“Bác sĩ hề” ở Nêpan

Không phải là bác sĩ, song mỗi khi anh hề Dush bước vào khu điều trị trong bệnh viện với đôi giày mềm và chiếc mũi đỏ thì khuôn mặt các em bé ở đây bỗng sáng bừng lên.


 

Ông David Barashi đang vui đùa với các bệnh nhân ở bệnh viện Dhulikhe.

 

Anh hề Dush, biệt danh của David Barashi, 36 tuổi người Ixraen, đã đến Nêpan để giúp các bác sĩ và y tá ở đây hiểu rằng cười cũng là một phương thuốc tốt và sự xuất hiện của các chú hề trong bệnh viện có thể giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân.


Barashi, người đã có 10 năm thâm niên trong nghề này và được chứng nhận là một “bác sĩ hề”, cho biết: “Anh hề có thể mang lại điều gì đó cho mọi người. Khi bạn ở trong bệnh viện, bạn không nên chỉ nhìn vào khía cạnh đau đớn và ốm yếu của bệnh nhân, bạn cần phải nhìn vào khía cạnh sức khỏe, khía cạnh muốn làm một đứa trẻ của bệnh nhân. Trong mỗi con người chúng ta đều có một đứa trẻ và anh hề xuất hiện trong bệnh viện để làm sống lại thời thơ ấu của họ”.


Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương thuốc “anh hề” có thể giảm bớt sự lo lắng và đau đớn cho các bệnh nhân, kể cả trẻ em và người lớn, tăng tỉ lệ thụ thai thành công, giảm huyến áp cao và trợ giúp tích cực trong việc chữa trị chứng mất trí nhớ của người già.


Barashi, được trường Đại học Haifa của Ixraen cấp chứng chỉ “bác sĩ hề”, đã chỉ cho các bác sĩ, y tá ở Nêpan cách mà anh sử dụng vai hề của mình để các em nhỏ cảm thấy tốt hơn trước mỗi ca phẫu thuật.


Barashi từng làm việc với trẻ em mồ côi ở Êtiôpia, những người sống sót sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản, các trẻ em trong trận động đất kinh hoàng ở Haiti trước khi được mời đến Nêpan thăm bệnh viện Dhulikhel nằm cách thủ đô Cátmanđu 30 km về phía đông nam.


Anh cho biết: “Tôi không có ý định biến các bác sĩ, y tá thành những anh hề. Chúng tôi làm việc cùng nhau. Không thể làm việc được trong bệnh viện nếu như các bác sĩ và y tá không xem tôi như một phần của đội ngũ y tế”.


Do đó, Barashi không yêu cầu các nhân viên y tế phải học cách pha trò hoặc phải mặc trang phục của anh hề, song thay vào đó, anh khuyến khích họ cải tiến bộ trang phục trắng của mình bằng cách đeo thêm một vật gì đó hoặc quàng một chiếc khăn để tạo mối liên hệ với bệnh nhân.


Anh cho biết: “Tìm ra một biểu tượng dễ thương và sử dụng nó làm sợi dây kết nối bạn với các em nhỏ. Các em nhỏ sẽ giữ sợi dây này và sau đó, bạn bắt đầu xây dựng một mối liên hệ và chơi đùa với họ”.


Hồi năm 2011, Barashi đã huấn luyện cho 30 nhân viên y tế trong các bệnh viện ở Nêpan. Năm 2012, anh cũng quay lại đây để đào tạo 20 người khác. Các bài tập huấn của Barashi cũng rất đơn giản, song hiệu quả không hề nhỏ chút nào. Một trong những bài tập của anh là chọn một người tình nguyện đứng lên ghế và làm theo các mệnh lệnh. Ví dụ như vỗ tay khi anh làm đúng động tác và im lặng mỗi khi động tác bị làm sai. Ý nghĩa của trò chơi này là làm cho các bác sĩ và y tá suy nghĩ về họ đã giao tiếp với các em nhỏ như thế nào và cũng là để giúp họ trở nên dễ đồng cảm hơn với các bệnh nhân.


Barashi cho biết: “Tôi đã làm việc ở trong các bệnh viện hơn 10 năm và tôi nhận thấy các bác sĩ, y tá không được ‘tươi tắn’ cho lắm. Các anh hề chúng tôi cũng có những lúc mệt mỏi và lo lắng về nhiều việc trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi chúng tôi khoác lên mình bộ quần áo anh hề, chúng tôi luôn vui vẻ”.


L.H (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN