Barefoot "đổi đời" phụ nữ nông thôn

Đào tạo kiến thức nhưng không cấp bằng, giáo viên và học sinh không dùng chung một ngôn ngữ - đó là đặc tính của Trường cao đẳng Barefoot ở Ấn Độ, ngôi trường đã biến đổi hoàn toàn cuộc sống của những phụ nữ vùng nông thôn trong bốn thập kỷ qua.


Lớp học về ứng dụng năng lượng mặt trời do Kanwar (thứ hai từ phải sang) giảng dạy. Ảnh: internet

Nằm ở làng Tilonia (cách thủ phủ của bang sa mạc miền tây Rajasthan 100 km), Barefoot gồm một vài tòa nhà mái vòm nhỏ bé. Bên trong các tòa nhà, khoảng hơn chục giáo viên giảng dạy các môn học như kỹ năng ứng dụng năng lượng mặt trời, chữa bệnh về răng miệng, sửa chữa cơ khí hay sức khỏe cộng đồng…

Toàn bộ học sinh của Barefoot đều là phụ nữ, ngồi học dưới sàn nhà bên những chiếc bàn nhỏ cũ kỹ, một vài người trong số họ là những phụ nữ cao tuổi và mù chữ đến từ những ngôi làng hẻo lánh. Gần như tất cả các nữ sinh của Barefoot sống trong cảnh đói nghèo, nhiều người không có khả năng đọc hoặc viết và không ít chị em đến từ đất nước Tandania xa xôi.

Magan Kanwar, giáo viên giảng dạy về ứng dụng năng lượng mặt trời tại Barefoot, nhớ lại trước đây bố chồng bảo chị chỉ nên tập trung vào việc đan áo len và chớ có mơ tưởng rằng một ngày nào đó được đến trường. "Tôi muốn làm một việc gì đó có ích cho xã hội, hơn là chúi đầu vào bếp và sinh con đẻ cái. Ngôi trường này đã cho tôi cơ hội tìm thấy mục đích sống của cuộc đời", Kanwar tâm sự. Chị cho biết, có khá nhiều nữ sinh ở Barefoot lấy phải những người chồng nghiện rượu và vũ phu. Do đó, những kiến thức do Barefoot trang bị đã góp phần tạo cho những chị em kém may mắn này sự độc lập và điều quan trọng hơn là với các kiến thức học được tại trường, chị em có thể đảm bảo được thu nhập cũng như tương lai của con cái. "Sau khi rời khỏi Barefoot, các nữ sinh có thể tìm việc làm và giáo dục con trẻ, quản lý tốt gia đình mình" - Kanwar khẳng định.

Đáng chú ý trong số các học sinh của Kanwar là chị Masamba Hameez Makami, 47 tuổi, người Tandania và là bà mẹ có 7 con. Makami có cơ hội theo học tại Barefoot là nhờ sự tài trợ của chính phủ Ấn Độ, với việc cấp 28 suất học bổng hồi năm ngoái cho những nữ học sinh đến từ châu Phi. Sau khóa học về sự ứng dụng của năng lượng mặt trời kéo dài sáu tháng, Makami mong muốn được trở về quê hương và lắp đặt các tấm pin mặt trời tại ngôi làng Zanzibar, nơi chị sinh ra và lớn lên. Ước mơ mà Makami ấp ủ bấy lâu nay là mang lại ánh đèn cho người dân Zanzibar, nơi từ trước đến nay chưa từng có điện. Makami nói tiếng Swahili, ngôn ngữ vùng Đông Phi. Để vượt qua rào cản về ngôn ngữ, Kanwar đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và những bảng điện nhiều màu sắc để giải thích cho Makami về quá trình lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Barefoot được doanh nhân Sanjit "Bunker" Roy sáng lập vào năm 1972 và được xem là đã phá vỡ nhiều điều cấm kỵ dành cho phụ nữ thời đó. Ngôi trường này trang bị kiến thức cho nữ giới, những người vốn bị coi là các công dân hạng hai và không được học hành. Roy, được tạp chí Time bình chọn là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2010, tin rằng "chìa khóa" để cải thiện điều kiện sống tại những khu vực nghèo khó là đem lại "quyền năng" cho phụ nữ vùng nông thôn.

Cùng chung quan điểm với ông Roy, điều phối viên Bhagwat Nandan tại Barefoot nhấn mạnh: "Sở dĩ chúng tôi chỉ tiếp nhận các nữ sinh là vì cánh mày râu thường thiếu kiên nhẫn và không chịu ngồi yên một chỗ. Nếu Barefoot trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho họ, họ sẽ rời khỏi ngôi làng nơi mình sinh sống và kiếm việc làm ở nơi khác".

Mô hình giảng dạy của Barefoot đã được nhân rộng tại 17 bang trên khắp đất nước Ấn Độ cũng như tại 15 quốc gia ở châu Phi và một số nơi ở châu Á và Nam Mỹ. Các khóa học tại ngôi trường này là miễn phí và thường kéo dài khoảng từ 6 đến 9 tháng. Hoạt động của Barefoot dựa vào sự tài trợ của chính phủ Ấn Độ, các tổ chức quốc tế cũng như các quỹ từ thiện của tư nhân. Barefoot ước tính đã đón nhận khoảng 10.000 nữ sinh từ sau ngày thành lập đến nay.

H.H (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN