Ấn Độ: Nhu cầu về thực phẩm dinh dưỡng cao gia tăng

Gia đình Ajit Govind Sable đã làm nghề nông ở bang Maharashtra (miền tây Ấn Độ) trong suốt 10 thế hệ, khoảng thời gian đủ dài để chứng kiến sự đổi thay của một vùng nông nghiệp có lịch sử hơn 10.000 năm. Trong hai thế hệ trước, gia đình Sable bắt đầu trồng mía ở Shivthar, một làng vùng cao của Maharashtra, nằm ở gần sông Krishna. Bang có mức độ công nghiệp hóa cao nhất ở Ấn Độ này nhanh chóng trở thành vựa mía đường lớn nhất cả nước.

Một suất cơm với nhiều rau, củ, quả trong một nhà hàng ở thủ đô Niu Đêli. Ảnh: Internet

Nhưng giờ đây, mía đường không còn là chủ đề mà chàng thanh niên 35 tuổi họ Sable nói tới khi anh thư thái nhấp từng ngụm trà trên khoảng sân trước của căn nhà hai tầng, nơi nửa diện tích của tầng một anh dùng để cất giữ số nghệ đã thu hoạch. Thứ mà anh nói tới hiện nay chính là hồ tiêu. Giống như rất nhiều nông dân khác, Sable đang chuyển đổi cây trồng theo thị hiếu của người dân Ấn Độ khi họ chuyển sang sử dụng nhiều rau quả.

Dây chuyền thực phẩm tại Ấn Độ đang trải qua sự thay đổi sâu sắc. Những thay đổi đó đã diễn ra trong nhiều năm nhưng gần đây tốc độ càng được đẩy nhanh cùng với quá trình đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Lấy trường hợp Avantika Singh, 41 tuổi, làm ví dụ. Là một nhà tư vấn trong ngành kinh doanh khách sạn, cô sống tại một khu căn hộ ở thủ đô Niu Đêli cùng chồng là Sanjay, một nhà sản xuất máy thu hình và cô con gái 7 tuổi Romsha. Gia đình cô vẫn thích các món ăn truyền thống, như idlis (một loại bánh gạo của người miền nam ăn kèm với tương ớt) và parathas (bánh mỳ dẹt rán bằng dầu ăn hoặc bơ làm từ sữa trâu). Nhưng giờ đây, Avantika chế biến món mì sợi với hồ tiêu tươi. Cô nói: “Là một người lao động, tôi thường tìm những gì dễ làm và không quá phức tạp. Làm bánh idlis thì phải mất cả ngày hoặc ngày rưỡi. Tôi không có nhiều thời gian như vậy”. Cô từng chứng kiến thế hệ cha mẹ cô phải chịu ảnh hưởng của việc dùng quá nhiều đường và dầu mỡ trong bữa ăn hàng ngày. Do đó, Avantika cho biết: “Nếu làm parathas, bây giờ chúng tôi cũng không cho bơ vào”.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%/năm, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa là thu nhập của người dân Ấn Độ gia tăng nhanh chóng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng từ 857 USD năm 2006 lên 1.265 USD năm 2010, tức tăng gần 50%. Các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 67% trong vòng 5 năm tới, đưa hơn 53 triệu hộ vào nhóm có thu nhập hàng năm từ 340.000 - 1,7 triệu rupee (7.600-38.000 USD).

Ông Bijay Kumar, Giám đốc điều hành National Horticulture Board, cho biết thu nhập gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng cao. Ông nói: "Thu nhập tăng cao cho phép người dân có tiền chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn. Họ đang ngày càng quan tâm tới sức khỏe, với việc tăng lượng hoa quả trong bữa ăn hàng ngày". Trong tài khóa 2009-2010, mức chi tiêu cho rau quả của người Ấn Độ đã tăng gần 9% so với năm trước đó, trong khi chi tiêu cho cho thịt, trứng và cá cũng tăng 31%; song chi tiêu cho ngũ cốc lại không tăng. Trong báo cáo nghiên cứu năm nay, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) nhận xét: “Một sự thay đổi trong chế độ ăn uống đang diễn ra tại Ấn Độ, với nhu cầu đối với các loại thực phẩm giá trị cao, giàu vitamin và prôtêin, như rau quả, trứng, sữa, thịt cá đang gia tăng”.

TKT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN