09:17 26/09/2014

Chuyên gia Mỹ: Phương Tây đã sai lầm tại Ukraine - Kì I

Washington và đồng minh Phương Tây là bên phải chịu trách nhiệm chính khi đã giành nhiều thập niên để tiến về phía Đông, tấn công vào khu vực lợi ích tự nhiên của Nga.

Phương Tây thường đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Lập luận này là hoàn toàn sai lầm: Washington và đồng minh Phương Tây mới là bên phải chịu trách nhiệm chính khi đã dành nhiều thập niên để tiến về phía Đông, tấn công vào khu vực lợi ích tự nhiên của Nga. Dưới đây là bài phân tích về vấn đề này của Giáo sư Khoa học Chính trị John J. Mearsheimer thuộc Đại học Chicago, Mỹ đăng trên tạp chí “Quan hệ đối ngoại”.

Quan điểm chung của Phương Tây hiện nay là khủng hoảng Ukraine bắt nguồn từ sự gây hấn của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh châu Âu phải chia sẻ trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng hiện nay, bởi vì cội rễ của vấn đề nằm ở việc NATO mở rộng sang phía Đông, đe dọa không gian sinh tồn của Nga. Đây là nhân tố trung tâm của một chiến lược lớn hơn để đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga và hội nhập với Phương Tây. Đồng thời, sự bành trướng của Liên minh châu Âu (EU) sang phía Đông và việc khối này hậu thuẫn cho hoạt động ủng hộ dân chủ tại Ukraine - bắt đầu với cuộc Cách mạng Cam năm 2004 – cũng là những nguyên nhân chủ chốt khác.

Mỹ và đồng minh phương Tây phải chịu trách nhiệm gây ra khủng hoảng tại Ukraine.


Kể từ giữa những năm 1990, giới lãnh đạo Nga đã cương quyết phản đối việc mở rộng NATO và trong những năm gần đây, họ liên tục khẳng định rằng sẽ không ngồi yên trong khi các nước láng giềng có tầm quan trọng chiến lược của mình ngả theo Phương Tây. Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc lật đổ một tổng thống được dân bầu và thân với Điện Kremlin, mà ông gọi là một “cuộc đảo chính”, là giọt nước làm tràn ly. Ông phản ứng bằng cách sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea, một bán đảo mà ông lo ngại rằng sẽ trở thành một căn cứ hải quân của NATO và tìm cách làm Ukraine trở nên bất ổn cho tới khi Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập Phương Tây.

Phản ứng đó hoàn toàn không bất ngờ bởi Phương Tây đã nhảy vào sân sau của Nga và đe dọa những lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, điều mà ông Putin đã liên tục cảnh báo. Giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã ra sức đưa Ukraine trở thành một thành trì của Phương Tây ngay sát biên giới Nga. Hậu quả là cả EU và Nga đều trở thành nạn nhân của chính những đòn trả đũa lẫn nhau. Vì vậy, sẽ còn là một sai lầm lớn hơn nếu tiếp tục chính sách thiếu chín chắn hiện nay.

Hành trình Đông tiến của NATO

Trở lại gần 70 năm trước, khi mà một cuộc Chiến tranh Lạnh đang tới gần, các nhà lãnh đạo Liên Xô muốn các lực lượng của Mỹ ở tại châu Âu và NATO giữ nguyên hiện trạng (không mở rộng). Đó cũng là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo sau này của Nga. Giá mà các nhà ngoại giao Phương Tây hiểu được mối quan ngại trên. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton dường như lại nghĩ ngược lại khi từ giữa những năm 1990 đã bắt đầu thúc đẩy quá trình bành trướng của NATO sang phía Đông.

Chặng đường bành trướng đầu tiên của NATO được khởi động vào năm 1999 với việc kết nạp Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan. Vòng mở rộng thứ hai xuất hiện năm 2004 khi một loạt nước Trung và Đông Âu là Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia gia nhập liên minh quân sự kể trên. Moscow đã phản đối gay gắt ngay từ khi tiến trình bành trướng sang phía Đông này bắt đầu.

Gần đây nhất, để đáp lại sự can dự của Nga đối với Ukraine, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga đồng nghĩa với việc liên minh này phải thiết lập sự hiện diện lớn hơn ở Đông Âu. Ông tuyên bố: "Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng Nga... đang coi NATO là kẻ thù". Theo kế hoạch của NATO, dự kiến hàng ngàn binh lính và trang thiết bị quân sự sẽ được triển khai tới Đông Âu để bảo vệ các đồng minh. NATO cũng thành lập đội “phản ứng nhanh”, bao gồm cả việc luân chuyển binh lính và trang thiết bị tại các cơ sở của NATO ở Đông Âu mà ai cũng hiểu là để nhắm vào Nga.

Trả lời phỏng vấn với báo giới, ông Rasmussen nhấn mạnh: "Trong tương lai, các bạn sẽ thấy sự hiện diện rõ ràng hơn của NATO ở Đông Âu", đồng thời cho biết NATO có thể phát triển các cơ sở hạ tầng như cảng biển và sân bay, tăng cường các cuộc tập trận quân sự và đẩy mạnh hoạt động chia sẻ tình báo. NATO cũng sẽ thiết lập các quỹ để hỗ trợ tài chính cho các đơn vị hậu cần và chỉ huy của quân đội Ukraine cũng như để trả lương cho các binh lính. Một động thái nguy hiểm có nguy cơ làm gia tăng tình trạng đối đầu Nga - NATO.


Thái Nguyễn (Theo Tạp chí Quan hệ đối ngoại)