Cấm ăn xin tại quốc gia siêu thịnh Na Uy

Margel Nikoleta là người ăn xin cuối cùng trong thành phố tự trị Arendal ở Na Uy. Ngồi ở quảng trường chính của thành phố, cô tiếp tục kiếm sống bằng cách xin tiền người qua đường. Một số người thấy cảm thương thả vài đồng bạc vào trong chiếc cốc giấy trước mặt cô.

Tuy nhiên, hành động của Nikoleta bị coi là bất hợp pháp, bởi Arendal đã trở thành địa điểm đầu tiên của Na Uy thực hiện luật cấm ăn xin.

Ăn xin là một tội?


Là một trong những nước giàu có nhất thế giới, Na Uy đang có kế hoạch triển khai luật cấm ăn xin phổ biến trên toàn lãnh thổ. Hơn 60% dân số quốc gia Bắc Âu này cho rằng ăn xin nên được khép thành một tội, thậm chí có ý kiến còn đề xuất nên xử phạt hành chính hay 3 tháng tù giam. Họ cho rằng phần lớn người ăn xin tại quốc gia này không phải là người gốc Na Uy, và chính điều đó là nguyên do cho sự gia tăng các tệ nạn xã hội như trộm cắp và buôn bán ma túy trái phép.

Một người ăn xin trên đường phố Olso - thủ đô của Na Uy.


Người dân và nhiều quan chức Na Uy đều phàn nàn về sự xuất hiện của những người ăn xin nhập cư tại các ngóc ngách trên đường phố hay ở ngoài các cửa hàng.

Ông Tore Olanf, một thành viên trong Đảng bảo thủ Na Uy, khẳng định có mối liên hệ giữa các đối tượng ăn xin và khả năng phạm tội. Cảnh sát thành phố Areandal hồi năm ngoái đã bắt giữ 3 người đóng giả ăn xin để buôn bán thuốc phiện. Trong khi đó, theo các vụ việc được ghi nhận, nhiều vụ trộm cắp trong thành phố bắt nguồn từ thành phần ăn xin nhập cư trái phép.

Tại các quốc gia khác, ăn xin cũng liên quan đến nhiều hình thức tội phạm. Ở Anh, những đối tượng nghiện ngập, lười biếng đóng góp một phần không nhỏ trong cộng đồng ăn xin. Những đối tượng này ngồi tại các góc phố, bên ngoài các cửa tiệm, nhà hàng, dưới ga tàu điện ngầm, cầu xin lòng thương hại của người qua đường, thậm chí dọa nạt bắt ép họ đưa tiền. Hay như ở một số quốc gia như Đan Mạch, việc lợi dụng trẻ em đi ăn xin cũng bị khép thành một tội. Hình thức ăn xin này còn dính líu đến một loại tội phạm nghiêm trọng hơn, đó là buôn bán trẻ em. Theo một báo cáo gần đây của UNICEF, 13% nạn nhân trong đường dây buôn bán trẻ em ở đông nam châu Âu bị ép buộc tham gia vào các hoạt động ăn xin có tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hình thức buôn bán trẻ em phục vụ cho hoạt động ăn xin được Ngân hàng Thế giới ghi nhận diễn ra tại Nam và Trung Á, châu Âu, Mỹ Latinh, Địa Trung Hải, Trung Đông và Tây Phi. Thậm chí Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ước tính có đến hơn 600.000 trẻ em tham gia vào hoạt động ăn xin ép buộc này.

Cấm ăn xin - vấn đề không mới

Ngăn cấm tệ nạn ăn xin hiện nay không còn là một khái niệm mới đối với nhiều quốc gia. Trên thực tế, trong nhiều thế kỉ qua, rất nhiều bộ luật cấm ăn xin và “văn hóa đường phố” liên quan đến gái mại dâm hay những đối tượng lang thang đã được ban hành tại các quốc gia châu Âu. Các biện pháp cấm và hình phạt phụ thuộc vào bối cảnh cũng như thời điểm tại mỗi nước.

Margel Nikoleta - người ăn xin cuối cùng trong thành phố Arendal (Na Uy).


Ở các nước ban hành luật cấm ăn xin, vấn đề này vẫn gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người coi việc cấm ăn xin là vi phạm nhân quyền. Trong những năm 1960-1970, rất nhiều nước Tây Âu tuyên bố luật cấm ăn xin không có hiệu lực. Các nước Đông Âu cũng bắt đầu thu hồi lệnh cấm trong những năm 1990. Ở Ireland, Luật Lang thang 1874 tuyên bố ăn xin bị khép vào một tội, đã bị Tòa án Tối cao bãi bỏ vào năm 2007.

Song mấy năm gần đây, tại khu vực thủ đô ở các nước châu Âu, sau khi liên tiếp nhận những lời phàn nàn từ phía các nhà kinh doanh hay người dân, chính quyền địa phương lại bắt đầu triển khai quy định ngăn chặn hành vi ăn xin. Ở thủ đô Paris (Pháp), điều luật cấm ăn xin đã được ban hành và áp dụng cho một số điểm du lịch và khu thương mại trong thành phố vào năm 2012. Các thành phố khác như Madrid và Vilnius cũng bắt đầu quan tâm đến luật cấm ăn xin và triển khai tại khu vực nội thành.

Giải pháp triệt để

Luật cấm ăn xin tại một số nước Mỹ:

Lệnh cấm ăn xin đã được áp dụng ở một số khu vực ở San Francisco, bang California. Vào tháng 5/2010, cảnh sát thành phố Boston đã bắt đầu chiến dịch giải tán ăn xin trong thành phố và triển khai công tác tuyên truyền cho người dân, khuyên họ không nên cho tiền những người ăn xin. Anh: Ăn xin trở thành hành vi trái pháp luật theo Luật Lang thang năm 1824. Tuy nhiên, loại tội này chỉ bị xử phạt hành chính. Phần Lan: Năm 2003, Luật Trật tự công cộng quy kết ăn xin là một tội. Romania: Điều luật 62 năm 1991 ngăn cấm các hành vi xin bố thí từ người khác. Đan Mạch: Ăn xin được coi là hành vi phạm pháp. Nếu trong gia đình có trẻ dưới 18 tuổi ăn xin thì bố mẹ sẽ bị khép tội và có thể bị tống giam đến 6 tháng tù.

Quay trở lại luật cấm ăn xin tại Na Uy, nhiều người phản đối nói rằng việc ban hành luật cấm là nhằm tấn công vào những người nhập cư gốc Di gan. Tuy các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ăn xin nhập cư không nằm trong một đường dây có tổ chức sẽ không bị chính phủ cấm đoán. Tuy nhiên, nhiều nhà phản đối lệnh cấm lại cho rằng với cách diễn đạt từ ngữ mập mờ trong lệnh cấm, thì đối tượng ăn xin nào với bất kể mục đích gì cũng sẽ bị cấm hành nghề.

Ông Alfred Frevert - một tình nguyện viên 52 tuổi - bức xúc: “Lệnh cấm thật điên rồ. Chúng ta đã mở cửa biên giới, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải có trách nhiệm với những người nhập cư. Tại sao không đóng hẳn cửa biên giới để những người nhập cư không thể vào nữa, lúc đó sẽ không còn lệnh cấm, và những người ăn xin hiện nay cũng không phải chịu khổ”.

Trước thực trạng chính quyền thành phố ban hành lệnh cấm, đồng nghĩa với việc không được phép ngủ ngoài đường hay công viên, người ăn xin buộc phải tìm chỗ ở tạm thời tại các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Na Uy vẫn chưa có biện pháp gì giúp đỡ cho những người ăn xin đơn thuần. Thậm chí họ còn cắt giảm hỗ trợ xây dựng chỗ ở tạm thời cho những người ăn xin và vô gia cư trong ngân sách phúc lợi xã hội năm 2015.

“Họ muốn thay đổi cảnh quang đường phố, họ muốn một hình thức bên ngoài sạch đẹp nhưng họ không hiểu là cái bên trong mới là điều quan trọng”, Rune Berglund Steen - người đứng đầu trung tâm chống phân biệt chủng tộc tại Na Uy nhận xét.

Hồng Hạnh

Chuyện đời của gã ăn xin kiếm 1,6 tỷ đồng/năm
Chuyện đời của gã ăn xin kiếm 1,6 tỷ đồng/năm

Đều đặn 9h sáng hàng ngày, Simon Wright dắt theo một chú chó ra phố và ngồi xin tiền ở đó ít nhất 8 tiếng rồi mới trở về nhà. Người đàn ông này còn “làm việc” cả cuối tuần bởi số tiền hắn kiếm được sau mỗi buổi thực sự không hề nhỏ - khoảng 200 bảng Anh (hơn 6,5 triệu đồng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN