Bấp bênh làng nổi Campuchia

Trải qua bao thế hệ, người dân sống tại các làng nổi ở Campuchia đã quen với con nước lên xuống theo mùa của hồ nước ngọt Tonle Sap lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, xu hướng hiện đại hóa và tình trạng khan hiếm nguồn cá đang đe dọa nếp sống truyền thống bao đời nay của họ.


Một làng nổi tại tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia.


Dưới sự bồi đắp của sông Mê Kông màu mỡ, biển hồ Tonle Sap có hệ sinh thái vô cùng đa dạng với khoảng 150 loài cá. Đây là nơi sinh sống khá lý tưởng của hàng trăm nghìn người dân vốn chỉ mưu cầu một cuộc sống vừa đủ ăn.


Diện tích Tonle Sap biến đổi giữa mùa khô và mùa mưa. Vào thời điểm đỉnh lũ, khu vực bị ngập có thể rộng tới 14.500 km2, trong khi mùa khô chỉ khoảng 3.500 km2 nằm dưới mặt nước. Độ sâu của hồ có lúc chỉ chưa đầy nửa mét, có lúc lại sâu tới 9 mét, nhất là vào tháng 9 và 10 hàng năm.


Để thích nghi với con nước của hồ Tonle Sap, người dân làm nhà, trường học, cửa hàng cắt tóc, phòng khám nha khoa... sao cho tất cả đều bồng bềnh trên mặt hồ. Người dân trên hồ Tonle Sap chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhiều người thậm chí không hình dung được cuộc sống sẽ thế nào nếu không làm nghề này. Ông Sok Bunlim, người từ bé đã sống ở làng Chhnork Trou, vừa vá tấm lưới rách vừa tâm sự: “Nếu chuyển lên sống ở đất liền, tôi không biết trồng trọt, không biết cách cấy cày. Cuộc sống ở làng nổi tốt hơn nhiều”.


Người dân làng nổi không hoàn toàn xa cách với cuộc sống hiện đại. Nhiều người dân đã có đài, tivi, xuồng máy. Mặc dù vậy, họ vẫn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá và buôn bán ven hồ. Ước tính có hàng chục nghìn người sống trong các khu làng nổi trên hồ Tonle Sap.


Tuy nhiên, nghề mưu sinh truyền thống của họ đang đối diện với tương lai bấp bênh. Sản lượng cá mỗi năm của hồ Tonle Sap từng đạt từ 200.000 - 218.000 tấn, chiếm gần một nửa tổng sản lượng đánh bắt cá của Campuchia. Tuy nhiên, khi lượng cá đang giảm sút thì trong tương lai, thật khó để vượt con số “huy hoàng” trên.


Đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá, năm 2012, chính phủ Campuchia đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá quy mô lớn. Bộ trưởng Thủy sản Campuchia Nao Thourk cho biết Campuchia đang nỗ lực tìm cách tăng lượng cá.


Làm được điều này không phải đơn giản vì nhiều ngư dân vẫn đánh bắt cá bất hợp pháp, đặc biệt là đánh bắt cá bằng điện. Ông Om Sovath, giám đốc điều hành Liên minh Hành động Thủy sản (FACT), cho biết: “Nếu chúng ta nhìn vào mức độ khai thác cá hiện nay, chúng ta sẽ không thể mong sản lượng cá tăng lên”.


Ngoài ra, nghề đánh bắt cá và môi trường tự nhiên của hồ còn đang bị đe dọa khi dân số tăng nhanh, môi trường sinh thái bị hủy hoại và nhiều đập nước ở thượng nguồn đang được xây dựng.


Cá ít đi, người dân ở làng nổi cũng lần lượt bỏ hồ đi tìm cơ hội sống trên đất liền. Anh Yorng Sarath, 25 tuổi, cho hay khi nước lặng, anh có thể đánh được 5 kg cá mỗi ngày, còn ngược lại thì chỉ được khoảng 1 kg. Số cá này quá ít để duy trì cuộc sống bình thường. Sarath cho biết một khi có đủ tiền, anh sẽ chuyển cả nhà lên đất liền sống và tìm việc làm.


Sarath không phải là người duy nhất muốn chuyển khỏi làng nổi. Trong hai năm qua, khoảng 400 hộ gia đình, chiếm 1/5 dân số làng Chhnork Trou, đã bỏ đi tìm kiếm một cuộc sống đủ đầy hơn trên đất liền. Thế hệ trẻ không muốn tiếp tục sống tại làng nổi lâu hơn nữa.


Ngoài đánh bắt cá và bán hàng lặt vặt, cơ hội việc làm ở làng nổi không nhiều trong khi con người ngày càng có nhu cầu cao về giáo dục và muốn tìm cơ hội tốt hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc sống truyền thống của cư dân làng nổi có thể sẽ trở thành điều dĩ vãng. Một ngư dân tên Bunlim, người đã gắn bó 62 năm với hồ nước, buồn bã: “Tôi không thể nói trước về tương lai của làng nổi”.


Huyền Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN