04:11 19/04/2011

Chuyện kể về người thợ săn hoàn lương

Lean Kha từng là một thợ săn ở tỉnh Mondulkiri còn nhiều khó khăn của đất nước Campuchia. Suốt 30 năm qua, ông lang thang khắp các khu rừng xa xôi ở miền đông Campuchia để săn bắn hàng chục loài động vật quý hiếm, trong đó có cả hổ, gấu và voi.

Lean Kha từng là một thợ săn ở tỉnh Mondulkiri còn nhiều khó khăn của đất nước Campuchia. Suốt 30 năm qua, ông lang thang khắp các khu rừng xa xôi ở miền đông Campuchia để săn bắn hàng chục loài động vật quý hiếm, trong đó có cả hổ, gấu và voi.

Hàng trăm con vật đã ngã gục trước mũi súng của Lean Kha và được ông mang bán lấy tiền trang trải cuộc sống của gia đình. Cũng có lúc ông mang con vật săn được về nhà để ăn. Ông giải thích: "Tôi săn thú vì gia đình tôi chẳng có gì để ăn cả".

Ông Lean Kha và các đồng nghiệp tuần tra trong rừng Mondulkiri. Ảnh: AFP/TTXVN


Rồi đến một ngày, người thợ săn lão luyện ấy thấy hối hận về những gì đã làm với rừng xanh và quyết định "rửa tay gác súng". Những kinh nghiệm thu lượm được trong hàng chục năm săn bắn thú rừng lại được ông Lean Kha sử dụng để bảo vệ động vật hoang dã ở rừng Mondulkiri - khu rừng được Campuchia bảo tồn và hi vọng sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái. Ông Lean Kha cho biết: "Tôi không bao giờ ăn thịt thú rừng nữa. Tôi sẽ không phá hủy những gì tôi đang bảo vệ".

Chính phủ Campuchia hi vọng sẽ thu hút được nhiều du khách tới thăm khu rừng mà ông Lean Kha đang bảo vệ, giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định. Nước này đã hợp tác với các tổ chức bảo tồn để bảo vệ các loài động vật quý hiếm và ngăn chặn những kẻ chặt gỗ trộm.

Ông Keo Sopheak, người quản lý rừng Mondulkiri thuộc Cục Lâm nghiệp Campuchia, đã hình dung đến một tương lai mà người dân địa phương vào rừng để hướng dẫn du khách tham quan chứ không phải để săn thú.

Rừng Mondulkiri rộng khoảng 300.000 ha và có một vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn. Nhưng suốt 3 thập kỷ, phần lớn động vật ở khu rừng này đã bị xóa sổ do nạn săn bắn bừa bãi. Mãi đến năm 1998, tình trạng này mới chấm dứt.

Ông Lean Kha (ngoài cùng bên trái) đã trở thành “người bạn” của thiên nhiên hoang dã. Ảnh: AFP/TTXVN


Bản thân ông Lean Kha bắt đầu nghề săn bắn từ khi 13 tuổi. Hồi đó, ông thường mang theo khấu AK - 47 và vào rừng nhiều ngày liền. Sau mỗi chuyến đi săn như thế, chiếc xe bò của ông chất đầy thịt thú rừng, sừng và xương hổ.

Ông bùi ngùi kể lại: "Hồi đó tôi hoàn toàn không biết gì. Tôi không biết giá trị của động vật. Tôi chưa từng nghe đến bảo tồn thiên nhiên". Thế nhưng, ông cho biết, nghề đi săn cũng không khiến ông khấm khá. Thu nhập lại bấp bênh, chỉ đủ cho gia đình ông sống qua ngày.

Sau khi các nhà bảo tồn thiên nhiên gặp ông và đề nghị trả lương để ông làm người gác rừng, ông đã quyết định đổi nghề. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm. Lean Kha giờ đã là một người bảo vệ tâm huyết của thiên nhiên, để bù đắp lại những gì mà ông coi là tội ác trong quá khứ.

Ông Lean Kha không phải là trường hợp duy nhất. 10 cựu thợ săn khác cũng trở thành nhân viên gác rừng ở Mondulkiri. Nhờ sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã quốc tế (WWF), ít nhất 16 ngày trong tháng, họ cưỡi voi, đi bộ hoặc đi thuyền để tuần tra một khu vực rộng lớn. Năm ngoái, đội tuần tra đã bắt được 8 thợ săn với tang vật là các con vật quý hiếm. Ông Kha tâm sự: "Giờ tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tất cả chúng tôi đều muốn bảo tồn động vật hoang dã để chúng có thể tồn tại đến thế hệ mai sau".

Nỗ lực bảo vệ rừng của họ dường như đã có kết quả xứng đáng khi người ta đã thấy xuất hiện trở lại bóng dáng của những con voi châu Á, gấu đen, hươu Eld, báo, kền kền... ở rừng Mondulkiri.

Giám đốc chương trình WWF Michelle Owen cho hãng tin AFP (Pháp) biết: "Nỗ lực bảo vệ của cả cơ quan chính phủ và những người gác rừng địa phương như Lean Kha đã giúp ngăn chặn tình trạng người dân săn bắn động vật ở các khu bảo tồn".

Tuy nhiên, WWF cảnh báo cần phải làm nhiều hơn để xóa bỏ tận gốc tình trạng săn bắn động vật hoang dã. Trong năm 2010, tại Mondulkiri, đã có ít nhất 11 động vật quý hiếm bị giết hại. Ông Owen thận trọng: "Dù có những dấu hiệu tích cực cho thấy số lượng động vật hoang dã đã tăng trở lại nhưng nhiều loài vẫn đang đứng trước nguy cơ lớn. Cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người tiên phong như ông Lean Kha, cần phải tiếp tục ủng hộ những nỗ lực này".

Thùy Dương