06:00 01/06/2012

Chuyện giao thông ở Ôxtrâylia-Kỳ cuối: Tốt nhưng vẫn tắc

Dù được coi là có một hệ thống giao thông tuyệt vời, song giống nhiều nước khác, xứ sở Chuột túi đang loay hoay với vấn đề nan giải nhất: tắc nghẽn giao thông.

Bài học kiên nhẫn


Dù được coi là có một hệ thống giao thông tuyệt vời, song Ôxtrâylia đang đối mặt với rất nhiều ẩn số của bài toán giao thông trong quá trình phát triển. Giống nhiều nước khác, xứ sở Chuột túi đang loay hoay với vấn đề nan giải nhất: tắc nghẽn giao thông. Sydney, nơi tập trung rất đông dân và lưu lượng giao thông cực lớn, thường xuyên chứng kiến tình trạng này. Đi trong thành phố vào giờ cao điểm, tốc độ của các phương tiện cũng có thể gây “sốc”. Chuyện chờ hàng giờ để đến được nơi làm việc hay trở về mái ấm có thể là điều thường xuyên đối với nhiều người.


Tắc, nhưng không bao giờ có chuyện đi sai làn, len lỏi, lạng lách như một cuộc đua xem ai về đích trước. Tắc, nhưng người ta vẫn kiên nhẫn mà không cần đến cảnh sát giao thông can thiệp. Trên các mặt báo, người ta nêu rất nhiều về vấn đề ách tắc giao thông, nhưng luôn đi kèm với giải pháp kiến nghị. Đó là những động thái cơ bản thể hiện tinh thần xây dựng trong mỗi người dân Ôxtrâylia.


 

Tắc nghẽn giao thông đang trở thành bài toán lớn ở Ôxtrâylia.

Bãi đỗ xe và phí đỗ xe là một ẩn số nữa trong bài toán giao thông ở Ôxtrâylia. Do ô tô là phương tiện đi lại chính của người dân nước này nên việc quy hoạch bãi đỗ xe không hề đơn giản. Có lẽ đây cũng là lý do khiến kiến trúc ở các thành phố của Ôxtrâylia đang chuyển dần từ nhà biệt thự sang nhà cao tầng (để có diện tích làm bãi đỗ xe) và việc quy định giờ đỗ xe được thắt chặt. Nhiều cơ quan đăng ký chỗ đỗ xe cho nhân viên hay khách hàng nhưng cũng chỉ được phép đỗ trong một khoảng thời gian nhất định nhằm chia sẻ cơ hội cho nhiều người khác. Và một trong những cách xử lý bãi đỗ nữa là thu phí thật cao, khiến nhiều người phải cân nhắc giữa phí đỗ ô tô và phí đi các phương tiện công cộng khác.


Thực tế đó lại dẫn đến tình trạng các phương tiện giao thông công cộng bị quá tải. Từ sáng sớm, các chuyến tàu và xe bus đã chật ních người. Phí đi taxi thì không bình dân nên đó chỉ là giải pháp tức thời. Dân Úc bắt đầu gia tăng đề nghị chính phủ mở thêm các tuyến đường giao thông mới, khuyến khích loại hình giao thông mới và gia tăng số chuyến bắt khách. Trong khi nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết, bài học cơ bản nhất rút ra từ chuyện tham gia giao thông ở Ôxtrâylia chính là kiên nhẫn, kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh.

 

Sự kết nối khoa học


Dựa trên những nghiên cứu về xu hướng phát triển dân số của Ôxtrâylia, giới học giả nước này đang đề nghị chính phủ gia tăng các biện pháp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, không để tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Thực tế, với khoảng 23 triệu dân thì Ôxtrâylia hoàn toàn có thể sớm giải quyết bài toán khó này nếu hành động ngay từ bây giờ.


Một nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng ách tắc giao thông ở Sydney là thiếu sự kết nối giữa thành phố với các vùng lân cận. Lời giải cho bài toán này là mở thêm các tuyến đường liên kết, thiết lập các tuyến xe công cộng để phục vụ người dân. Để làm được vậy, chính phủ phải có kinh phí cộng với bản quy hoạch cụ thể.


Bên cạnh đó, hệ thống biển báo giao thông phải được nâng cấp, đèn giao thông phải được nghiên cứu đặt một cách hợp lý. Sự an toàn của mọi đối tượng tham gia giao thông đều phải được coi trọng như nhau. Có quy định giới hạn tốc độ dành cho xe ô tô thì cũng phải có quy định giới hạn tốc độ dành cho xe mô tô. Phía sau các dự án, một điểm lưu ý là người dân Ôxtrâylia vẫn muốn giữ được cảnh quan mà khách du lịch nào đến Ôxtrâylia, hay gần nữa là Sydney, đều yêu thích.


Quy hoạch làm sao để người dân được sống gần nơi làm việc, đó cũng là biện pháp vừa gia tăng chất lượng cuộc sống, vừa góp phần giảm tình trạng ách tắc giao thông. Ôxtrâylia đang rất chú trọng tới biện pháp này và đã thành công ở góc độ giao thông lẫn giáo dục khi bố trí hợp lý các trường học để mọi học sinh có thể được học ở các trường gần nhà. Một nguyên lý khá logic trong cách giải bài toán giao thông của Ôxtrâylia: Hãy chú trọng nhiều hơn tới con người và chất lượng cuộc sống chứ không chỉ có mỗi cách là điều chỉnh các phương tiện giao thông.


Một anh đồng nghiệp của tôi sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Ôxtrâylia trở về Việt Nam, gọi điện tâm sự với tôi câu chuyện dở khóc dở cười. Về đến sân bay Nội Bài, anh bắt taxi từ sân bay, về đến nhà trong tình trạng toàn thân ê ẩm. Không phải vì chuyến bay nhiều giờ (chuyện đó với những người hay đi lại như anh là chuyện nhỏ) mà vì anh vừa có chuyến phiêu lưu tử thần trên xe taxi. Ngồi trên xe không được thả hồn thư giãn, anh còn phải gồng mình lên với những pha lạng lách của tài xế. Hai chân bấm chặt xuống sàn xe, tay giữ thăng bằng, anh căng thẳng, rồi hoảng hốt bước nhanh ra khỏi xe (dù hai đầu gối mỏi nhừ) khi nó đỗ xịch trước cửa nhà.


“Hãy chú trọng hơn tới con người” - điều đó có lẽ phụ thuộc vào chính lối suy nghĩ, thái độ và cách hành xử của mỗi chúng ta.


Bài và ảnh: Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)