Cuộc chiến chống “bệnh ngủ” châu Phi

Một phụ nữ da đen chừng 65 tuổi ngồi lả dưới một gốc xoài tại một ngôi làng ở Cộng hòa Sát. Bà bị một chứng bệnh kỳ lạ “ăn” vào não, mà người dân địa phương đổ lỗi là do bị yêu thuật.


 

Ở giai đoạn cuối, bệnh trùng mũi khoan khiến người bệnh ngủ li bì, hôn mê rồi tử vong.

 

“Tôi đã bị bệnh hơn hai tháng nay. Tôi đau đầu, sốt, và lúc nào cũng thấy rất mệt”, người phụ nữ có tên Lea Sadene đó nói. Bà vừa được xét nghiệm và chẩn đoán bệnh trùng mũi khoan châu Phi, thường được biết đến rộng rãi hơn với tên “bệnh ngủ”, căn bệnh lây nhiễm qua loài muỗi xêxê, và cho tới nay đã được phát hiện ở 36 quốc gia vùng cận Sahara.


Bà Sadene đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh thường dẫn đến tử vong này. Nếu không được điều trị, chỉ trong vòng 4 tháng đến một năm, “kí sinh trùng sẽ ăn vào não, gây ra những triệu chứng thần kinh nghiêm trọng”, bác sĩ Benedict Blaynay, trưởng bộ phận các bệnh nhiệt đới bị sao lãng, thuộc tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, cho biết.


Trong thời kỳ đầu, “bệnh ngủ” gây sốt kéo dài kèm theo triệu chứng thần kinh do màng não bị tổn thương. Ở thời kỳ giữa, trùng mũi khoan gây viêm màng não, khiến bệnh nhân gầy còm, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Và ở giai đoạn cuối, bệnh nhân ngủ li bì, giấc ngủ ngày càng sâu, cuối cùng họ hôn mê và tử vong. “Bệnh ngủ” có thể gây ra biến đổi về nhân cách, suy giảm trí tuệ, dẫn đến một giấc ngủ dài hoặc bất tỉnh”, vị bác sĩ từng đặt tên cho căn bệnh quái ác ở lục địa đen nói.


Tại ngôi làng Kobitoi ở miền nam Sát, trong cái nắng nóng tới 43 độ C, nhiều phụ nữ đã lũ lượt xếp hàng cùng con cái, những đứa trẻ “bụng ỏng, đít beo”, chờ đến lượt xét nghiệm chẩn đoán bệnh theo một chương trình miễn phí do Sanofi tổ chức.


Các chuyên gia y tế đã phát hiện 14 trường hợp mắc “bệnh ngủ” trong tổng số 120 dân làng làm xét nghiệm. Bác sĩ Peka Mallaye, Giám đốc chương trình quốc gia chống bệnh ngủ của Sát, cho biết: “Làng Kobitoi nằm kế bên một khu rừng nơi loài muỗi xê xê trú ngụ rất nhiều. Vào mùa mưa, người dân thường đi vào rừng để câu cá, săn bắn và đã bị lây nhiễm bệnh”.


Tuy vậy, đấu tranh chống “bệnh ngủ” lại cần nhiều yếu tố khác chứ không chỉ có xét nghiệm và thuốc. Với người dân sống ở các vùng nông thôn của Sát, các triệu chứng lạ của “bệnh ngủ” thường bị đổ lỗi cho yêu thuật và quỷ ám. “Trước đây, chúng tôi không biết rằng bệnh tật đã giết chết mọi người. Người làng chết giống như loài muỗi, và người ta đổ lỗi cho các phù thủy”, một phụ nữ tên Alngar Legode cho biết trong lúc dỗ dành đứa con mới 8 tháng tuổi nín khóc sau khi lấy máu làm xét nghiệm.


Theo nhà xã hội học Serferbe Charlot, thuật phù thủy được cho là chuyện có thật ở Sát và nhiều nước châu Phi khác. “Khi bệnh ‘ăn’ tới não, bệnh nhân bị mất kiểm soát, thậm chí trở nên hung hãn. Đó là khi dân làng tin rằng, linh hồn người đó đã bị quỷ dữ chiếm đoạt”, ông Charlot cho biết và nói thêm, “chính vì vậy cuộc chiến chống “bệnh ngủ” còn phụ thuộc vào các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân”.


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, họ không thất bại trong cuộc chiến này. Sau những nỗ lực kiểm soát không ngừng, những số liệu gần đây nhất cho thấy, số ca nhiễm bệnh mới ở châu Phi vào năm 2009 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 10.000 người trong vòng 50 năm, và xu hướng này tiếp diễn trong năm 2010, khi chỉ có 7.139 trường hợp mắc bệnh mới được ghi nhận.


WHO ước tính, số trường hợp mắc bệnh thực tế tại lục địa đen hiện nay là khoảng 30.000 người, trong đó quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Cộng hòa dân chủ Cônggô. Cùng với các đối tác như Sanofi hay Bayer Healthcare, WHO đã thành lập nhiều đội phát hiện bệnh và cung cấp thuốc điều trị miễn phí cho các quốc gia có dịch. Các chẩn đoán phải được đưa ra sớm trước khi bệnh tấn công vào hệ thần kinh, khiến cho việc điều trị trở nên phức tạp, tốn kém và rủi ro hơn nhiều.


Theo WHO, “bệnh ngủ” được xếp vào danh sách 10 bệnh nhiệt đới bị sao lãng. Hồi tháng 1 năm nay tại Luân Đôn (Anh), WHO cùng chính phủ các nước Mỹ, Anh, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và 13 tổ chức quốc tế, công ty dược phẩm đã cam kết nỗ lực xóa bỏ những căn bệnh này vào cuối thập niên 2010.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN