm nhận được hậu quả của khủng hoảng tài chính”.


Các con số chính thức cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 8%, nhưng kim ngạch vào thị trường châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng, lại giảm gần 4%. Các nhà sản xuất quần áo, đồ chơi và các hàng hóa phân khúc bình dân phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các nền kinh tế mới nổi khác cho vị trí trung tâm sản xuất hàng hóa rẻ tiền của thế giới.


Suốt nhiều năm, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc, vốn có ít lựa chọn đầu tư, trong khi lại được hưởng lãi suất thấp từ ngân hàng, nên đã coi bất động sản là một kênh cất giữ tiền. Họ ồ ạt đầu tư vào bất động sản, tạo nên những bong bóng giá nhưng kèm theo là nguy cơ sụp đổ khi tình hình kinh tế xấu đi.


“Trung Quốc đã có thời bùng nổ cho vay, và nếu ai đó dùng bất động sản là nơi cất trữ tiền, họ càng có nhiều tiền hơn để cất trữ vào đó”, ông Patric Chanovec, giáo sư trường đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) giải thích, “Đến một thời điểm nào đó, khi họ muốn rút tiền ra, bạn sẽ thấy ai là người thực sự sẵn sàng chấp nhận mức giá cao đó”.
Đảo Phượng Hoàng, thuộc tỉnh Hải Nam, là nơi chứng kiến giá bất động sản tăng mạnh nhất tại Trung Quốc sau làn sóng kích thích kinh tế của chính phủ vào năm 2008. Không ít người háo hức mua nhà đã cắm trại trên các đường phố để chờ đến lượt khi giá bất động sản tăng tới trên 50% trong một năm.


Nhưng các chính sách thắt chặt về tín dụng và quyền mua nhiều nhà đã khiến giá bất động sản tại đây liên tục giảm mạnh. Bất động sản được xem là một trong những cột trụ của nền kinh tế Trung Quốc khi lĩnh vực này chiếm gần 14% GDP trong năm ngoái và hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp xây dựng khổng lồ. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo lắng tìm cách tránh một cuộc nổ bong bóng bất động sản lớn.


Trong khi đó, ở phía bên kia của đảo Hải Nam, khu Seaview Gardens, với những ngôi biệt thự nhìn ra bãi biển, xen giữa là những dòng suối nhân tạo, giá đã giảm 1/3 so với mức đỉnh 12.000 NDT/m2 hồi năm ngoái, mà 1/3 số căn hộ vẫn chưa bán được. “Trước khi có các quy định siết chặt của chính phủ, chúng tôi có thể bán hết khu nhà này chỉ trong vòng 5 tháng”, bà Yang Qiong, một nhà môi giới bất động sản, thở dài tiếc nuối.


Thu Hằng

Thị trấn như nhà tù ở Trung Quốc
Thị trấn như nhà tù ở Trung Quốc

Những dãy nhà vuông vức nằm trải dài hút tầm mắt ở một thị trấn thuộc huyện Lingshui, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho người ta cảm giác như là quang cảnh của một tổ hợp trại giam nào đó hơn là một khu đô thị mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN