Di sản văn hóa Italia kêu cứu

Sau khi cắt giảm mạnh ngân sách nhà nước dành cho các công trình nghệ thuật với hầu hết các tượng đài, di tích nổi tiếng nhất đang cần được tu sửa khẩn cấp, chính phủ Italia đang tuyệt vọng kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân giúp bảo tồn những di sản văn hóa vô giá ở đất nước hình chiếc ủng này.

Đấu trường La Mã đang bong vỡ dần mà chưa được trùng tu.


Italia là điểm đến du lịch lớn thứ tư thế giới sau Pháp, Mỹ và Tây Ban Nha. Đất nước bên bờ Địa Trung Hải này cũng tự hào vô cùng về di sản văn hóa đồ sộ của họ được xây dựng và gìn giữ qua nhiều thế kỷ lịch sử, từ kỷ nguyên La Mã tới thời kỳ Phục hưng, cho đến phong cách Baroque.

Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế ì ạch cộng "núi" nợ 1.900 tỉ euro (2.500 tỉ USD) của Italia đã làm kinh hoàng các nhà đầu tư quốc tế và buộc chính phủ trong vòng một năm qua có đến 3 lần phải thực hiện kế hoạch ngân sách khắc khổ để củng cố tài chính công. Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" đương nhiên ảnh hưởng tới ngân sách dành cho các di tích lịch sử văn hóa vốn là "cần câu cơm" cho ngành du lịch nước này. Trong ngân sách hiện tại, chính phủ Italia chỉ dành vỏn vẹn 0,21% GDP cho văn hóa và con số quy ra là 1,8 tỉ euro (2,4 tỉ USD) đó chỉ đủ để sửa chữa qua loa rất nhiều tượng đài và di tích ở nước này, chưa nói đến việc đầu tư nâng cấp các công trình nghệ thuật sống.

Nhà hát vũ kịch nổi tiếng quốc tế La Scala và nhà hát Piccolo Teatro ở Milan đã buộc phải chấp nhận mức ngân sách mà nhà nước rót cho bị cắt giảm 17 triệu euro (22,4 triệu USD) năm ngoái. Và một quỹ đặc biệt hỗ trợ các nhà hát ở Italia chỉ nhận được 231 triệu euro (304 triệu USD) trong năm 2011, giảm một nửa so với năm trước đó.

Các rạp chiếu phim cũng trong tình trạng bi đát không kém, đến mức hiệp hội những người lao động trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong tháng này phải lên tiếng rằng tình hình đang "rất trầm trọng". Nhà làm phim tài liệu người Italia Gustav Hofer cho biết ông buộc phải ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn tài trợ bởi ở Italia lúc này chỉ là "những đống đổ vỡ". Nhà làm phim Camillo Esposito, đứng đầu một công ty sản xuất nhỏ, cũng đồng tình rằng "thật khó để tìm kiếm nguồn tài trợ để sản xuất và phát hành một bộ phim phi thương mại vào thời điểm này" ở Italia.

Giáo sư Umberto Eco, học giả có uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật của Italia, trong một bức thư ngỏ gửi chính phủ cũng chua chát thừa nhận rằng "có nhiều thứ không hoạt động" và "chúng ta đã không học được cách kiếm tiền từ văn hóa dân tộc của mình".

Trước tình trạng các di tích lịch sử và các công trình nghệ thuật đang kêu cứu, Chính phủ đã quyết định mời gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia bảo tồn các di sản văn hóa. Tuy nhiên, sáng kiến lớn nhất của Chính phủ cho đến nay đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi tỉ phú Diego Della Valle nói rằng ông có thể rút lại khoản tiền 25 triệu euro (33 triệu USD) dự định để khôi phục Đấu trường La Mã (Colosseum) sau những cuộc biểu tình của nghiệp đoàn lao động và các cuộc điều tra nhằm vào dự án này.

Nằm ở trung tâm một ngã tư đường luôn nhộn nhịp xe cộ qua lại và ô nhiễm bụi khói, Đấu trường La Mã 2.000 năm tuổi ở thủ đô Rôma đang bong lở từng khối song dự án trùng tu di tích này, lẽ ra đã bắt đầu từ tháng 3/2012, đang trở nên ngày càng xa vời.

Trong khi đó, với di chỉ khảo cổ Pompeii gần thành phố Naples vốn cũng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt báo động sập đổ trong mấy tháng gần đây, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia công việc trùng tu cũng chưa mang lại kết quả. Chính phủ Italia đã hứa giải ngân 105 triệu euro (138 triệu USD) trong ngân quỹ do Liên minh châu Âu tài trợ kéo dài 4 năm để thực hiện các công việc trùng tu Pompeii và tăng số nhà khảo cổ tới làm việc tại di tích này. Hiệp hội quốc gia các nhà khảo cổ Italia mới đây đã khẩn thiết kêu gọi nguồn đầu tư lớn hơn để bảo vệ toàn bộ nền di sản Italia.

Tuy vậy, Italia không phải là quốc gia duy nhất đang vật lộn với việc bảo tồn di sản văn hóa. Trong một quyết định khiến nhiều nhà học giả và dư luận Hy Lạp bàng hoàng, Bộ Văn hóa Hy Lạp mới đây cho biết sẽ mở cửa một số di tích khảo cổ có giá trị nhất, bao gồm cả Đền Acropolis, ở đất nước đang ngập trong nợ nần này cho các công ty quay phim quảng cáo, các công ty điện ảnh và các doanh nghiệp khác. Số tiền thu được từ việc này sẽ được dùng để bảo tồn chính các di tích. Các nhà khảo cổ Hy Lạp cũng nhận thấy rằng thật khó kiếm được tiền cho khảo cổ hợp pháp khi mà hoạt động buôn lậu cổ vật đang gia tăng.

Đỗ Sinh (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN