12:20 01/12/2014

Chuyên gia Ấn Độ nhận định về tiềm năng hợp tác kinh tế Ấn-Việt

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Tấn Dũng, cùng một phái đoàn lớn doanh nghiệp Việt Nam tới Ấn Độ trong hai ngày 27-28/10 vừa qua đã thể hiện mong muốn của ban Lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trong thương mại nhằm tăng cường hợp tác kinh tế nói chung.

Chiều 1/12/2014, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New Delhi về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông Vinod Anand, Chuyên viên cao cấp, Điều phối viên về nghiên cứu tại Viện Vivekananda International Foundation (VIF) của Ấn Độ nhận định: Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng một phái đoàn lớn doanh nghiệp Việt Nam tới Ấn Độ trong hai ngày 27-28/10 vừa qua đã thể hiện mong muốn của ban Lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trong thương mại nhằm tăng cường hợp tác kinh tế nói chung.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gặp các nhà công nghiệp Ấn Độ, trong đó có các thành viên Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên hoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp tại Ấn Độ (ASSOCHAM). Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược mạnh mẽ hơn với Ấn Độ, trong đó các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và thương mại là trọng tâm lớn của chuyến thăm.


Ông Vonod Anand trả lời phỏng vấn P/v TTXVN tại New Delhi. Ảnh: Đăng Chính


Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Ấn Độ ngày 27/10 ở New Delhi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý rằng “Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế năng động đang nổi lên mạnh mẽ tại châu Á, đặt những nền móng quan trọng cho cả hai nước chia sẻ cơ hội và khai thác đầy đủ tiềm năng để mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực trong tương lai”. Đánh giá này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được cộng đồng doanh nghiệp và thương mại tại Ấn Độ hưởng ứng tích cực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo với hơn 300 đại diện doanh nghiệp của hai nước rằng tập đoàn Tata Group và bộ Công nghiệp - Thương mại Ấn Độ (MoIT) đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2. Đầu tư của Tata Group vào dự án này thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Ấn Độ vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.


Thực tế, cả Việt Nam và Ấn Độ đã ký bảy thỏa thuận hợp tác, trong đó có hai thỏa thuận liên quan đến thăm dò dầu-khí. Việc ký kết thỏa thuận về hợp tác hải quan và vận tải biển giữa hai nước cũng là công cụ tạo điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế.


Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác kinh tế, Việt Nam và Ấn Độ cần khai thác đầy đủ tiềm năng kinh tế đang gia tăng của mỗi nước. Mức độ bổ trợ về kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ rất lớn. Ấn Độ là nước có khả năng nhập khẩu hàng tiêu dùng, đồ điện tử, nông-hải sản và đồ gỗ của Việt Nam. Hai nước cũng có tiềm năng hợp tác trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí, hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Bên cạnh đó, ngành dệt là một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn đối với hai nước. Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc xuất khẩu sợi cho ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ấn Độ cần giảm thuế quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Ấn Độ. Việt Nam cũng cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để mở rộng sang thị trường Ấn Độ. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào khoáng sản, sản phẩm hóa học, sản phẩm rau màu và máy móc. Việt Nam có tiềm năng để gia tăng số lượng sản phẩm vào “giỏ hàng hóa xuất khẩu” này.


Trong khi đó, nhiều công ty phát triển hạ tầng Ấn Độ có thể thành lập chi nhánh tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong các dự án liên quan đến du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch tâm linh và văn hóa.


Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cả hai bên đã thừa nhận dầu-khí, phát triển điện, hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế, dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, hóa chất, công cụ máy móc là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước. Ấn Độ hiện nay nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và kim ngạch hai chiều giữa hai nước đã đạt 8 tỷ USD trong năm 2014, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và tạo điều kiện cho hai bên tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế, tìm cách thức khắc phục những điểm yếu trong hợp tác kinh tế song phương.


Minh Lý-Đăng chính (P/v TTXVN tại New Delhi)