Câu chuyện của không chỉ những cái cây

Rome (Italy), một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất châu Âu, là một thành phố nổi tiếng với màu xanh. Rome có gần 300.000 cây xanh các loại, có những công viên lớn với các khu rừng như Villa Borghese, Villa Ada và hàng chục công viên nhỏ ít nổi tiếng hơn.

Ngay bên cạnh trụ sở cơ quan thường trú TTXVN ở Rome cũng có một công viên lớn, cung cấp chỗ chơi và cây xanh cho cả một vùng rộng lớn đông dân cư ở phía nam thành phố. Một điều tra của thành phố cuối năm 2014 cho thấy, trong số 300.000 cây ấy, có tới 50.000 cây "có vấn đề", nghĩa là quá cũ, đã mục ruỗng và có nguy cơ đổ xuống đường. Điều đó đồng nghĩa với việc người Rome sống trong nguy cơ bị đổ cây vào đầu? Đúng. Cây luôn đổ ở Rome sau những cơn mưa to, những trận bão, và năm nào cũng có người chết vì cây đổ, nhưng chính quyền thành phố không hô hào chặt tất cả 50.000 cây ấy, hoặc chỉ 1/10, thậm chí 1% số đó cùng một lúc. Việc loại bỏ các cây cũ dễ đổ được tiến hành một cách êm ả quanh năm và mọi hoạt động liên quan đến cây xanh ở Rome không chỉ có thành phố đứng ra tiến hành, mà còn được các tổ chức bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng quan tâm chú ý.

Hoạt động chăm cây, trồng cây và làm sạch các công viên là những việc làm thường xuyên của những khu dân phố ở Rome.



Từ mấy năm nay, cứ vào tháng 11, ngày hội ôm cây được phát động mạnh mẽ trong thành phố, bắt đầu từ việc phát động phong trào công dân chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên mạng xã hội Twitter. Đích thân thị trưởng thành phố và cơ quan môi trường đô thị thực hiện việc trồng cây xanh trong một buổi lễ giản dị, nhưng gây được tiếng vang trong cộng đồng. Và ngài thị trưởng Rome đã làm gì trong buổi tưởng niệm một năm ngày mất của một chàng trai 17 tuổi chết vì một cái cây đè ngang người trong một tối mưa bão? Ông trồng một cái cây trước cửa nhà người thanh niên xấu số.

Ở Italy, yêu cây đã trở thành một lẽ sống, một ý thức được gìn giữ và nhân lên gấp bội trong cộng đồng, được dạy từ con trẻ.

Một thông điệp rất rõ ràng: cái cây đổ gây chết người là một tai nạn, còn việc trồng cây xanh và bảo vệ cây xanh (theo luật và theo ý thức của mỗi người) là bắt buộc. Hoạt động chăm cây, trồng cây và làm sạch các công viên cũng là những việc làm thường xuyên của những khu dân phố. Rome có rất nhiều công viên, công viên nào cũng lớn, phục vụ rất nhiều người, từ những đứa trẻ đang tập đi, những người già đi dạo, những thanh niên tập thể dục. Và người dân của khu dân cư cũng phối hợp cùng với thành phố trong việc chăm sóc cây và bảo vệ màu xanh cho công viên.

Ở họ, yêu cây đã trở thành một lẽ sống, một ý thức được gìn giữ và nhân lên gấp bội trong cộng đồng, được dạy từ con trẻ. Con tôi được dạy trồng cây và yêu cây, cũng như hiểu được tác dụng của cây xanh với môi trường sống từ khi nó mới học lớp 1. Trong một học kì, con bé và cả lớp được dạy về sự lớn lên của một cái cây từ một cái hạt. Chúng phải trồng cây ấy trong một cái chậu nhỏ, sau đó, khi cây bắt đầu lớn lên, thì tất cả đem ra vườn trường trồng. Cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ những đứa trẻ cách làm đất, cách trồng cây và chăm sóc nó trong một thời gian. Khi cây đã lớn lên, đến một độ nhất định, những đứa trẻ lại đánh cây vào chậu và trường tổ chức bán cây... cho cha mẹ học sinh để gây quỹ. Cái cây của đứa trẻ nào trồng thì được cha mẹ chúng mua về (với giá tượng trưng chỉ 1 - 2 euro) và cho con trẻ chăm tiếp ở nhà mình, còn tiền thu được thì nhà trường làm quỹ bảo vệ môi trường. Không có gì ngạc nhiên, khi từ những hành động cụ thể ấy - chứ không phải trên sách vở - những đứa trẻ ấy biết yêu cây, yêu thiên nhiên từ khi còn nhỏ.

Và như thế, Rome và Italy mãi xanh.

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc(P/v TTXVN tại Italy)

Ngộp thở cây xanh Hà Nội
Ngộp thở cây xanh Hà Nội

Có những cây xanh bị đổ a xít, nước nóng vào gốc để… cây chết; có cây bị đổ bê tông bịt kín cả rễ; có cây bị đóng đinh, chăng dây khiến thân cây đầy vết sẹo nham nhở…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN