Điện ảnh Hy Lạp thời “bụng đói, đầu gối phải bò”

Ngành công nghiệp điện ảnh tại Hy Lạp cũng đã rơi vào cảnh kẹt tiền bạc giống như chính phủ nước này. Tuy nhiên, ngân sách eo hẹp và cuộc suy thoái đang siết cổ Hy Lạp lại đang tạo ra một thế hệ các nhà làm phim mới, với những tác phẩm đang ngày càng được đánh giá cao.


 

Một cảnh trong bộ phim kinh phí thấp “Boy eating the Bird’s Food” của Hy Lạp.

 

Không chỉ bản thân cuộc khủng hoảng đang tạo bối cảnh cho nhiều kịch bản phim hay. Ngân sách thấp và tình trạng thiếu sự ủng hộ từ giới chức đã buộc các nhà làm phim trẻ phải tìm ra nhiều con đường sáng tạo hơn bao giờ hết để thực hiện các dự án của mình.


“Trong ba năm qua, điện ảnh Hy Lạp đã đi trên một con đường thú vị, với ngân sách rất thấp và chủ yếu sản xuất phim với sự hỗ trợ rất nhỏ của Trung tâm điện ảnh Hy Lạp”, bà Eleni Androutsopoulou, điều phối viên chương trình của Liên hoan phim Thessaloniki năm 2012 nói. “Có nhiều phim hơn và thú vị hơn trước”, bà Eleni nhận xét. “Các vị giám đốc Hy Lạp đã bắt đầu tận dụng các cơ hội ra nước ngoài để hợp tác sản xuất. Trước khủng hoảng, họ thường thu mình hơn. Nhưng khủng hoảng đã khiến họ phải tìm ra những con đường mới để tìm ra cơ hội”, bà nói.


Một trong các ví dụ là Ektoras Lygizos, nhà sản xuất 36 tuổi của bộ phim “Boy eating the Bird’s Food” (Cậu bé ăn thức ăn của chim). “Với phim của tôi, mọi người tham gia không được trả tiền, tất cả đoàn làm phim là các nhà đồng sản xuất, họ đều sở hữu một tỉ lệ ăn chia nhất định”, Ektoras giải thích về cách duy nhất để làm bộ phim này với ngân sách chỉ 40.000 euro, thay vì 200.000 euro.


Bộ phim lấy bối cảnh là cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy Hy Lạp tới bờ vực phá sản. “Nhưng ý định của tôi là xây dựng một câu chuyện riêng tư, chứ không muốn giải thích về cuộc khủng hoảng. Tôi chỉ muốn thể hiện một nhân vật tự hào là người Hy Lạp và không thừa nhận những điểm yếu của mình. Cuộc khủng hoảng này đã xóa bỏ nền dân chủ, vốn được xây dựng để bảo vệ những người thấp cổ bé họng, và giờ họ không được bảo vệ nữa, đó chính là cái bộ phim muốn nói”, Ektoras nói.


Trong “Boy eating the Bird's food”, khi một thanh niên cô độc lang thang dọc theo các đường phố ở Aten trong cơn đói, máy quay đã bám sát anh ta, bắt được những hình ảnh thể hiện sự cô độc, tuyệt vọng và kiêu hãnh của anh.


Một trường hợp khác là phim của Constantina Voulgari, 33 tuổi, một đạo diễn con nhà nòi điện ảnh. Cha cô, ông Pandelis là đạo diễn phim từ thập niên 1970, mẹ là một nhà viết kịch bản còn anh trai là nhà làm phim. Nhưng Constantina đã phải chờ đợi 3 năm để làm bộ phim "A.C.A.B. All Cats Are Brilliant". “Không ai được trả thù lao, tất nhiên cả tôi”, Constantina nói và cho biết thêm là các nhà sản xuất đã “tìm được camera, thực phẩm và phòng lab miễn phí”.


“Trước đây, điều duy nhất các nhà làm phim Hy Lạp làm là cầm tiền của nhà nước và chi tiêu tùy ý. Nhưng cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi tâm lý và cách làm của họ”, Voulgari, trợ lý đạo diễn cho các show nấu ăn trên truyền hình, nói.


Bà Yianna Sarri, lãnh đạo hãng phim Thessaloniki, cũng cho rằng, “khủng hoảng lại tốt cho điện ảnh” khi nó tạo ra một tâm lý đoàn kết vượt qua khó khăn. “Họ phải làm việc và hỗ trợ nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn trang thiết bị. Tôi nghĩ điều này là do khủng hoảng, người ta phải tìm một lối thoát. Đó là khía cạnh tốt của khủng hoảng. Hiện tượng tương tự đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tại Áchentina”, bà Sarri nhắc tới những tài năng trẻ từng tràn ngập ngành công nghiệp điện ảnh khi Áchentina rơi vào khủng hoảng cách đây một thập kỷ.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN