Cuộc gặp lịch sử của tàu vũ trụ Rosetta và sao chổi

Sau hơn 10 năm theo đuổi, tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cuối cùng đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên có cuộc gặp lịch sử với sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, ngôi sao chổi có hình dáng giống một con vịt cao su.


Mặc dù các nhà du hành đã mường tượng trước được những gì họ sẽ nhìn thấy nhưng họ cũng như giới chuyên gia toàn cầu đều hồi hộp, hào hứng khi cuối cùng tàu Rosetta cũng được “mục sở thị” và nghiên cứu sao chổi ở cự ly gần.

 

Tàu vũ trụ Rosetta đeo bám sao chổi “vịt”.


Tàu Rosetta bắt đầu hành trình tới ngôi sao chổi từ ngày 2/3/2004 và từ đó đến nay đã đi một quãng đường xấp xỉ 6,4 tỷ km. Đến ngày 4/8/2014, Rosetta chỉ còn cách sao chổi 232 km, ngắn hơn cả khoảng cách giữa Trạm Vũ trụ Quốc tế và Trái Đất. Từ khoảng cách này, đài thiên văn đã chụp một trong những bức ảnh tuyệt vời nhất, ấn tượng nhất về sao chổi - một trong những “vị khách” đến từ khu vực xa xôi của Thái dương hệ.


Churyumov-Gerasimenko được nhà thiên văn học Klim Churyumov người Ukraine phát hiện ngày 20/9/1969. Sao chổi này không thể nhìn bằng mắt thường từ Trái Đất. Nó đang lao về phía Mặt Trời với vận tốc tới 55.000 km/giờ và sẽ gần Mặt Trời nhất vào tháng 8/2015. Sứ mệnh của Rosetta sẽ kết thúc cuối năm 2015.

Vào ngày 11/11 tới, nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, tàu Rosetta sẽ triển khai một tàu đổ bộ tên là Philae để chụp ảnh cận sao chổi, phân tích cấu trúc và thành phần cấu tạo một cách chi tiết chưa từng có so với trước đây. Tàu đổ bộ Philae mang theo 9 thiết bị để khám phá sao chổi, trong đó có một máy khoan để khoan vài cm vào bề mặt sao chổi. Ông Fred Goesmann, thành viên đội tàu Rosetta thuộc Viện Nghiên cứu Thái dương hệ Max Planck ở Katlenburg-Lindau (Đức) cho biết: “Mũi khoan sẽ đào mẫu vật chất sao chổi và đặt nó vào một cái lò nhỏ để các hóa chất dễ bay hơi thoát ra và từ đó có thể nhận dạng được hóa chất”.


Trước đó, tàu Rosetta đã bắt đầu kiểm tra sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko bằng máy quang phổ siêu âm cực tím ALICE. Dụng cụ này có thể phát hiện ra sao chổi đã được hình thành ở nhiệt độ bao nhiêu. Tàu Rosetta còn có một loạt camera để quan sát các vật thể khác từ Thái dương hệ.


Sứ mệnh khám phá sao chổi của tàu Rosetta được coi là chưa từng có trong lịch sử vũ trụ thế giới. Các nhà khoa học vũ trụ mới chỉ nghiên cứu sao chổi bằng kính viễn vọng từ Trái Đất. Các vụ như sao chổi tự hủy diệt, lao vào Sao Mộc hay “tự sát” khi tiến quá gần Mặt Trời đều được quan sát từ Trái Đất. Chưa từng có sứ mệnh nào đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ săn đuổi sao chổi ở vận tốc cao tới 55.000 km/giờ, xâm nhập quỹ đạo sao chổi, thậm chí đưa tàu đổ bộ xuống bề mặt của vật thể bí ẩn này như sứ mệnh của Rosetta.


Sao chổi nói chung có thể được gọi là một “quả bóng tuyết bẩn” theo ví von của một nhà du hành Mỹ vì cấu tạo của chúng gồm đá nước, băng khô, ammonia và bụi. Những thành phần này sẽ nóng dần lên và tan chảy khi sao chổi hướng tới Mặt Trời và chúng có thể tạo thành một hoặc nhiều “đuôi”, khiến sao chổi có vẻ đẹp đặc biệt khi nhìn từ Trái Đất.


Những quả “bóng tuyết bẩn” này có thể giúp lý giải mọi bí ẩn khoa học về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất. Phần lớn sao chổi đã bị đông lạnh nhanh từ khi Thái dương hệ hình thành cách đây 4,6 tỷ năm vì thế chúng còn lưu giữ một số vật liệu gốc từ thời kỳ sơ khai đó.


Những bí ẩn về sự sống trên Trái Đất liên quan đến sao chổi có thể được giải đáp, ít nhất là một phần, khi tàu Rosetta và tàu đổ bộ Philae rong ruổi cùng chú “vịt cao su” trong thời gian tới. Ông Mark Taylor, nhà khoa học dẫn đầu trong dự án Rosetta, giải thích: Chúng ta sẽ tiếp cận với Mặt Trời gần nhất vào mùa hè năm 2015 khi hoạt động của Mặt Trời đạt cực điểm, lõi của nó sẽ bắn ra hàng ngàn kg vật liệu mỗi phút. Các vật liệu này sẽ tạo cho sao chổi một bầu khí quyển tạm thời để tàu vũ trụ lấy mẫu, phân tích. Nhờ đó, ta có thể biết được băng trên sao chổi có phải là một loại hóa chất cùng loại với những thứ có ở đại dương trên Trái Đất hay không.


Nguyễn Việt Sơn

Nhật Bản chuẩn bị lập lực lượng giám sát vũ trụ
Nhật Bản chuẩn bị lập lực lượng giám sát vũ trụ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang có kế hoạch thành lập lực lượng giám sát không gian vũ trụ thuộc Lực lượng Phòng vệ nước này vào khoảng năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN