Đại bàng vàng săn mồi - vẻ đẹp vùng Trung Á

Từ thời Trung cổ, những con đại bàng vàng kiêu hãnh đã được những người đi săn huấn luyện làm chim săn mồi. Truyền thống đó vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay tại Cadắcxtan, cho dù đa số những người huấn luyện đại bàng vàng giờ chỉ còn dùng chú mãnh điểu oai hùng của mình để biểu diễn phục vụ du khách.


 

Một berkutchy nữ, với chiếc găng tay da, đang chỉ huy đại bàng vàng săn mồi.

 

Đi săn với đại bàng vàng được coi là một nghệ thuật truyền thống của vùng thảo nguyên Á - Âu, đặc biệt là ở Trung Á. Những người huấn luyện đại bàng vàng, cũng là thợ săn chuyên nghiệp, được gọi là berkutchy theo tiếng Kazakh. Họ thường được huấn luyện trong nghề này thông qua cha truyền con nối.


Để có được đại bàng vàng, trợ thủ đắc lực nhất trong các chuyến đi săn, các berkutchy phải mất rất nhiều công sức và thời gian để huấn luyện loài chim hoang dã này. Sau khi bắt được đại bàng, người ta lấy miếng da bịt lên đầu nó để nó không thể nhìn thấy gì, sau đó cho nó đứng trên một thanh gỗ ở một cành cây, đung đưa qua lại khiến cho đại bàng không thể nào đứng vững. Sau nhiều đêm, đại bàng kiệt sức và rơi xuống, lúc ấy người ta dùng nước lạnh để khiến nó tỉnh dậy rồi cho nó uống nước, không cho ăn thịt.


Sau vài tuần, khi bị bịt mặt, đại bàng bắt đầu trở nên lệ thuộc vào chủ nhân. Khi đại bàng dần dần được thuần hóa người ta mới cho nó ăn. Cho ăn cũng cần có phương pháp đúng, người thuần hóa đại bàng đặt một miếng thịt lên bộ da ở vai áo để đại bàng tự tới ăn. Sau một thời gian dài bị đói, đại bàng nhìn thấy thịt cũng trở nên vội vàng hơn, người thuần hóa mỗi lần cho ăn lại làm tăng khoảng cách giữa đại bàng và miếng thịt và không được cho đại bàng ăn no. Họ cũng nhồi thịt dính máu vào trong những hình nộm thỏ hoặc sói để luyện cho đại bàng vồ mồi.


Đại bàng được huấn luyện để trở thành thân thiết và tin cậy với chủ nhân. Mối quan hệ này kéo dài tới hàng chục năm. Tại Cadắcxtan, người ta nói, con người huấn luyện đại bàng và đại bàng cũng rèn luyện con người. Người Kazakh cũng có câu ngạn ngữ rằng: “Có ba thứ mà một người đàn ông thực thụ cần phải có: Một con ngựa khỏe, một con chó săn và một con đại bàng vàng”.


Đại bàng vàng, thuộc họ ưng, là loài chim ăn thịt lớn nhất trên thế giới, cũng là loài hung dữ nhất, với chiều dài thân từ 66-102 cm và sải cánh rộng từ 1,8 - 2,34 m. Đại bàng vàng có thể sà xuống quắp đi cả những con thú lớn như chó sói, với tốc độ bay lên tới 200 km/giờ. Người ta đã ghi nhận khoảng 200 loài thú và chim có trong thực đơn của loài chim chúa tể này.


Theo Paul Prander, một trong những berkutchy hàng đầu ở Cadắcxtan, truyền thống đi săn với đại bàng ngày nay chỉ còn tồn tại ở quốc gia này và nước láng giềng Cưrơgưxtan, và hiện cũng chỉ còn khoảng 50 berkutchy ở Cadắcxtan. “Hầu hết người huấn luyện đại bàng bằng lòng với việc kiếm sống bằng cách chụp ảnh cùng khách du lịch hoặc biểu diễn phục vụ họ. Song vẫn còn một nhóm nhỏ khoảng 10 berkutchy vẫn sử dụng loài chim này để đi săn kiếm sống”, ông Pfander cho biết.


Ngày nay, chính phủ Cadắcxtan đã quan tâm nhiều hơn tới việc bảo tồn truyền thống đi săn với chim săn mồi, trong bối cảnh, những loài khác thuộc họ chim ưng đang bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ tuyệt diệt. Theo ông Pfander, chỉ trong hai thập kỷ qua, số lượng các loài chim ưng ở Cadắcxtan đã giảm tới 90%.


Những quốc gia giàu có ở Trung Đông như Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất đang trở thành điểm đến chính của những con chim săn mồi hoang dã. Tại đây, chim ưng đậu trên bao tay da ở một gia đình quyền quý là một biểu tượng cho địa vị giàu sang, giống như máy bay phản lực cá nhân hay xe limousine dòng top-end (cực xa xỉ).


Chính quyền Cadắcxtan đã phối hợp với các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã tìm cách đưa những chú chim ưng trở lại môi trường sinh sống tự nhiên của chúng. Tuy nhiên, những nỗ lực đó là quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường. Thị trường “đen” chim săn mồi ước tính trị giá 300 triệu USD/năm, trong đó mỗi chú chim ưng phương bắc, chim cắt lớn (Peregrine), chim cắt saker có giá tới 200.000 USD mỗi con.


Mặc dù vậy, ông Pfander tin tưởng, truyền thống đi săn cùng chim săn mồi, đặc biệt là đại bàng vàng, ở Cadắcxtan chắc chắn sẽ không phai mờ trong tương lai gần. Theo ông, việc bắt và huấn luyện đại bàng vàng quá khó khăn và gây nguy hiểm tới người huấn luyện, do đó, không giống như những loài chim ưng khác, số lượng đại bàng vàng ở Kazakhstan hiện vẫn ổn định.


Hằng năm, vào tháng 12, tại Chengelsy Gorge, miền đông Cadắcxtan, lại diễn ra cuộc thi “Đại bàng săn mồi”, nơi những con đại bàng vàng thể hiện sức mạnh tuyệt vời của mình dưới sự dẫn dắt của các berkutchy. Cuộc thi trở thành một nét văn hóa độc đáo vùng thảo nguyên Trung Á và thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

 


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN